Thầy trò vùng cao nỗ lực chống hủ tục tảo hôn

17/01/2025 - 10:38

PNO - Hủ tục kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết ở nhiều tỉnh miền núi vẫn còn khá nặng nề. Trong cuộc chiến chống lại hủ tục gây nhiều hệ lụy ấy, các thầy, trò đã cùng các ban ngành rất nỗ lực để các em có thể tiếp tục đến trường.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Dư âm của vở kịch Cái đầu ta đã sáng với nội dung phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn đọng lại trong tâm trí Thào Minh Quang (lớp 12A2) cũng như học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Hầu hết học sinh lớp 12A2 đều có bạn bè bỏ học để lấy vợ, lấy chồng từ khi chỉ mới học đến cuối cấp II. Vì vậy, buổi sinh hoạt dưới cờ với vở kịch đó đã cho các em cái nhìn rõ nét hơn về thực trạng này ở cộng đồng mình, cũng như những hệ lụy đau lòng của nó.

Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pú Bầu (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) là nòng cốt tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống tảo hôn - ẢNH: N.T.
Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pú Bầu (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) là nòng cốt tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống tảo hôn - ẢNH: N.T.

Không chỉ xem kịch, các em còn tìm hiểu kiến thức qua trò chơi: trả lời các câu hỏi liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyêt thống.

Thào Minh Quang chia sẻ: “Trên lớp cũng như những buổi sinh hoạt dưới cờ, vấn đề về tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi học sinh, cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn đều được thầy cô lồng ghép, truyền đạt một cách cởi mở, giúp chúng em dễ hiểu, hào hứng thảo luận; từ đó có thêm kiến thức, kỹ năng khi gặp tình huống thực tế”.

Hơn 2 năm nay, Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pú Bầu (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã phối hợp với chính quyền địa phương và Hội LHPN xã Pú Bầu tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, hoạt động nhằm tuyên truyền đến học sinh cũng như phụ huynh về bình đẳng giới. Đồng thời, tìm hiểu, tháo gỡ các vấn đề của một số bạn có dấu hiệu bỏ học và vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Mấy năm nay, ông Ma Seo Chay nhận nhiệm vụ từ các giáo viên của con trai (học lớp Mười hai Trường THPT số 1 huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai): cập nhật, theo dõi tình hình học tập, tâm lý và trao đổi, lắng nghe ý kiến từ thầy cô.

Ông cho hay, dịp hè, thầy cô còn xuống tận bản thăm hỏi, động viên gia đình cố gắng cho con cái học hành rồi phổ biến, tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

“Thằng con trai có bạn gái rồi. Nhưng gia đình nghe lời thầy cô, dù thế nào cũng phải cho nó học hết năm nay. Có kiến thức, có bằng tốt nghiệp THPT thì sau này đi đâu, làm gì cũng thuận lợi” - ông nói.

Thầy cô là điểm tựa

Gần 1 năm trôi qua, T.T.V. (Trường THCS Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) vẫn chưa hết ám ảnh về việc gia đình ép em lấy cậu ruột làm chồng, khi em mới 14 tuổi. V. nói, ở trường, em được học kiến thức về giới tính, được phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em; hơn nữa, em muốn được đến trường, tiếp tục học hành.

Nhưng khi đó, sự phản đối của em chỉ như tiếng kêu yếu ớt giữa hủ tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ của cha mẹ em, cộng đồng mà em sinh sống. V. đã viết thư cầu cứu gửi cô giáo chủ nhiệm và nhà trường. Ngay lập tức, trường đã báo lên chính quyền xã và công an huyện.

Sau khi chính quyền, công an, cô giáo… đến nhà tuyên truyền, giải thích, phổ biến pháp luật, cha mẹ V. đã hiểu ép con tảo hôn, lấy cậu ruột là sai. Bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Hố Mít - cho hay: “Cha mẹ em V. đã đồng ý và ký cam kết từ nay không ép lấy chồng mà để em tiếp tục đi học”.

Vàng Thị Si (lớp 9C, Trường THCS Phan Si Păng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) luôn nhớ đến chị gái mỗi khi học hay tham gia các buổi sinh hoạt, phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn.

Si buồn rầu: “Chị gái em lấy chồng năm 14 tuổi. Năm 18 tuổi, chị có 2 đứa con và rất nghèo. Con ốm không có tiền mua thuốc, phải về xin tiền cha em”.

Si chia sẻ, ban đầu cha mẹ cũng muốn em nghỉ học để lấy chồng, nhưng trên nhóm Zalo của lớp, cô giáo luôn nhắc nhở phụ huynh không được vi phạm pháp luật và tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Si nói với cha mẹ rằng em không muốn nghèo, vất vả giống chị. Chỉ có tiếp tục học thì tương lai của em mới tươi sáng hơn. Dần dần, cha mẹ em đã hiểu và không gây áp lực cho em nữa.

Ông Đỗ Hưng Lý - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Si Păng - cho hay, trường thường phối hợp với trung tâm y tế thực hiện sân khấu hóa tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi về phòng, chống tảo hôn. Bác sĩ bệnh viện đa khoa của thị xã cũng đến trường phổ biến kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Trường còn in các biểu bảng, pa nô, áp phích để treo ở các vị trí dễ thấy nhất. Tuy các cấp, ngành cùng các trường đã quyết liệt vào cuộc, song năm 2024, thị xã Sa Pa vẫn có 21 trường hợp tảo hôn.

“Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, giám sát từ thầy cô, nhà trường, rất cần sự sâu sát hơn của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, kiên quyết xử lý những người vi phạm về tảo hôn hoặc vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình để tảo hôn không còn là vấn nạn nhức nhối, đe dọa sức khỏe và tương lai của học sinh” - vị hiệu trưởng nhấn mạnh.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI