Thay van động mạch phổi qua… da

02/01/2024 - 06:03

PNO - Sau khi can thiệp phẫu thuật tứ chứng Fallot, một số trường hợp có diễn tiến hở van động mạch phổi nặng theo thời gian. Lúc này, người bệnh cần được thay van động mạch phổi.

Hiện có 2 phương pháp thay van động mạch phổi: phẫu thuật tim hở và can thiệp qua da. Trong đó, kỹ thuật thay van qua da giúp người bệnh tránh được cuộc mổ tim mở lần thứ hai để thay van, nhờ vậy giảm các nguy cơ liên quan đến mổ mở, rút ngắn thời gian nằm viện và mau hồi phục.

Các bác sĩ đang can thiệp thay van động mạch phổi qua da - Nguồn ảnh: Bệnh viện Đại học y dược TPHCM
Các bác sĩ đang can thiệp thay van động mạch phổi qua da - Nguồn ảnh: Bệnh viện Đại học y dược TPHCM

200-250 bệnh nhân tứ chứng Fallot được phẫu thuật mỗi năm

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Trọng Phú - Khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết tứ chứng Fallot là bệnh lý tim bẩm sinh đặc trưng bởi 4 tổn thương về mặt cấu trúc trong tim bao gồm hẹp phổi, động mạch chủ cưỡi ngựa lên vách liên thất, thông liên thất và phì đại thất phải. Nếu không được can thiệp phẫu thuật, diễn tiến tự nhiên của bệnh thường dẫn đến tăng tỉ lệ các biến chứng, giảm tuổi thọ, thậm chí tử vong.

Trên thế giới, tỉ lệ mắc tứ chứng Fallot vào khoảng 5 - 10% trong tổng số bệnh tim bẩm sinh nói chung. Nguyên nhân chưa được hiểu rõ nhưng các nghiên cứu cho thấy những bất thường về gen và nhiễm sắc thể là yếu tố liên quan đến việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý này.

Trước đây, chẩn đoán tứ chứng Fallot thường dựa vào triệu chứng tím tái và âm thổi tại tim. Tuy nhiên, với sự phát triển của siêu âm tim, các bác sĩ có thể phát hiện bệnh lý này sớm hơn. Hiện nay, siêu âm tim thai là phương tiện chẩn đoán sớm nhất, có thể phát hiện bệnh ngay trong giai đoạn bào thai. Bên cạnh đó, sàng lọc đo độ bão hòa ô xy sau sinh cũng giúp phát hiện bệnh. Siêu âm tim cũng là phương tiện chẩn đoán sau sinh dành cho các bé nghi ngờ mắc tim bẩm sinh, trong đó có tứ chứng Fallot. 

Tứ chứng Fallot tiến triển nặng theo thời gian. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là tím da, niêm mạc hoặc các cơn tím cấp. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gặp một số biểu hiện khác như: rối loạn nhịp tim, tình trạng thuyên tắc nghịch, áp xe não, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh thường bị các biến chứng của tình trạng tim bẩm sinh tím hoặc tử vong do cơn tím tái thiếu ô xy cấp.

Trẻ được chẩn đoán tứ chứng Fallot cần được phẫu thuật kịp thời. Thời điểm phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng tím của trẻ, các dị tật và bệnh lý phối hợp đi kèm, tuổi, cân nặng... Thông thường, thời điểm phẫu thuật tốt nhất cho bệnh nhi là từ khoảng 6-12 tháng tuổi. Có nhiều phương pháp điều trị tùy trường hợp. Một số trường hợp phải đặt stent hoặc phẫu thuật tạm thời (để cứu sống người bệnh khi chưa thể phẫu thuật triệt để).

Hiện tại, phẫu thuật triệt để là phương pháp sửa chữa toàn bộ tổn thương của tứ chứng Fallot. Bệnh nhi được mở rộng đường thoát thất phải, đóng lỗ thông liên thất tách biệt 2 hệ tuần hoàn. Ước tính, hằng năm, tại nước ta, có khoảng 200-250 bệnh nhân tứ chứng Fallot được phẫu thuật. Những diễn tiến dài hạn sau phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot có thể kể đến là hở van động mạch phổi, suy chức năng thất phải, rối loạn nhịp tim, hẹp van động mạch phổi tồn lưu hoặc lỗ thông liên thất tồn lưu… Dù vậy, các biến chứng này hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu người bệnh được theo dõi đều đặn và can thiệp kịp thời. 

Dễ đột tử  nếu không được can thiệp kịp thời

Bệnh nhân diễn tiến hở van động mạch phổi nặng theo thời gian sau phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot cần được can thiệp sớm nhất có thể. Điều này xảy ra do lá van đã được tái tạo trong quá trình phẫu thuật nên có thể không hoạt động như 1 lá van thông thường. Hở van động mạch phổi nặng sau phẫu thuật tứ chứng Fallot gây giãn buồng tim phải dẫn đến hở van ba lá, suy tim phải, rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột tử.

Bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi sau ca can thiệp thay van động mạch phổi qua da -  ẢNH: M. T.
Bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi sau ca can thiệp thay van động mạch phổi qua da - Ảnh: M. T.

Bệnh nhân sẽ được điều trị hở van động mạch phổi bằng cách thay van để cải thiện quá trình suy tim phải, từ đó hạn chế nguy cơ rối loạn nhịp tim và đột tử, cải thiện chất lượng cuộc sống. Hiện có 2 phương pháp thay van động mạch phổi: phẫu thuật tim mở và can thiệp qua da. Trong đó, kỹ thuật can thiệp thay van qua da giúp người bệnh tránh được cuộc phẫu thuật tim lớn (mổ mở), giảm các nguy cơ biến chứng do mổ mở.

Tới nay, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã triển khai thành công kỹ thuật can thiệp thay van động mạch phổi qua da cho nhiều trường hợp.

Điển hình gần đây nhất là nữ bệnh nhi T.N.N.T. (14 tuổi, ngụ Bình Dương). Lúc 2 tuổi, bệnh nhi đã được chẩn đoán và phẫu thuật sửa chữa triệt để tứ chứng Fallot. Sau phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục tốt, thể trạng phát triển bình thường. Bệnh nhi vẫn tiếp tục tái khám, theo dõi đều đặn. Gần đây, bé than thường khó thở khi gắng sức và hạn chế hoạt động thể lực. Kết quả siêu âm tim và chụp MRI của bệnh nhi ghi nhận tình trạng hở nặng van động mạch phổi khiến máu trào ngược từ động mạch phổi về tâm thất phải.

Như đã nói, đây là diễn tiến tự nhiên thường gặp sau phẫu thuật điều trị tứ chứng Fallot. Sau gần 2 giờ can thiệp thay van động mạch phổi qua da, sức khỏe bé T. ổn định, có thể đi lại vào ngày hôm sau, kết quả siêu âm tim và điện tim tốt. Hiện nay, bệnh nhi đã hồi phục, hết khó thở, không còn mệt mỏi khi gắng sức và có thể trở lại học tập, sinh hoạt bình thường.

Một trường hợp khác là bệnh nhi P.T.D. (5 tuổi, ngụ Đồng Nai). Từ 6 tháng tuổi, bệnh nhi đã nhiều lần lên cơn tím tái và được chẩn đoán mắc tứ chứng Fallot. Bệnh nhân được bệnh viện tuyến dưới hỗ trợ thở ô xy và chuyển đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám lúc 18 tháng tuổi do cơn tím tái tái diễn nhiều đợt, chậm tăng cân.

Tại Khoa Phẫu thuật tim trẻ em của bệnh viện, D. được chỉ định phẫu thuật sửa chữa triệt để tứ chứng Fallot. Ca phẫu thuật thành công, tình trạng tim bệnh nhi ổn định, phục hồi tốt, da niêm hồng hào, hết tím tái và đã tăng cân. Vết mổ của bệnh nhi lành thương và các vấn đề hậu phẫu ổn định. Sau xuất viện, bé vẫn tái khám định kỳ. Gần đây, bé than mệt, thở khó mỗi lần leo cầu thang, chạy nhảy. Nhờ vẫn theo dõi sát nên các bác sĩ phát hiện kịp thời tình trạng hở van động mạch phổi. Bé đã được can thiệp thay van động mạch phổi qua da và hồi phục rất tốt.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Cao Đằng Khang - Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - với kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da, các bác sĩ sẽ sử dụng một khung kim loại hình dáng giống như mạch máu (stent), trên đó gắn một van tim nhân tạo - tất cả được thu nhỏ vào một chiếc ống thông. Tiếp đến, ống được luồn từ 1 mạch máu lớn ở đùi để đưa dụng cụ đến ngay chỗ van động mạch phổi bị hẹp, hở.

Thông qua hệ thống máy chụp mạch máu xóa nền, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ đến vị trí van động mạch phổi bị hẹp và đẩy van nhân tạo ra khỏi ống thông. Cuối cùng, van nhân tạo sẽ bung ra và hoạt động như van tim bình thường.

Rất nhiều bệnh nhi có chỉ định thay van động mạch phổi sau phẫu thuật tim bẩm sinh. Điều đó cho thấy kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da được triển khai thành công giúp người bệnh có thêm lựa chọn điều trị ít xâm lấn nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm gánh nặng chi phí chăm nuôi bệnh. 

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI