Trong truyện Tam quốc diễn nghĩa có kể quân sư Gia Cát Lượng lệnh cho quân sĩ nhào bột mỳ thành hình đầu người, sau đó cho vào chút thịt bên trong và hấp lên để thay cho đầu người thật, ném xuống sông làm vật tế thần sông. Đó chính là màn thầu hay là bánh bao mà ta hay dùng ngày nay.
|
Việc đốt vàng mã ngày nay là việc làm lãng phí, lại làm ô nhiễm môi trường... |
Thời xưa bên Trung Hoa, các hoàng đế hay các quý tộc khi chết đi hay chôn theo họ những người hầu và vàng ngọc, châu báu gọi là tùy táng, bồi táng.
Từ hai câu chuyện trên có thể suy luận ở một lúc nào đó có các vị đạo sĩ, tu sĩ dùng uy tín của mình để thuyết phục hoàng gia và các quý tộc dùng hình nhân, vàng mã để đốt thay người và đồ vật chôn theo người đã mất.
Nếu thật sự như vậy, việc đốt hàng mã rất nhân văn, thay được việc tuẫn táng là một trong những hủ tục tàn khốc trong lịch sử.
Xuất phát từ sự tích Phật dạy tôn giả Mục Kiền Liên, một trong 10 đại đệ tử của Phật, kính thỉnh chư tăng khắp nơi hợp lực chú nguyện để cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói), lễ hội Vu Lan ngày nay là lễ hội quan trọng của Phật giáo vào ngày rằm tháng 7 âm lịch.
Khi lan truyền sang Á Đông, Phật giáo có xu hướng hội nhập với văn hóa bản địa. Tháng 7 âm lịch là lễ Vu Lan để con cái báo hiếu cho cha mẹ. Tháng 7, theo đạo giáo còn là tháng Diêm Vương đại xá mở cửa âm phủ cho các vong hồn được trở lại trần gian để thăm lại nơi cũ, về với con cháu. Vì thế, tháng 7 ngày nay còn có các lễ cúng cầu siêu, cúng xá tội vong nhân.
Trong các lễ cúng ấy ngoài nhang, đèn, bánh trái… người ta còn lấy giấy tiền vàng bạc, hình nhân và các thứ hàng mã khác như ti vi, xe hơi, nhà lầu… làm bằng giấy để sau khi cúng xong rồi đốt. Theo niềm tin dân gian, các thứ vàng mã ấy sẽ trở thành tiền, vàng, xe hơi, nhà lầu, người ăn, kẻ ở… dùng được trong cõi âm nơi mà linh hồn người đã khuất trú ngụ.
Bằng cái nhìn tỉnh táo, ngay cả đứng ở góc độ tôn giáo, chúng ta cũng biết những thứ vàng mã ấy không thể biến thành thực thể dù là trong cõi âm. Hơn thế nữa, theo thuyết luân hồi của Phật giáo (và những tôn giáo khác có ảnh hưởng từ Phật giáo), tín ngưỡng “ngày phán xét” sau khi rởi bỏ dương trần thì linh hồn người đã mất cũng không thể nhận bất cứ thứ gì từ người trần thế. Do vậy, đốt vàng mã thay việc tùy táng, bồi táng bằng người thật, vật thật không còn ý nghĩa nhân văn nữa vì ngày nay có ai dám thực hiện những việc tuẫn táng khủng khiếp đó đâu.
Nhìn từ một góc độ khác việc tưởng nhớ đến người quá cố và muốn làm một cái gì đó cho họ cũng đáng trân trọng. Nó cũng tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người, nhiều nhà chuyên làm vàng mã.
Nhưng, dù vậy việc đốt vàng mã ngày nay là việc làm lãng phí, lại làm ô nhiễm môi trường như là giấy tiền rãi khắp nơi là một hành động xả rác bừa bãi, đốt vàng mã tạo thêm khí CO2 mà thế giới đang muốn giảm thiểu.
Gần đây, nhiều công trình không tổ chức lễ khởi công hoành tráng, dành tiền để thực hiện các việc công ích giúp đỡ người khó khăn cơ nhỡ. Hoặc nhiều tổ chức vận động hạn chế bắn pháo hoa, thả bóng bay để bảo vệ môi trường. Cho nên chấm dứt việc đốt vàng mã trong các nghi thức cúng kiếng dịp tháng 7 âm lịch hàng năm là việc nên làm. Số tiền bỏ ra để đốt xe hơi, nhà lầu, điện thoại,…bằng giấy đó sẽ có ích biết bao nếu dùng để làm những việc từ thiện.
Các bếp ăn miễn phí hỗ trợ bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện, các quán ăn 0 đồng (hoặc 2.000 đồng) và các quỹ từ thiện các loại khác lúc nào cũng cần bổ sung kinh phí. Chắc chắn hành động dùng tiền ủng hộ cho các quỹ đó sẽ giúp đỡ thêm được nhiều người, mà nói theo tâm linh thì tạo được phước cho người thực hiện và cho cả các thành viên còn sống hay đã mất trong gia đình của người đóng góp tiền, thay vì mua hàng mã rồi đốt bỏ.
Nguyễn Thu Đăng