Bạn có sợ mất chồng? Bạn đã biết yêu thương chính mình chưa? Bạn có ngày ngày nhìn chồng để sống, lấy chồng làm niềm vui nỗi buồn của bản thân? Bạn đã bao giờ thay đổi bản thân? Diễn đàn "Giữ mình hay giữ chồng" được Báo Phụ Nữ mở ra kỳ này để cùng bàn sâu hơn, đa chiều hơn về đề tài này. "Mất chồng chẳng sao cả, đánh mất chính mình mới là mất tất cả. Thay đổi để giữ mình, chứ không phải giữ chồng!" - Điều này thật sự có đúng không?
Bạn có những đồng cảm với đề tài này, hãy gởi bài về cho chúng tôi qua email: tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn
|
“Giữ chồng hay giữ mình” vẫn là câu hỏi muôn thuở của đàn bà. Giữ chồng có năm bảy cách, người cố nhịn nhục giữ thể xác chồng, người hùng hổ đánh ghen nhằm giữ cho con cái một gia đình đầy đủ, người lại tìm mọi cách níu trái tim chồng khi đã chênh vênh. Còn giữ mình, cũng biết bao đường bao nẻo. Giữ mình khỏi những cám dỗ và dục vọng, giữ mình khỏi sự “xuống cấp” về diện mạo, sức khỏe lẫn tinh thần, giữ mình khỏi nỗi hoang mang tuyệt vọng và mất hết niềm tin, giữ mình tránh xa sự thù hận, oán trách… Là gì đi nữa thì người phụ nữ vẫn phải tự mình lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của chính mình.
gày ấy, khi đứng giữa “tâm bão” của cuộc hôn nhân đang rạn vỡ, tôi đã chọn cách buông tay và cố gắng giữ mình hạnh phúc thay vì níu giữ một người chồng không còn hướng về mình.
Từng hoang mang và giằng xé khi hôn nhân rạn vỡ
Ngay từ những ngày đầu hôn nhân, tôi đã nói với chồng: “Em lấy anh vì tình yêu, vì thế nếu một ngày nào đó không còn yêu em nữa, anh hãy nói cho em biết, em sẽ bước ra khỏi cuộc sống của anh mà không gây khó dễ gì. Em sẽ tin tưởng anh tuyệt đối và không lo lắng giữ anh. Chỉ cần chúng ta trung thực với nhau là đủ”.
|
Đứng trước lựa chọn cố giữ cuộc hôn nhân không còn tình yêu hay buông tay, tôi đã để chồng ra đi trong nhẹ nhàng (ảnh NVCC). |
Thế nhưng, cuộc sống hôn nhân của chúng tôi chỉ đúng nghĩa trong năm đầu tiên. Từ năm thứ hai, tôi nhận ra mình không thật sự được chồng chia sẻ và thấu hiểu. Nhưng vừa bận bịu với hai đứa con mới sinh, vừa cơm áo gạo tiền bủa vây nên tôi chẳng còn sức lực và thời gian để chăm chút cho tình cảm vợ chồng. Rồi anh đi du học bốn năm, đi xa nhưng mỗi lần về thăm nhà tình cảm anh dành cho vợ rất nhạt nhẽo. Tôi cố lạc quan và tự nhủ, tại hai vợ chồng còn ở nhà thuê chật chội, cố gắng đợi anh học xong và mọi thứ ổn định thì sẽ khác.
Nhưng khi anh về hẳn và bắt đầu làm ra tiền cũng là lúc mọi chuyện trở nên tệ hơn nữa: Anh tuyên bố từ nay tiền ai làm ra người đó giữ, hàng tháng chi tiêu chung hết bao nhiêu thì chia đôi. Đến lúc này, sau bao ngày tháng chịu đựng sự thờ ơ và lạnh nhạt của anh, tôi nhận ra trái tim anh đã hoàn toàn không còn hướng về mình. Hai từ “ly hôn” bắt đầu xuất hiện trong tâm trí.
Quãng thời gian này thật sự khó khăn khi sự mâu thuẫn giằng xé tâm can tôi. Tôi sợ gia đình buồn lòng đến mức không dám tâm sự với cả chị em ruột. Tôi cũng lo sợ không biết mọi người xung quanh sẽ nhìn chúng tôi với ánh mắt ra sao. Bế tắc, tôi âm thầm tìm đến sách. Tôi đọc rất nhiều để giải tỏa tinh thần, cũng nhờ đó tôi có thời gian nhìn nhận lại mọi thứ. Đến một ngày, nhận thức của tôi thực sự thay đổi, tôi hiểu rằng chỉ khi mình hạnh phúc thì người thân mới vui vẻ. Tôi quyết định hẹn chồng một buổi nói chuyện nghiêm túc.
|
Biết anh không còn yêu mình, tôi không nổi cáu, khóc lóc, chửi rủa hay trách cứ mà nhẹ nhàng chấp nhận để tìm ra cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhất. Ảnh minh họa. |
Đối thoại thẳng thắn và thành thật
Trong cuộc nói chuyện ấy, tôi nói với chồng rằng, chúng ta hiện nay không phải vợ chồng đúng nghĩa, em cần anh trả lời một cách thành thật nhất về tình cảm dành cho vợ. Chồng tôi đáp gọn: “Hiện anh không còn tình cảm gì với em, anh chỉ sống với em vì con”. Khi nghe câu nói đó, tôi thấy lòng nhẹ bẫng và biết đã đến lúc mình cần dừng lại. Tôi nói với chồng: “Cảm ơn anh đã cho em biết tình cảm thật của mình. Chúng ta có nhiều cách để vì con, nếu cứ sống không tình cảm thế này, cả em và anh đều mang lại những cảm xúc tiêu cực cho nhau và ảnh hưởng trực tiếp tới con. Em quyết định chấm dứt cuộc sống hôn nhân của mình từ giờ phút này, và anh yên tâm, em sẽ không làm gì ảnh hưởng đến anh hết.”
Đó cũng là buổi nói chuyện cuối cùng của tôi và chồng, trong buổi nói chuyện đó, mọi vấn đề còn khúc mắc, ly hôn và hậu ly hôn đều được trao đổi thẳng thắn và đến giờ cả hai vẫn thực hiện đúng như những cam kết trong buổi nói chuyện ấy nên không có chuyện các con tủi thân vì thiếu thốn tình cảm.
Gốc rễ trong cuộc sống vợ chồng tôi là không hợp nhau, hết duyên thật sự, nên khi buông tay tôi không nặng lòng oán trách anh, và trong tâm tôi cũng luôn mong chồng mình sẽ tìm được người phù hợp, bởi ba của con mình hạnh phúc thì con mình mới hạnh phúc.
|
Tôi cần chồng, cần tình yêu nhưng tôi không cố gắng giữ lại một người đàn ông không còn hướng về mình. Ảnh minh họa. |
Đừng cố giữ chồng, hãy học cách yêu bản thân mình thật sự
Với nhiều người, ly hôn là thất bại lớn trong cuộc đời. Họ tuyệt vọng và rất khó gượng dậy sau đổ vỡ. Với tôi, ly hôn đánh dấu bước trưởng thành mới trong con người mình. Tôi cũng trải qua những tháng ngày loay hoay vô định, những đêm dài im lặng hay chìm trong hơi men, nhưng bên cạnh đó, tôi đọc sách, đi đến những vùng đất mới, gặp gỡ mọi người, tham gia những lớp học phát triển bản thân… Rồi tôi nhận ra mình đã sống hướng ra ngoài hơn là hướng về bản thân, đóng nhiều vai không hợp sức. Mình đã làm cả những việc của đàn ông, như một siêu nhân. Phụ nữ gì mà tay chân thô kệch, không biết làm đẹp, không có bất cứ một trang sức gì. Ngẫm lại mình còn chán chính mình.
Tôi cũng nhận ra rằng, chia tay một tình yêu vốn rất khó, nhưng vạn lần khó hơn là chia tay với niềm tin sai lầm về bản thân, với nỗi sợ cô đơn, sợ không được yêu – và với phụ nữ Việt Nam, còn là chia tay với định kiến xã hội đè nặng về vị thế thiệt thòi thấp kém của phụ nữ so với nam giới. Chừng nào chúng ta vẫn tin rằng không có người ấy thì mình sẽ cô độc, sẽ không được trải nghiệm yêu thương, sẽ không có giá trị, sẽ bỏ lỡ những niềm vui cuộc đời… thì chừng đó dù có ở cạnh ai đi nữa, ta cũng vẫn bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ rằng tình yêu ấy, con người ấy… có thể cũng bỏ ta mà đi.
Nỗi sợ ấy khiến ta cố “giam cầm” người mình yêu. Nỗi sợ ấy đầu độc tình yêu ngay cả trong những phút giây nồng thắm nhất. Vậy nên, điều chúng ta cần làm là dũng cảm chia tay với những niềm tin mù quáng đang đầu độc tình yêu của mình. Đó mới là cách để tình yêu được nuôi dưỡng một cách tích cực.
Và khi chia tay, ta lại tiếp tục làm mình đau khổ hơn bằng cách tự trách móc mình và cứ liên tục xát muối vào vết thương lòng. Nếu ta chưa biết cách yêu bản thân mình đúng nghĩa thì dù có bao nhiêu người yêu ta, ta vẫn chẳng bao giờ cảm thấy Tình Yêu. Khi “thấm” được những điều ấy cũng là lúc tôi gạt bỏ những sân si oán hận và sống cho mình, chăm sóc bản thân, sống chậm lại, dành thời gian cho con và người thân, bạn bè nhiều hơn. Nhờ đó, tôi không rơi vào khủng hoảng hậu ly hôn và vẫn luôn mở lòng tích cực với tình yêu và cuộc đời, luôn trân trọng chính mình và không ngừng yêu thương, chăm sóc cho bản thân theo cách mình mong muốn.
D.C.