Kể từ sau khi Bùi Công Duy đoạt Giải Nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại S.Peterbourg năm 1997, phải tới gần 20 năm sau Việt Nam mới có được một tài năng trẻ giành giải Nhất tại một cuộc thi violin quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của châu Âu – đó là cậu bé Trần Lê Quang Tiến. Hai giải thưởng lớn nhất về đàn dây ở đẳng cấp thế giới mà người Việt đoạt được, thuộc về một cặp thầy trò…
Bùi Công Duy và 10 năm trở về “vùng trũng âm nhạc”
15 năm trước, vào mùa đông năm 2002, tôi đã từng may mắn được xem Bùi Công Duy cùng cha anh, GS-TS Bùi Công Thành biểu diễn tại Moscow, trong khuôn khổ sự kiện “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga”. Đó cũng là lần duy nhất tôi được nhìn thấy cha con họ biểu diễn cùng nhau trên sân khấu, trong một thánh đường nghệ thuật với vòm nhà hát đẹp lộng lẫy và những khán giả im phăng phắc.
Bùi Công Duy lúc đó đang theo học tại Nhạc viện Tchaikovsky danh tiếng, trông hệt một thanh niên Nga điển trai với vóc dáng mảnh dẻ, gương mặt thánh thiện, sự nghiệp rộng mở vì 5 năm trước đó đã kịp bổ sung vào bảng vàng thành tích giải nhất cuộc thi âm nhạc danh tiếng Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ. Còn cha anh - vốn cũng “dân Tchaikovsky xịn”, thì giảng dạy tại Nhạc viện Magnitogorsk, đồng thời giữ vị trí phó giám đốc phụ trách đối ngoại của nhạc viện.
Lúc đó, tôi đã nghĩ, họ là những nghệ sĩ Việt Nam may mắn nhất, được ông trời ban tặng quá nhiều thứ: ngoại hình, tài năng, phong thái... cùng cơ hội được sống và làm nghề tại một trong những cái nôi lớn nhất của nhạc cổ điển. Ít năm sau, lại nghe tin Bùi Công Duy là người nước ngoài đầu tiên được tuyển vào dàn nhạc dây danh tiếng Virtouse Moscow. Nhưng tôi đã không thể ngờ anh lại quyết định về nước cùng vợ, nghệ sĩ piano Trinh Hương.
Thấm thoắt, thế mà đã tròn đúng 10 năm.
10 năm, như một chớp mắt, nhưng cũng đã đủ để Bùi Công Duy làm được quá nhiều đầu việc lớn, trong một môi trường mà trước đó, ai cũng nghĩ sẽ rất dễ kìm hãm và có thể khiến một nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế như anh bị cụt hứng, lụi nghề. Cũng có những lúc như vậy, nhất là trong những ngày đầu tìm kiếm tiếng nói chung giữa hai bên.
Thời gian đầu, lúc còn chưa kịp “ấm chỗ” tại Nhạc viện Hà Nội, Duy thậm chí còn dính phải một cuộc “kiện tụng nội bộ”, cùng nhiều lời đồn đoán vây bủa quanh anh. Rằng, Duy “chảnh”, Duy về nước với “tham vọng làm to”, rằng Nhạc viện Hà Nội chẳng qua chỉ là bàn đạp cho anh mà thôi…
“Lúc biết tôi có ý định về nước, nhiều người đã gàn tôi: “Dở hơi à?”. Nhưng sau 10 năm, câu trả lời của tôi là: Bùi Công Duy không những không bị lụi nghề - như mọi người từng lo lắng giùm, mà sự nghiệp còn tốt hơn lên rất nhiều. Tôi trưởng thành hơn, biết được nhiều thứ tôi chưa từng được biết, làm được nhiều việc tôi mong muốn làm, và vẫn kết nối được với bên ngoài… Mới hay, môi trường làm nghề chỉ là một phần. Mọi sự, trước hết và trên hết, đều là do mình cả”.
Tất nhiên, chẳng dễ dàng. Từ một nơi mà trước giờ diễn, chỉ cần làm một việc duy nhất là chuẩn bị tâm lý thật tốt để biểu diễn, và khi diễn xong, sẽ “có người mang nước cho uống, mang khăn cho lau”, thì khi về nước, Duy đã phải trở thành một “kẻ đa năng bất đắc dĩ”.
“Trình độ tổ chức biểu diễn còn thiếu chuyên nghiệp ở ta khiến người nghệ sĩ phải tự làm quá nhiều việc bếp núc trước khi vác cây đàn ra sân khấu. Nói sao nhỉ? Nó tựa như hai chiếc điện thoại khác nhau về hệ điều hành vậy, những gì từng biết không dễ gì áp dụng được trong môi trường mới. Ở mình có một cái lạ, là có những đầu việc thì quá nhiều người dẫm chân lên nhau, nhưng cuối cùng lại... vẫn phải tự làm”.
Cát-sê biểu diễn cũng là một “cuộc chiến không khoan nhượng”, dù vì nó, Duy từng gặp phải điều tiếng và thậm chí, có thời gian còn gần như “bị tẩy chay”. “Đó là một cuộc cách mạng nhỏ, đòi lại giá trị thực cho nhạc cổ điển, trả nó về đúng với vị trí nó xứng đáng được thụ hưởng, kể cả trong một môi trường làm nghề khó khăn nhất. Còn nhớ, hồi tôi mới về nước, cát-sê cho một nghệ sĩ solist chỉ từ 1-2 triệu/đêm, thậm chí còn chỉ được vài trăm ngàn, hay cùng lắm là ba triệu, nhưng giờ thì đã lên đến 10-20 triệu.
Tôi luôn nói với các cộng sự của mình rằng: Hoặc không làm, hoặc đã làm thì phải cố hết sức mà làm cho tốt, tốt nhất có thể. Trừ khi anh chơi trò phá giá - xét về lâu về dài, sẽ chẳng tốt chút nào cho cả chính anh và cộng sự của anh, còn thì trong bất cứ thị trường nào, điều kiện tiên quyết vẫn phải là trình độ và thái độ làm nghề chuyên nghiệp, trình độ nào phân khúc đó, không thể “cá mè một lứa” được. Đó là cách tốt nhất để được quyền tự tạo ra luật chơi…”.
10 năm - không quá dài cũng không quá ngắn, đủ để Duy đi từ “đau khổ lớn” đến những “niềm vui nhỏ”. Còn nhớ, hồi mới về nước, Duy từng thổ lộ với tôi về những nỗi “đau khổ” của anh, không chỉ là những hàng ghế trống: “Tại sao Học viện Âm nhạc Quốc gia lại phải trông sang một cây cầu vượt? Tại sao người ta lại phản đối việc xây dựng một nhà hát giao hưởng trong khuôn viên một công viên? Tại sao văn hóa lại bị cho “ra rìa”, mà không phải là những mặt tiền sang trọng nhất, như ở Nga, hay các nước phát triển khác? Sao đến giờ ở Việt Nam vẫn chưa có nổi một phòng hòa nhạc đạt chuẩn quốc tế?...”.
Những gì anh từng đau khổ ấy, sau 10 năm, thực sự vẫn chưa thay đổi được nhiều vì còn quá nhiều trở lực. Nhưng cũng đã có những niềm vui nhỏ, là tiền đề cho những bước đi lớn hơn. Giữa rất nhiều sự chung tay, trong đó có nỗ lực đáng kể của Duy, bằng vào uy tín đã được xác lập của anh trên trường quốc tế cùng tâm huyết, lòng tự trọng của một người trở về, đã có nhiều tên tuổi danh tiếng nhận lời sang “vùng trũng” biểu diễn, một số học sinh có thành tích của Nhạc viện Hà Nội được gửi tiếp ra nước ngoài đào tạo và tìm đúng địa chỉ cần gõ cửa; ngày càng nhiều học sinh đăng ký học tại khoa Đàn dây; khán giả Việt cũng dần hình thành thói quen bỏ tiền mua vé xem nhạc cổ điển, dù giá vé vẫn còn ở mức khiêm tốn…
Cá nhân Bùi Công Duy, dù đã về lại “vùng trũng”, những người từng biết anh vẫn chưa quên tên anh. Tám năm sau khi về nước, Duy vẫn được “nước Nga gọi lại” để ngồi ghế giám khảo cuộc thi Tchaikovsky trẻ lần thứ 8 (2014), nơi 17 năm trước từng xướng tên anh. Thêm lần nữa, Duy lại “đau khổ”: “Thế giới quả thật đã đi một bước dài trong âm nhạc: Nếu như lúc trước, một em thí sinh độ 16 tuổi mới có thể đánh được đến trình độ đấy thì giờ, chỉ cần một em 12 tuổi.
Tài năng trưởng thành nhanh hơn, sớm hơn nhờ có được môi trường thuận lợi hơn bao giờ hết: Được đầu tư mạnh hơn, được học nhiều thầy giỏi hơn, được tiếp xúc rộng hơn, cọ xát nhiều hơn… Trong khi đó, cái đỉnh cao nhất mà học sinh Việt Nam đạt được mới chỉ dừng lại ở những cuộc thi tầm trung của khu vực Đông Nam Á, thậm chí còn chưa ra đến ASEAN. Nói gì đến một cuộc thi tầm cỡ như Tchaikovsky…”.
Duy ước ao về một festival âm nhạc cổ điển thường niên có tầm cỡ quốc tế ở Việt Nam. Và Vietnam Connection Music do Bùi Công Duy là thành viên đồng sáng lập và giám đốc điều hành đã ra đời và đi được hai mùa chính thức (2015 và 2016). Với tính chất học thuật nghiêm cẩn, nội dung hấp dẫn và những nghệ sĩ trình tấu xuất sắc - khán giả trong nước có thể hoàn toàn yên tâm về một lễ hội âm nhạc cổ điển đẳng cấp dành cho họ vào mỗi mùa thu.
Trần Lê Quang Tiến - “Ơn giời, trò đây rồi!”
Cuộc gặp giữa Bùi Công Duy và cậu học trò nhỏ của mình kể cũng khá lạ. Tiến từng học piano từ lúc 5 tuổi, rồi chuyển qua violin, cũng chính là lúc Bùi Công Duy vừa về nước, nhưng người thầy đẳng cấp quốc tế ấy vẫn chưa đủ nhen lên ngọn lửa đam mê ở cậu học trò bị cho là khép kín, không ưa nói chuyện với người lạ này. Được nửa năm, Tiến nản, bỏ qua học… vẽ và múa, rồi ba năm sau, lại về lại với violin, cũng lại học thầy Duy, ở vào độ tuổi được cho là quá muộn để học đàn.
Để rồi chỉ hai năm sau đó, dưới sự kèm cặp của thầy Duy, em đã bất ngờ giành giải nhất cuộc thi violon quốc tế Mozart tổ chức tại Thái Lan (2015) và mới nhất, tháng 10/2016, là đoạt giải nhất cuộc thi VI International Violin Competition Kazakhstan, bảng Junior (dành cho thí sinh từ 10-17 tuổi) - cuộc thi âm nhạc cổ điển uy tín của châu Âu.
Một thành tích gây kinh ngạc, bởi kể từ sau khi Bùi Công Duy đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại S.Peterbourg năm 1997, phải tới gần 20 năm sau, Việt Nam mới có được một tài năng trẻ giành giải nhất tại một cuộc thi violin quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của châu Âu (cả về uy tín, bề dày của cuộc thi đến dàn giám khảo gồm toàn những tên tuổi danh tiếng...). Lại là một tài năng trẻ được đào tạo hoàn toàn trong nước, trong một thời gian ngắn kỷ lục (so với những em được học đàn bài bản, liền mạch từ năm 5-6 tuổi).
Đỉnh chinh phục tiếp theo đây của hai thầy trò sẽ là cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ vào mùa tới, nơi Việt Nam suốt gần 20 năm nay hoàn toàn vắng bóng. Và Duy từng sốt sắng lo lắng, khi trở về từ hàng ghế giám khảo của cuộc thi: “Cứ đà này, tôi rằng chừng 20 năm nữa cũng khó mà có nổi được thí sinh vào đến vòng chung kết, chứ đừng nói là đoạt giải…”. Vậy mà, bằng quá trời nỗ lực, hai thầy trò nhà họ đã cố rút ngắn thời gian để không phải chờ tới 20 năm sau…
Nhưng cái được nhất ở đây, theo thầy Duy, lại không phải là điều Tiến đã làm được, mà là Tiến đã nói được với thầy rằng: “Từ nay, con sẽ quyết tâm theo nghề này”. “Hơn cả thầy hay bố mẹ ép, trong nghề này, một khi tự người học đàn muốn đi theo nghề, thì lúc đó, mọi việc sẽ khác đi rất nhiều…”. Duy hẳn chưa quên cái thời bị bố ép học đàn từ năm lên 5 tuổi - theo đúng kiểu “cha truyền con nối”, và 5 năm sau đó, thì theo bố sang Nga. 15 năm khổ luyện ở Nga, Duy đã luôn phải đối diện với áp lực lớn nhất là sự hy sinh của cả gia đình. Tiến thì khác, em có một lý do để bố mẹ không bao giờ ép.
|
|
Tiến là một “ca” đặc biệt, không chỉ ở bảng vàng thành tích của em mà còn ở “trích ngang lý lịch” và cá tính có phần khác biệt ở em. Một cậu bé được sinh ra trong một gia đình có truyền thống “văn võ song toàn”, với cụ ngoại là nhà văn Nguyễn Tuân, ông họ là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - một trong “tứ trụ của hội họa Việt Nam” và ông nội nguyên là Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng (tên của Tiến cũng chính là được đặt theo bí danh của ông nội hồi còn hoạt động trong thành: Bảy Tiến)…
Tiến giống thầy Duy ở dáng vẻ cao ráo, ánh mắt mơ màng, phong thái nghệ sĩ nhưng lại khác thầy ở điểm: Trong khi thầy Duy tận đến giờ vẫn còn sở hữu một gương mặt “thoáng nét baby”, thì cậu học trò Trần Lê Quang Tiến lại mang một vẻ mặt “ông cụ non”, có phần già trước tuổi; thầy nói nhiều, còn trò thì nói ít nhất có thể.
Lần tôi đến tìm gặp Tiến, lúc em mới giành giải nhất tại Thái Lan, Duy thậm chí còn từng dặn tôi: “Tốt nhất là nên ngồi cùng mẹ của Tiến, vì em ấy không dễ gì mở lòng trước người lạ…”. Và quả thật, trong suốt cuộc chuyện đó, cũng như những ngày đầu học ở chỗ thầy Duy, chị Hà - mẹ Tiến đã gần như đóng vai trò của một người “phiên dịch”, để giúp con không bị lạc nhịp ra khỏi mạch chuyện…
“Muốn trò là thiên thần, thầy phải là phù thủy”
Chị Hà - mẹ Tiến phần nào gợi tôi nhớ đến nghệ sĩ Thúy Lan, mẹ của Bùi Công Duy, cả về phong thái “con nhà”, đậm chất Hà thành lẫn sự tận tụy, “cá chuối đắm đuối vì con” ở chị. Đằng sau sự nghiệp của Bùi Công Duy, người ta thường nhắc đến vai trò định hướng và giám sát của cha anh, GS-TS Bùi Công Thành. Nhưng còn có cả sự hy sinh vô cùng đáng kể của người mẹ - nghệ sĩ Thúy Lan, khi vì sự nghiệp của chồng con, bà đã dũng cảm gác lại tên tuổi đang lên của mình để khăn gói sang Nga làm… một bà nội trợ.
Với người Hà Nội một thời, Thúy Lan từng là nhan sắc Hà thành nổi tiếng ở phố Nguyễn Thượng Hiền. Thế hệ 7X chúng tôi cũng chẳng lạ gì Thúy Lan vì đó từng là một gương mặt vô cùng khả ái trên màn ảnh, dù bà đóng phim không nhiều. Nhưng đó là hai vai diễn nổi bật, đóng cặp cùng hai nam nghệ sĩ nổi tiếng nhất bấy giờ là Chánh Tín (bác sĩ Thu Trang, phim Pho tượng), Thương Tín (Trà My, phim Vụ án hồ con Rùa). Nếu không vướng bộ phim Vụ án hồ con Rùa, Thúy Lan thậm chí còn được mời đóng vai Thùy Dung thay Thúy An trong bộ phim đình đám Ván bài lật ngửa…
Chị Hà tuy không phải là một cái tên được biết rộng rãi, nhưng cũng thuộc diện “con nhà” và hiện đang làm việc tại bảo tàng tranh Nguyễn Tư Nghiêm và bảo tàng nhà văn Nguyễn Tuân. Hành trình đưa Tiến đến với thế giới âm nhạc của chị Hà cũng cảm động không kém những gì bố mẹ Bùi Công Duy đã dành cho con mình. “Hàng bao năm trời, chưa buổi học nào chị đưa con đến muộn, rồi đứng ngoài cả tiếng đợi đón con về… “Cá chuối đắm đuối vì con”, muôn đời vẫn vậy!” - Duy nói.
Còn chị Hà thì lại không giấu được xúc động khi nói về thầy dạy đàn của con mình: “Về lại Việt Nam, bận rộn giữa bao đầu việc, hết đứng lớp, biểu diễn, tổ chức biểu diễn… vậy mà gần như chưa bao giờ thầy Duy thay đổi lịch học của cháu, nếu cùng lắm phải hoãn thì cũng tìm cách bù lại ngay. Tiến có lẽ là một học sinh đặc biệt khiến thầy phải kiên trì hơn cả, kiên trì từng chút một, hết ngày này qua tháng khác, nhưng chưa bao giờ thấy thầy phàn nàn kêu ca lấy một lời.
Có những lúc tôi đứng ngoài phòng học và nghe thầy lạc giọng, quát tướng: “Mứt (tên ở nhà của Tiến), tập lại, 10 lần nữa!”, tôi lại không thấy thương con mà là… thương thầy. Chứng kiến thầy Duy làm mọi việc từ to đến bé đâu ra đấy, đôi lúc tôi không hiểu thầy lấy đâu ra năng lượng nhiều đến thế. Điều đáng giá nhất mà Tiến học được ở thầy Duy, theo tôi, không chỉ là những ngón đàn mà chính là sự tự tin và thái độ sống nồng nhiệt ấy ở thầy…”.
Duy thì bảo, tại anh quen rồi, trước giờ cứ mỗi lúc bị đặt vào thế khó, anh lại càng mạnh mẽ tìm ra lối thoát. Với một ca đặc biệt như của Tiến, buộc lòng hai thầy trò “phải cố gấp 3-4 lần”, bằng đủ kiểu “Đông Tây y kết hợp”, “lắm khi phải đi đường vòng” và thậm chí phải dùng đến cả “khổ nhục kế”. Triết lý đứng lớp của Duy là: “Muốn học trò Việt Nam thành thiên thần thì thầy phải là
phù thủy”.
Lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân - cụ ngoại của Tiến thường dùng chữ “thay thực đơn cho giác quan”, để nói về cái nghiệp đi và viết của mình. Bùi Công Duy về nước, hẳn cũng là một cách “thay thực đơn” cho mình, và “thực đơn” anh chọn, chưa bao giờ hết hấp dẫn!
Nhà báo Thủy Lê