PNO - Nhờ áp dụng thành công phương pháp thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM mang đến giải pháp tối ưu cho bệnh nhân tim mạch. So với phương pháp mổ mở truyền thống, kỹ thuật này giúp giảm thiểu xâm lấn, rút ngắn thời gian nằm viện và có hiệu quả điều trị cao.
Các bác sĩ đang tiến hành thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ cho bệnh nhân - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Điều trị thành công cho bệnh nhân bị giãn to tim
Vừa qua, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã áp dụng thành công phương pháp thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ. Điển hình là trường hợp nam bệnh nhân tên P.M.Đ. (62 tuổi, ngụ Ninh Thuận). Ông Đ. nhập viện vì khó thở khi gắng sức. Triệu chứng trên khởi phát trước đó khoảng 3 tháng. Ông Đ. bị khó thở ngay cả lúc đi lại, vận động trong sinh hoạt thường nhật. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám và cho bệnh nhân làm các chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ xác định người bệnh bị hở van động mạch chủ nặng gây giãn to tim trái (cả nhĩ trái lẫn thất trái). Bệnh nhân được chỉ định thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ.
Sau mổ, ông Đ. nằm hồi sức 2 ngày, được tập vật lý trị liệu hô hấp, vận động và cung cấp dinh dưỡng qua đường miệng sớm. Sau 2 ngày được chuyển lên phòng bệnh nội trú theo dõi, bệnh nhân đã đủ điều kiện xuất viện. 1 tuần sau, bệnh nhân tái khám. Nhờ phẫu thuật nội soi toàn bộ, người bệnh ít đau, sẹo nhỏ, phục hồi và trở về với cuộc sống sinh hoạt thường nhật sớm, chi phí điều trị vừa phải, thời gian điều trị ngắn.
Tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, bệnh nhân có thể lựa chọn các kỹ thuật thay van động mạch chủ như mổ hở, thay van động mạch chủ qua da hoặc thay van động mạch chủ nội soi. Trong các kỹ thuật kể trên, kỹ thuật nội soi toàn bộ thay van động mạch chủ được triển khai tại Khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn từ tháng 3/2024 với tỉ lệ thành công là 100%.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Định - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - thay van động mạch chủ nội soi là kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn, được sử dụng để điều trị các bệnh lý tại van động mạch chủ. Trong phẫu thuật, van tim bị tổn thương sẽ được thay thế bằng van nhân tạo (sinh học hoặc cơ học), giúp phục hồi chức năng tim hiệu quả. Các bệnh lý thường gặp nhất cần thay van động mạch chủ là hẹp hay hở van động mạch chủ. Bệnh này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do thoái hóa tuổi già, do van động mạch chủ bẩm sinh có 2 mảnh hoặc trong bệnh cảnh viêm nội tâm mạc gây nhiễm trùng ở van động mạch chủ.
Đường rạch nhỏ, hồi phục nhanh, giảm chi phí điều trị
Khi van động mạch chủ bị tổn thương, thay van động mạch chủ là phương pháp điều trị hiệu quả, giúp cải thiện lưu lượng máu, giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh - Ảnh minh họa: Internet
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Trần Việt Chương - Khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn - cho biết, với kỹ thuật thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ, bệnh nhân chỉ cần được rạch một đường da khoảng 2,5 - 3cm làm cổng thao tác chính. Nhờ vậy mà giảm đau rõ rệt, tăng tính thẩm mỹ, không để lại sẹo xấu sau mổ. So với kỹ thuật mổ mở toàn bộ xương ức, thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ có đường mổ nhỏ cho phép bảo tồn toàn vẹn lồng ngực, giảm thiểu mức độ tổn thương mô.
Ngoài ra, kỹ thuật này còn bảo tồn cả mạch máu nuôi xương ức. Trong quá trình thực hiện, phẫu thuật viên sử dụng dụng cụ mảnh và thuôn dài để thay van nên nhìn rõ cấu trúc giải phẫu van động mạch chủ, từ đó thao tác chính xác hơn. Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả, không đòi hỏi trang thiết bị đặc biệt (chỉ sử dụng bộ dụng cụ nội soi thông thường).
Kết quả thống kê cho thấy bệnh nhân thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ sẽ giảm được lượng máu truyền trong ca mổ, thời gian nằm viện rút ngắn, chi phí điều trị nhẹ nhàng hơn so với phương pháp truyền thống. Từ nghiên cứu và thực tế cho thấy tỉ lệ bệnh nhân tử vong, phải đặt máy tạo nhịp, chảy máu, phải mổ lại khi áp dụng thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ tương đương với phương pháp mở toàn bộ xương ức. Điều đặc biệt hơn cả là chi phí điều trị của phương pháp trên không quá tốn kém như phương pháp thay van động mạch chủ qua da. Trong quá trình thực hiện, người bệnh được thiết lập máy tuần hoàn ngoài cơ thể qua da dưới hướng dẫn siêu âm để giảm thiểu mức độ xâm lấn. Đây là điều cần thiết trong một ca phẫu thuật có ngưng tim để thay van động mạch chủ.
Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch 2024 do Bệnh viện Đại học y dược TPHCM tổ chức mới đây, Khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn đã giới thiệu kỹ thuật thay van động mạch chủ nội soi toàn bộ cùng những kết quả ban đầu đầy ấn tượng. Đây là báo cáo đầu tiên về kỹ thuật này tại Việt Nam, mở ra một hướng điều trị mới cho bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch cần thay van động mạch chủ.
Van tim gồm 4 van. Đó là van 3 lá (giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải), van 2 lá (giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái), van động mạch phổi (giữa tâm thất phải và động mạch phổi), van động mạch chủ (giữa tâm thất trái và động mạch chủ). Các van tim đóng mở nhịp nhàng, đảm bảo máu chỉ chảy theo 1 chiều, không bị trào ngược. Nhờ cấu trúc và chức năng hoàn hảo, trái tim hoạt động không ngừng nghỉ, bơm máu liên tục, cung cấp ô xy và dưỡng chất cho mọi tế bào trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng duy trì sự sống.
Van động mạch chủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa dòng máu lưu thông trong cơ thể. Tuy nhiên, van tim có thể bị tổn thương do nhiều nguyên nhân, dẫn đến tình trạng hẹp van, hở van hoặc cả hai. Những trường hợp này được gọi là bệnh van động mạch chủ và cần được điều trị bằng phương pháp thay van động mạch chủ.
Nguyên nhân gây hẹp, hở van động mạch chủ có thể là dị tật bẩm sinh (cấu trúc van tim bất thường ngay từ khi sinh ra). Ngoài ra, thấp tim do vi khuẩn Streptococcus gây ra, phổ biến ở người trẻ và trung niên cũng dễ dẫn đến tổn thương van tim. Một nguyên nhân nữa chính là thoái hóa van tim. Ở người lớn tuổi, do quá trình lão hóa tự nhiên khiến van tim trở nên cứng, dày và kém linh hoạt.
Khi van động mạch chủ bị tổn thương, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Vì vậy, bệnh nhân dễ gặp các triệu chứng nguy hiểm như khó thở, mệt khi gắng sức, choáng, chóng mặt và ngất xỉu. Người bệnh cũng có thể bị sưng tấy ở chân, mắt cá chân và bàn chân. Ngoài ra, có một triệu chứng điển hình: nhịp tim nhanh hoặc không đều. Lúc này, thay van động mạch chủ là phương pháp điều trị hiệu quả, giúp cải thiện lưu lượng máu, giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.