Thầy trò Trường THPT năng khiếu TDTT TPHCM bị "bỏ quên" chế độ đặc thù?

25/04/2023 - 22:32

PNO - Chiều 25/4, Ban Văn hoá- Xã hội, HĐND TPHCM đã có buổi khảo sát tại Trường THPT chuyên Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định (huyện Bình Chánh) về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên của thành phố theo Nghị quyết 05/2022 của HĐND TPHCM.

Ông Lê Quang Ninh - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định cho biết, đặc thù trường có 2 cấp học, gồm 2 đối tượng: học sinh học văn hóa thường và học sinh năng khiếu ở 8 bộ môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu điền kinh, bơi lội, Vovinam, Taekwondo. Trong đó, học sinh năng khiếu chiếm hơn 1/3 tổng số học sinh toàn trường. Riêng cấp THCS chỉ đào tạo học sinh năng khiếu.

Ông Lê Quang Ninh- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định báo cáo đoàn giám sát
Ông Lê Quang Ninh - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định báo cáo đoàn giám sát

Về chế độ chính sách, từ học kỳ II năm học 2021-2022, huấn luyện viên, học sinh năng khiếu sẽ nhận chế độ dinh dưỡng theo Nghị quyết 05/2022, thay thế Thông tư liên tịch số 149/2011 của Bộ Tài Chính và Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch. Theo đó, chế độ dinh dưỡng đối với đội tuyển năng khiếu các cấp, huấn luyện viên trong thời gian tập trung tập luyện trong nước là 130.000 đồng/người/ngày, trong thời gian tập trung thi đấu trong nước là 220.000 đồng/người/ngày. 

Định hướng phát triển của trường đến năm 2025, trường phấn đấu xây dựng hoàn chỉnh mô hình THPT chuyên năng khiếu TDTT với quy mô học sinh chuyên năng khiếu đạt 50% học sinh toàn trường, xây dựng trường thành trung tâm đào tạo nguồn vận động viên thể dục thể thao đỉnh cao; Xây dựng trường thành trung tâm TDTT của thành phố…

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trường thiếu sân chơi bãi tập cho các bộ môn. Một số bộ môn đang phải dùng chung nhà tập luyện như Taekwondo, đá cầu, cầu lông, bóng chuyền. Ngoài ra, trường cũng thiếu trang thiết bị tập luyện ở các bộ môn. Nhà trường đang phải sử dụng nguồn kinh phí từ học phí và xã hội hoá để trang bị một phần nhu cầu dụng cụ tập luyện… Đặc biệt, chế độ chính sách rất thiệt thòi. 

“Chế độ chính sách cho học sinh, huấn luyện viên tại trường hiện vẫn theo hướng dẫn của ngành văn hóa thể thao, còn ngành giáo dục thì chưa có. Nhà trường đề nghị Sở Văn hóa Thể thao xác định bổ sung đối tượng học sinh năng khiếu và huấn luyện viên của trường vào đối tượng thụ hưởng Nghị quyết 05/2022. Đồng thời đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM hỗ trợ kinh phí ngoài định mức để trang bị trang phục, dụng cụ tập luyện cho học sinh năng khiếu…” - ông Lê Quang Ninh kiến nghị.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận, các trường năng khiếu hiện đang rất “lưng chừng”, vì Sở GD-ĐT quản lý nội dung về văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao quản lý nội dung về năng khiếu. Đối tượng áp dụng Nghị quyết 05/2022 hiện đang bỏ quên mảng về giáo dục với 3 trường THPT năng khiếu tại TPHCM.

Đối tượng học sinh, giáo viên trường THPT năng khiếu TDTT tại TPHCM đang bị bỏ quên về chế độ chính sách đặc thù
Đối tượng học sinh, giáo viên trường THPT năng khiếu TDTT tại TPHCM đang bị "bỏ quên" về chế độ chính sách đặc thù? 

“Việc "bỏ quên" chế độ gây thiệt thòi cho cả thầy và trò đang học tại trường năng khiếu, khi có tập luyện, có tham gia đạt giải cấp thành phố, quốc gia, quốc tế nhưng lại không được nhận hỗ trợ. Sở GD-ĐT mong muốn HĐND TP khi nhận thấy vấn đề này sẽ trao đổi với Sở Văn hóa Thể thao, đưa nội dung này bổ sung vào Nghị quyết 05/2022”.

Ông Nguyễn Bảo Quốc cũng cho hay, hiện nay chưa có quy định đặc thù trường phổ thông năng khiếu mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy các bộ môn huấn luyện đặc thù. Một số chính sách khác như việc thực hiện công tác thường xuyên để đảm bảo duy trì, bảo dưỡng, tu bổ trang thiết bị dành cho huấn luyện cũng như đối tượng nhân sự thực hiện các nội dung này cũng chưa có.

“Cần có cái nhìn khách quan, đặc thù hơn để hỗ trợ các đối tượng trường THPT năng khiếu TDTT. Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đang xây dựng đề án chuyển Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi) phát triển thành trường THPT năng khiếu TDTT, đảm bảo các khu vực tiếp giáp ở thành phố đều có trường năng khiếu TDTT… Do vậy, cần phải có các chính sách phù hợp để không “bỏ rơi” đối tượng cần được thụ hưởng”- Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TPHCM đánh giá, so về quy mô thành tích TDTT thì thành tích của Trường THPT chuyên Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định ngang bằng hoặc cao hơn các quận, huyện song chế độ chính sách dành cho học sinh, huấn luyện viên tại trường lại thiệt thòi hơn nhiều. 

Ông Nguyễn Minh Nhựt- Phó trưởng Ban Văn hoá- Xã hội, HĐND TPHCM thừa nhận chế độ chính sách dành cho học sinh, huấn luyện viên trường THPT năng khiếu đang rất thiệt thòi
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TPHCM thừa nhận chế độ chính sách dành cho học sinh, huấn luyện viên trường THPT năng khiếu đang rất thiệt thòi

Ông đề nghị Sở Văn hóa Thể thao ngồi lại với Sở GD-ĐT để cập nhật, điều chỉnh lại chế độ chính sách, điều chỉnh Nghị quyết 05/2022 cho phù hợp với đối tượng đặc thù của trường. 

Ông Nguyễn Minh Nhựt nhìn nhận, so với các quy định của Trung ương thì trường đang phải chắp vá rất nhiều để tồn tại, gặp nhiều khó khăn để phát triển bền vững. Vì vậy, trường phải có chiến lược phát triển trong từng giai đoạn một cách rõ ràng, đồng thời phối hợp với Sở GD-ĐT rà soát các quy định, thông tư của Bộ Văn hóa Thể thao, Bộ Tài chính về chính sách, nếu có quy định thì thực hiện cho đúng còn nếu không có thì đề xuất trình HĐND TP thực hiện theo chính sách đặc thù, nhằm đầu tư đúng mức để học sinh được phát triển, giúp ngành giáo dục định hình được mô hình tổ chức cho các trường THPT năng khiếu khác. 

B.Q

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI