Thay van động mạch phổi qua da, cứu bé gái thành công

25/05/2023 - 10:53

PNO - Nhờ kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da, bệnh nhân đã tránh được cuộc phẫu thuật thay lại van tim, giảm được nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ngày 25/5, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết đã thực hiện thành công kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da để điều trị hiệu quả cho người bệnh sau phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh do tứ chứng Fallot.

Tiến sĩ - bác sĩ Cao Đằng Khang - Trưởng Khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - cho biết, bệnh nhân vừa được can thiệp thành công tên là bé T.N.N.T. (14 tuổi), ngụ tại Bình Dương. 

Năm 2 tuổi, bé T. đã được chẩn đoán và phẫu thuật sửa chữa triệt để tứ chứng Fallot (bốn khuyết tật tim bẩm sinh). Ca phẫu thuật thành công, sức khỏe bệnh nhân cải thiện tốt. Tuy nhiên, gần đây, bệnh nhi có dấu hiệu khó thở khi gắng sức, hoạt động thể lực bị hạn chế.

Kết quả thăm khám, siêu âm tim và chụp MRI cho thấy van động mạch phổi của bệnh nhi bị hở nặng khiến máu trào ngược từ động mạch phổi về tâm thất phải. Đây là diễn tiến tự nhiên rất hay gặp sau khi phẫu thuật điều trị tứ chứng Fallot.

Sau gần 2 giờ được can thiệp thay van động mạch phổi qua da, sức khỏe bé T. đã ổn định.

Để thực hiện thủ thuật này, các bác sĩ đã sử dụng 1 khung kim loại với hình dáng giống như mạch máu, trên đó gắn một van tim nhân tạo, tất cả được thu nhỏ vào trong chiếc ống thông. Ống này được luồn từ mạch máu lớn ở đùi để đưa dụng cụ tới ngay vị trí van động mạch phổi bị hẹp, hở. Thông qua hệ thống máy chụp mạch máu xóa nền, bác sĩ đưa dụng cụ tới chỗ van động mạch phổi bị hẹp, đẩy van nhân tạo ra khỏi ống thông. Sau đó, van nhân tạo bung ra và hoạt động như van tim bình thường.

Chi phí ca mổ khoảng 600 triệu đồng, bảo hiểm y tế chưa chi trả, bệnh nhân đã được các mạnh thường quân hỗ trợ.

Hai bệnh nhi được phẫu thuật thành công bằng kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da (ảnh: Thanh Huyền).
2 bệnh nhi được phẫu thuật thành công bằng kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da - Ảnh: Thanh Huyền

Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Bình - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - cho biết, tứ chứng Fallot chiếm 5% - 10% trong tổng số bệnh tim bẩm sinh. Bệnh nhi cần phẫu thuật sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm và tử vong do cơn tím thiếu oxy cấp. 

Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot, bệnh nhi vẫn có nguy cơ đối mặt với những diễn tiến ngoài mong muốn như hở van động mạch phổi, suy chức năng thất phải, rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột tử. 

Do đó, kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da đã giúp bệnh nhân tránh được cuộc phẫu thuật tim lớn (mổ mở) để thay lại van tim, giảm được nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đến nay, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã thực hiện được 5 ca ứng dụng kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da. 

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI