Thầy trò vùng lũ: Mồ hôi, nước mắt hòa trong mưa

19/10/2022 - 06:00

PNO - Thầy cô giáo và học trò vùng lũ đang “bơi” trong khốn khó, khi sách vở, phương tiện dạy và học bị vùi nát, bàn ghế ngập trong bùn đất…

Mưa lũ kinh hoàng đã nhấn chìm nhiều trường học và nhà dân. Thầy cô giáo và học trò vùng lũ đang “bơi” trong khốn khó, khi sách vở, phương tiện dạy và học bị vùi nát, bàn ghế ngập trong bùn đất…

Đà Nẵng: “Sách vở mất hết rồi chú ạ”

Nắng hiếm hoi đã xuất hiện, người dân thôn Hà Khê (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cặm cụi giặt quần áo, lau dọn nhà cửa sau đêm mưa lũ lịch sử 14/10. Thôn Hà Khê nằm dưới dãy núi, bên cạnh đường tránh TP.Đà Nẵng. Người dân cho biết cả trăm năm nay chưa thấy cảnh lũ lụt kinh hoàng như vậy bao giờ. 

Giáo viên Trường tiểu học Hòa Sơn 1 (Đà Nẵng) phơi sách vở bị lũ ngâm - ẢNH: L.Đ.D.
Giáo viên Trường tiểu học Hòa Sơn 1 (Đà Nẵng) phơi sách vở bị lũ ngâm - ẢNH: L.Đ.D.

Chị Bùi Thị Tứ (tổ 1, thôn Hà Khê) mếu máo: “Nhà ngập đồ đạc hư hết. Sách vở học hành của hai đứa con cũng hư hết, giờ tụi nó không có gì để học”. Hai bé gái con chị Tứ học lớp Năm và lớp Bảy. Sách vở, đồ dùng học tập sắm sửa đầu năm hết vài triệu đồng, chưa kể áo quần. Sau lũ, trường học đã mở trở lại nhưng chị chưa mua được sách vở cho con đi học.

“Tìm mua không ra, giờ mấy đứa tạm đi học chay. Phía nhà trường đã khảo sát để thống kê nhưng chưa biết khi nào có sách vở”, chị nói. Cùng tình cảnh như nhà chị Tứ, trong tổ 1 rất nhiều nhà bị ngập sâu, học sinh bị mất sạch đồ dùng học tập. 

Ngồi thẫn thờ nhìn cha đang dọn dẹp đống bề bộn trong nhà và giặt giũ quần áo, em Nguyễn Hữu Tấn Tài (học sinh lớp Bốn Trường tiểu học Hòa Sơn 1) nói: “Sách vở mất hết rồi chú ạ. Trường con học lại rồi. Cô nói học tạm rồi ít bữa sẽ có sách. Ba nói đi mua mà chưa có”. Trong xóm, bạn của Tài như bé Nhi, bé Như, em Tuyết… cũng mất hết sách vở. Cha mẹ các em thì vẫn đang tất tả dọn lũ.

Ở trường, thầy cô vẫn đang miệt mài dọn dẹp. Thầy Trần Đức An - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Sơn 1 - đi dép lê, mặt phờ phạc đang cùng các chiến sĩ và giáo viên thu dọn mớ sách vở. “Trường ngập đến nửa cửa chính tầng 1. Toàn bộ học sinh khối 1 - 2 - 3 học ở tầng một bị ướt sách vở và đồ dùng học tập.

Ba hôm nay thầy cô trong trường liên tục dọn dẹp, may mà có bộ đội về phụ dọn nên giờ gần như đã sạch sẽ, ngày 18/10 trường sẽ hoạt động lại. Còn sách vở các em ba khối với 573 học sinh thì ướt và hư hại hết. Ngoài ra, trường bị hư hỏng 37 máy vi tính, 14 máy in, dàn loa và hệ thống âm thanh”, thầy An nói. Thầy cũng cho biết trước mắt sẽ dạy kiến thức, chưa ra bài tập về nhà.

Cô Lê Thị Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A - cho biết thêm: Phần lớn sách vở và đồ dùng học tập của các em đều để ở lại lớp nên bị nước làm hư hỏng hết. Sau khi dọn dẹp xong, các cô sẽ cố gắng mượn các sách toán, văn cho các em học tại lớp. Còn các môn khác sẽ ổn định dần dần.

Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Hòa Vang - thông tin:  Phòng GD-ĐT huyện đã có công văn kêu gọi các trường quyên góp sách vở, đồ dùng học tập. Theo ông Trần Nguyễn Minh Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng - sở đang đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục tại  Đà Nẵng hỗ trợ gần 3.400 sách giáo khoa cho học sinh. Liên đoàn Lao động TP.Đà Nẵng sẽ hỗ trợ kinh phí để học sinh mua 1.362 bộ sách lớp Một và lớp Hai; đang làm việc với công ty sách để chuyển sớm nhất có thể đến các em.  

Nghệ An: Nhà trôi, trường bị sạt lở

Nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, em Moong Thị Phương Thảo - học sinh lớp Bảy, Trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) THCS xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - cố bới trong đống đổ nát dưới nền nhà, tìm sách vở, giấy viết còn sót lại. Em bảo, toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập mới sắm hơn một tháng trước nay đã không còn gì, chỉ còn lại mấy cuốn vở nhưng đã hư hỏng. “Giờ nhà trôi mất rồi, không có chỗ ở nữa. Chỉ mong bố mẹ sớm dựng lán ở tạm. Có chỗ ở thì em mới tới trường học được”, Thảo buồn bã nói. 

Cô Đào Thị Kim Oanh - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tà Cạ - cho biết: Nhờ được các lực lượng chức năng, phụ huynh hỗ trợ nên sau hơn một tuần trận lũ quét tràn qua, các giáo viên trường này đã cào hết lớp bùn đất phủ dày trong lớp học, trở lại dạy học bình thường. Trận lũ quét lịch sử sáng 2/10 đã khiến bốn điểm trường mầm non xã Tà Cạ bị thiệt hại nặng, nhiều đồ dùng học tập bị cuốn trôi, số còn lại ngập ngụa trong bùn đất. Nhiều giáo viên, học sinh cũng không còn nhà để ở. Do nhiều gia đình không có chỗ ở, phải đi ở nhờ, thuê nhà trọ… nên các giáo viên phải lặn lội đi tìm, vận động cho con em trở lại trường học. Hiện cơ bản học sinh đều đã đi học trở lại bình thường. Cô Oanh cho biết dù đã kêu gọi hỗ trợ được một số sách vở cho học sinh nhưng nhiều cơ sở vật chất thiết yếu đã hư hỏng không còn sử dụng được. Nhất là bàn ghế, các loại đồ dùng học tập như đất nặn, bút chì...

   Thầy Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT tiểu học và THCS xã Tà Cạ - nói:  “Lo nhất hiện nay là ở điểm trường chính bị sạt lở, nếu có mưa chúng tôi cũng không dám cho các em ở lại trường. Hiện nhiều nhà ở bán trú của học sinh có nguy cơ đổ sập nên trường phải dành hai phòng học để 60 em ở tạm”.

Thừa Thiên - Huế: Nhiều học sinh chưa thể trở lại trường

Ngay khi nước sông Hương hạ xuống mức báo động 2, toàn bộ 23 giáo viên của Trường tiểu học Thuận Hòa 1 (thuộc xã Hương Phong, TP.Huế) đã có mặt từ sáng sớm cùng bà con địa phương dọn dẹp trường lớp. Đứng bên đống bùn non to tướng chắn cả lối đi vào cổng trường, anh Nguyễn Văn Hải - một phụ huynh học sinh - ngao ngán: "Mỗi năm ở điểm trường này các thầy cô ít nhất cũng năm lần dọn bùn non. Có năm lụt to kéo dài cả tháng".

Thầy cô Trường tiểu học Thuận Hòa 1 (Thừa Thiên - Huế) khẩn trương dọn dẹp trường để đón học sinh học trở lại - ẢNH: THUẬN HÓA
Thầy cô Trường tiểu học Thuận Hòa 1 (Thừa Thiên - Huế) khẩn trương dọn dẹp trường để đón học sinh học trở lại - Ảnh: Thuận Hóa

 Thầy Phan Ngọc Dũng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết, do nước lũ cao từ 1-1,5m và ngâm lâu ngày, nhiều bàn ghế đã hư hỏng. May là 222 học sinh và 23 giáo viên vẫn an toàn. “Năm nào nước lũ cũng vào trường từ 5-10 lần, vất vả nhất là thầy cô cứ dọn bùn xong thì trận lũ mới lại đến. Tuy khó khăn bộn bề nhưng chúng tôi cố gắng tổ chức dạy học trong một hai ngày tới, quyết tâm đảm bảo kịp tiến độ chương trình của học kỳ I”, thầy Dũng nói.

Hiện hàng ngàn học sinh tại nhiều điểm trường vùng hạ lưu sông Ô Lâu thuộc huyện Phong Điền vẫn chưa thể đến trường do nước lũ vẫn còn. Thầy Nguyễn Duy Quang - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phong Hòa huyện Phong Điền - chia sẻ:  Do trường ở vùng thấp trũng, mưa lũ đã làm 11 dãy phòng học và các phòng chức năng ở tầng một bị ngập sâu gần 1m. Bùn đất bám chặt vào bàn ghế và khuôn viên sân trường nên việc dọn dẹp rất vất vả, khó khăn. “Nhà trường đã huy động hết nhân sự cùng với sự giúp đỡ của các chiến sĩ tổ chức vệ sinh khuôn viên trường, lớp để sớm đón các em đến trường”, thầy Quang cho biết.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn trên 230 trường học chưa thể mở cửa trở lại. Ông Nguyễn Thái Hiệp - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Quảng Điền - cho biết: Trên địa bàn huyện còn 26/45 trường chưa thể đi học trở lại. Ngành giáo dục huyện lên phương án dạy bù để học sinh đảm bảo chương trình. Nhiều trường cũng đã sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến nếu tình hình ngập lụt kéo dài. Ngành giáo dục cũng kêu gọi và vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho những học sinh bị ướt sách vở, hư, mất đồ dùng học tập. 

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết: “Đối với những trường học thuộc vùng xung yếu, thường xuyên ngập lụt về mùa này cần có phương án, kế hoạch dạy bù cho học sinh để kịp tiến độ chương trình học kỳ I của toàn ngành, tinh thần nước rút đến đâu thầy cô cùng chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang dọn lụt đến đó. Hy vọng một, hai ngày tới học sinh toàn vùng lũ sẽ trở lại trường học bình thường”, ông Minh nói.

Đình Dũng - Phan Ngọc - Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI