Thay vì ép con lấy vợ, hãy để con sống thật với giới tính của mình

27/04/2023 - 19:00

PNO - Vì thương con và cũng thương bản thân, em nên chọn cách giải quyết mềm mại hơn, đừng tạo áp lực cho mình và con nữa.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em chỉ có 1 đứa con trai. Vợ chồng em lục đục nhưng quyết định đợi con vô đại học rồi mới chia tay. Khi con đi du học, chồng em viết đơn. Vợ chồng em thuận tình ly hôn vì thực ra cũng không còn gì với nhau. Cả 2 đều trò chuyện, thông báo cho con và con có vẻ hiểu chuyện, chấp nhận sự thật.

Đến nay đã hơn 1 năm. Suốt thời gian đó, em nghĩ mình đã cất được gánh nặng. Ngờ đâu khi con về thăm nhà, em choáng váng, bị sốc nặng.

Khi lên đường du học, con vẫn là cậu con trai ngoan hiền, dễ thương, học giỏi. Giờ trở về, hơn nửa phần con là con gái. Con công khai trang điểm, ăn mặc, đi đứng, nói năng như con gái; còn nói là có người yêu rồi, nếu mẹ muốn thì sẽ dẫn về cho mẹ coi mắt. Con tự mua thuốc uống để thay đổi nội tiết tố.

Suốt 1 tuần, em hầu như thức trắng, không thể suy nghĩ được gì. Con trai em là niềm hy vọng của cả gia đình nội ngoại, chồng em là con một nên con cũng là cháu đích tôn. Khi sinh được con trai, em coi như đã hoàn thành nghĩa vụ, gia đình chồng đã có người nối dõi tông đường. Vợ chồng em không còn tình cảm nên mười mấy năm qua chỉ sống với nhau trên danh nghĩa, em không hề nghĩ đến việc có thêm con.

Mấy hôm nay, từ lúc con về, em bắt con ở riết trong nhà, lúc ra đường phải đi với mẹ, phải mặc đồ con trai, coi như không có gì khác trước.

Em đã nói chuyện với con, 2 mẹ con đều khóc rất nhiều. Em khuyên con cố đóng tròn vai, cưới vợ, sinh 1 đứa con rồi sau đó con muốn sống thế nào cũng được. Em xin con thương cha mẹ, thương ông bà nội; nếu không, em cũng không còn muốn sống.

Em cảm thấy con hơi lay chuyển, có thể con sẽ nhượng bộ. Tuy nhiên, thời gian về đây đã gần hết mà con vẫn không nói gì. Em định không cho con tiếp tục du học mà bắt con ở nhà để em có thể theo sát con. Em làm vậy có đúng không? Giờ em rối trí quá, xin chị cho em lời khuyên…

Ngọc Minh (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Ngọc Minh thân mến, 

Với các bạn trẻ, nhận thức về giới tính sinh học và bản dạng giới của mình là một phần của quá trình trưởng thành. Con em có quyền chọn lựa và công khai xu hướng giới tính cá nhân.

Em thử nghĩ xem tại sao chỉ khi được cha mẹ cho đi du học, con em mới công khai giới tính. Có thể là vì suốt thời gian trước đó, kỳ vọng của cha mẹ, gia đình đã khiến cháu không dám sống thật. Sau 1 năm du học, con em đã mạnh dạn trở về và công khai với gia đình - điều này cho thấy con em đã có quyết định rất mạnh mẽ.

Nếu bây giờ quyết định ấy vấp phải bức tường “không thể chấp nhận” của em - cũng rắn chắc, mạnh mẽ - rất có thể cả 2 sẽ cùng đổ vỡ, tổn thương. Vậy nên, vì thương con và cũng thương bản thân, em nên chọn cách giải quyết mềm mại hơn, đừng tạo áp lực cho mình và con nữa.

Em hãy cố gắng tiếp cận theo hướng hạnh phúc của con. Hãy tự hỏi mình đã thực sự vì hạnh phúc của con chưa. Khoan nói đến chuyện xã hội bây giờ thoáng hơn, cởi mở hơn, em hãy thử nghĩ đến niềm vui nỗi buồn trong mắt con mỗi ngày, xem thử mình có đang làm khổ con…

Về chuyện học của con, em hãy xem kết quả học tập trong năm vừa rồi. Hãy nói chuyện với con để biết con có thích, có hào hứng học tiếp ở đó nữa không rồi quyết định để con tiếp tục du học hay chuyển con về.

Đối với người trẻ, chuyện học là cả tương lai. Nếu bây giờ bị mẹ ép, bị thất vọng, phải đối phó, phải sống khác với mình, con em sẽ chán nản, việc học của con gãy ngang nửa chừng. Như vậy, sau này con sẽ khổ mà em cũng bị dằn vặt. 

Sự phát triển tính cách, nhân cách của con đang còn dài, em nên chậm lại một chút. Em có thể đồng hành với con trong đoạn đời khó khăn này chứ không nên ép con phải theo mình tuyệt đối. 

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

MAI TRÚC (QUẬN BÌNH THẠNH, TPHCM): HÃY ĐỂ CON SỐNG THEO Ý MÌNH 

Tôi dường như cảm được nỗi xót xa trong từng câu chữ của chị. Thật khó để vượt qua tình cảnh của chị lúc này. Thế nhưng, con chúng ta sẽ sống đời của chúng, dù muốn cỡ nào chị cũng không thể can thiệp mãi được.

Tôi cũng từng đau đớn dằn vặt mình và con rất nhiều khi con tôi ly hôn. Tôi mường tượng đủ thứ, thấy thật mắc cỡ khi đối diện mọi người nhưng dần dần, thấy con vui vẻ, trẻ trung hơn, tôi an lòng và cũng vui. Những đứa trẻ của chúng ta đều trưởng thành và biết mình cần gì, muốn gì.

Dù vợ chồng chị không còn chung đường nhưng anh ấy không thể đứng ngoài việc này. Hãy nói chuyện với anh ấy để tìm giải pháp vừa giúp con vừa để bản thân an lòng. Hiện tại, con chị cũng khó khăn, khổ sở nhưng vì thương mẹ, hẳn con sẽ tìm cách, đôi khi vượt quá sức chịu đựng của con. Hãy hiểu và thông cảm cho con. 

HÀ TRẦN (QUẬN TÂN BÌNH, TPHCM): ĐỪNG NGHĨ ĐẾN VIỆC LÀM KHỔ MỘT CÔ GÁI KHÁC

Những việc tương tự thế này vẫn xảy ra quanh chúng ta: cưới cho con một cô vợ, để con làm cha, sau đó mới cho phép con “sống thật”. Chị nghĩ đến điều đó mà không thấy tội nghiệp cô gái sẽ làm dâu mình sao? Cuộc đời dài lắm. Sao lại nỡ bắt một người dang dở một đời, đau đớn ê chề trong những ngày nuôi con?

Tôi có một người bạn là nạn nhân của câu chuyện tương tự. Sau ngày cưới vài tháng, bạn tôi phát hiện chồng mình qua lại với một người đàn ông khác. Tôi không thể hình dung cảm giác của bạn lúc ấy nhưng cảm thấy thật thương bạn. May mà họ chưa có con.

Sau cú sốc đó, bạn tôi lận đận mãi vẫn chưa kết hôn lại. Mong chị đủ lòng bao dung để chấp nhận con, đừng đẩy con và một cô gái vô tội vào ngõ cụt. Trước khi để con sống thật với giới tính, chị nên sống thật với mình. 

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI