Thầy trò vùng cao đã bớt nhọc nhằn

05/09/2022 - 06:41

PNO - Những cây cầu bắc qua suối thay cho dây đu, những lớp học được làm kiên cố thay cho tranh tre tạm bợ đã giúp thầy và trò vùng cao bớt nhọc nhằn trên hành trình dạy và học.

Hết cảnh đu dây vượt suối

Từ huyện lỵ Văn Chấn đi xã An Lương chỉ bằng nửa quãng đường từ tỉnh lỵ Yên Bái đi huyện Văn Chấn, nhưng đường từ Văn Chấn đến An Lương lại khó khăn, vất vả gấp nhiều lần. 

Bốn năm trước, khi nghe chúng tôi bày tỏ ý định đến thăm Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học An Lương (xã An Lương), cả ban giám hiệu trường và lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Văn Chấn đều can ngăn bởi đường đi rất nguy hiểm. Trên đoạn đường ấy, có đến 17km men theo vách núi, ngó xuống vực sâu. Mùa mưa, đường lầy lội, chỉ có thể đi bộ. Ở một số đoạn, vào lúc có lũ, thầy trò phải đu dây vượt suối.

Năm nay, đường lên An Lương dễ đi hơn nhờ có cầu Áo Ấm - Khe Pạu và cầu Tăng Chan, được xây bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước và nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm. Kỹ sư nông nghiệp Hoàng Văn Cội - Chủ tịch UBND xã An Lương - không giấu được xúc động: “Những cây cầu mơ ước của bà con đã thành hiện thực, bà con đi lại đã bớt khó khăn, các cháu cũng yên tâm đến trường”. 

Mùa hè này, chính quyền xã An Lương, các thầy cô giáo của trường và cộng đồng đã chung tay sửa sang lại khu bán trú. Giàng Thị Sua - bà mẹ có ba đứa con đang học ở trường này - phấn khởi: “Không thể tin được là An Lương lại có trường lớp, nhà bán trú đẹp như thế này. Đường đến trường cũng có cầu nên ngày mưa cũng đỡ lo. Các con được nuôi ăn, bữa ăn có cơm, thịt, cá. Ở trường có làm sinh nhật, có múa hát, nên chúng nó thích đến trường hơn ở nhà”.

Thầy Nguyễn Quang Diện - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học An Lương - cho hay: “Đa số thầy cô sống ở thị xã Nghĩa Lộ và trung tâm H.Văn Chấn. Dù chưa có đường nhựa nhưng việc có hai cây cầu cũng khiến việc đi lại của thầy cô bớt khó khăn hơn”.

Không còn bị lũ cô lập

Keng Đu là xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cách trung tâm huyện 75km đường rừng. Các loại xe khách thường chỉ dừng ở ngã ba Huồi Tụ, từ đó còn gần 50km đường xấu, mới đến Keng Đu. Xã có 10 bản, trong đó 9 bản của người Khơ Mú, 1 bản của người Thái. Hầu hết bà con sống kiểu tự cung tự cấp, kinh tế khó khăn, dân trí thấp.

Cầu Huồi Xui đã giúp khoảng 60 học sinh và người dân bản Huồi Xui, xã Keng Đu, H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An không bị cô lập trong những ngày mưa lũ
Cầu Huồi Xui đã giúp khoảng 60 học sinh và người dân bản Huồi Xui, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An không bị cô lập trong những ngày mưa lũ

Bản Hòa Xuân nằm bên sông Nậm Nơn - biên giới Việt - Lào. Núi non hiểm trở nên trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo không thể về điểm trường chính để học bán trú. Trong nhiều năm, Trường mầm non Hòa Xuân chỉ là gian nhà gỗ do bà con trong bản dựng lên, mái tôn do Phòng GD-ĐT huyện hỗ trợ, lúc nào cũng mong manh giữa gió bão, mưa rừng. Keng Đu là xã khó khăn bậc nhất của huyện Kỳ Sơn, còn Hòa Xuân là bản khó khăn đặc biệt của xã Keng Đu. Miếng ăn còn chẳng đủ no, huống hồ là cho con đi học. 

Mới đây, ông Lương Văn Ngam - Chủ tịch UBND xã Keng Đu - hồ hởi khoe với chúng tôi: “Bây giờ, nhà báo không phải lội suối khi đi vào bản Huồi Xui nữa đâu. Cầu Huồi Xui vừa khánh thành được mấy tháng. Bà con và khoảng 60 học sinh của bản không còn bị cô lập trong những ngày mưa lũ. Trường mầm non Hòa Xuân cũng được thay bằng ngôi nhà cấp 4 kiên cố rồi. Cũng nhờ tấm lòng của bà con cả nước hỗ trợ tiền xây dựng”.

Khi giấc mơ thành hiện thực

Lên huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai từ ngày mới mười tám, đôi mươi, nay ở tuổi gần 50, cô Trần Thị Hằng, thầy Nguyễn Đình Trang, thầy Phạm Quốc Tuân vẫn cần mẫn gieo chữ trên những dãy núi của huyện này. Họ nói: “Ghé lại Mường Khương sau vài năm là đã thấy giáo dục có nhiều thay đổi chứ chẳng cần so với những ngày đầu chúng tôi mới lên đây công tác đâu. So với những ngày ấy thì đúng là những giấc mơ về cơ sở vật chất cho thầy và trò đã thành hiện thực”.

Học sinh Trường THCS Tả Ngài Chồ, H.Mường Khương, tỉnh Lào Cai được học cách sử dụng  nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình ngay tại trường
Học sinh Trường THCS Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai được học cách sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình ngay tại trường

Mùa đông vừa rồi, nhiệt độ nhiều ngày ở Mường Khương chỉ khoảng 5°C, có ngày còn xuống 1°C. Cô bé Sùng Thị Yến kể: “Cháu sắp vào lớp Ba. Hồi đầu năm rét lắm, nhưng ở lớp, ở khu bán trú đều có đèn sưởi. Lần đầu tiên, cháu biết đến cái đèn cắm điện vào mà ấm thế. Ở bản cháu không có đâu”. 

Cô giáo trẻ Hà Thị Hoa thì nhớ: “Hơn mười năm trước, tôi nhận công tác ở xã Pha Long, giáp ranh với xã Tả Ngài Chồ. Đời sống khó khăn, trường lớp thiếu thốn. Mấy lần, tôi bắt xe khách về quê Phú Thọ, định bỏ hẳn nghề giáo, nhưng rồi thương các em nên lại trở lên. Bây giờ, cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư, chăn áo ấm được bà con dưới xuôi gửi tặng, khó khăn của cả thầy và trò đã vơi đi rất nhiều. Chúng tôi không phải đốt đuốc trong đêm đến từng nhà vận động học sinh đến trường như những năm trước nữa. Cũng nhờ đó mà giáo viên vùng cao như chúng tôi thêm vững vàng trong hành trình dạy chữ cho học trò”. 

Uông Ngọc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI