Thầy & Trò và âm nhạc giao thoa

30/03/2013 - 03:20

PNO - PNO - Nếu xét theo chuẩn của một buổi biểu diễn thông thường, chương trình Thầy & Trò - Những đồng nghiệp 2 tối 29/3 tại Nhạc viện TP.HCM không thể gọi là hay. Song nếu biết rằng hầu hết nghệ sĩ trong chương trình đều là sinh...

Thay & Tro va am nhac giao thoa
Hoà tấu jazz - big band của thầy trò Khoa Nhạc nhẹ

Chỉ vừa thành lập được hai năm, Khoa Nhạc nhẹ và Âm nhạc công nghệ - Nhạc viện TP.HCM đã cho thấy họ có thể làm được những gì. Trên nền tảng các tiết mục khán giả được chứng kiến tối 29/3, chúng ta có thể hy vọng trong vài năm tới sẽ có một lớp nghệ sĩ kế thừa có chuyên môn cao bước ra thị trường.

Chỉ vỏn vẹn tám tiết mục, một số trong đó dừng ở mức tròn trịa như một buổi diễn báo cáo hơn là một chương trình biểu diễn nghệ thuật thực sự. Từ hoà tấu jazz - big band đến hoà tấu rock, dù chơi những tác phẩm vang danh khắp thế giới, cách dàn hàng ngang chơi nhạc của các giảng viên, sinh viên chưa đủ sức kiểm soát, lôi kéo khán giả cuốn theo âm nhạc của họ.

Thay & Tro va am nhac giao thoa
Hoàng thành Thăng Long - sự kết hợp giữa nét nhạc dân tộc và nhạc cụ Tây

Nếu như đã có những khán giả lắc lư với Watermelon man (Herbie Hancock), Song for my father (Horace Silver) hay gật gù với New divide (Linkin Park), Tragedy (Beegees) thì đó phần lớn là vì bản thân tác phẩm hơn là những bước tiến, lùi đơn điệu của giảng viên Tiến Dũng hoặc sự bất động của ban nhạc sinh viên. Phần song tấu jazz tác phẩm Diễm xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bùi Thanh Phúc và Lê Nhật Nguyện cũng chỉ cố hoàn thành tác phẩm hơn là biểu diễn. Với tốp ca nữ bản Dịu dàng sắc xuân của cố nhạc sĩ Nguyễn Nam bốn cô gái không tỏ ra đặc biệt hơn các bạn đồng nghiệp trung bình ngoài sân khấu thực tế dù trong số các cô cũng có người từng tham gia biểu diễn ở các quán cà phê.

Thay & Tro va am nhac giao thoa
Nhóm Amigos với phần biểu diễn nhiều biến hoá

Đối chiếu những tiết mục vừa nêu với các phần biểu diễn còn lại sẽ thấy một sự chênh lệch đáng kể trong khả năng của thầy trò Khoa Nhạc nhẹ. Tác phẩm Hoàng thành Thăng Long do giảng viên Nguyễn Duy Hùng sáng tác và độc tấu guitar với phần đệm piano của cô gái nhỏ nhắn Sa Huỳnh - (thành danh tại sân chơi Bài hát Việt) cũng như phần gõ nhạc nhẹ của Lương Bỉnh Khôi - người góp phần không nhỏ trong thành công của chuỗi live show xuyên Việt của Lê Cát Trọng Lý đã khiến nhiều người phải suýt xoa thán phục. Đó là một sự kết hợp đáng nể giữa những nét nhạc mang âm hưởng dân tộc Việt Nam với các nhạc cụ phương Tây.

Thay & Tro va am nhac giao thoa
Tiết mục Đối thoại Đông - Tây đặc sắc kết chương trình

Nhóm Amigos với một cây đàn bầu, một bộ gõ và ba cây guitar thùng đã biến hoá khá tốt từ phong cách a cappella sang hát dân ca rồi trở lại nhạc nhẹ. Phần Đối thoại Đông - Tây đặt ở cuối chương trình xứng đáng là một tiết mục kết thể hiện khả năng kết hợp không giới hạn của âm nhạc. Một bộ trống Việt, trống bongo, conga, drumkit đã mang đến cho khán giả những khoản khắc tưng bừng khi kết hợp với âm nhạc của hai DJ Wang DMC và Bnuts.

Kỷ niệm hai năm thành lập bằng một đêm nhạc có vừa vặn, tròn trịa, có bùng nổ, hấp dẫn. Với Khoa Nhạc nhẹ và Âm nhạc công nghệ nói riêng và Nhạc viện TP.HCM nói chung có lẽ đã là một sự hài lòng. Nhưng chắc hẳn rằng cả các giảng viên lẫn sinh viên sẽ còn phải rèn luyện nhiều hơn cho nhau về kỹ năng biểu diễn - cái giúp các nghệ sĩ tương lai cạnh tranh, sống được với nghề.

Cùng xem lại một số tiết mục trong chương trình:

Hoà tấu jazz - big band
Độc tấu guitar Hoàng thành Thăng Long
Tiết mục Lý ngựa ô của nhóm Amigos

Bài, ảnh, clip: P.T.N

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI