Thầy trò ta sẽ sớm gặp lại nhau!

06/09/2021 - 16:53

PNO - Nếu không có dịch, ngày 5/9 sẽ là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, là ngày mà học trò đều háo hức đón chờ được gặp thầy cô, bạn bè… Năm nay, dịch bệnh hoành hành khiến nhiều tỉnh, thành không thể tổ chức lễ khai giảng truyền thống. Nhưng có hề chi, không gặp nhau trực tiếp được thì cũng mặc đồng phục, đeo khăn quàng, chào cờ, đón năm học mới qua màn hình.

Muôn vàn cảm xúc

“Không phải là những ngày tháng Chín rợp bóng cờ hoa, thơm mùi của những bộ đồng phục mới. Hội trường ngày thường đông đúc, hôm nay chỉ có mỗi mình thầy và chiếc máy quay. Sân khấu cũng có băng-rôn chào năm học mới, hiệu lệnh ba hồi trống ngân vang mở ra ngày khai trường cũng rơi vào thinh lặng. Mấy mươi năm đi dạy, lần đầu đọc diễn văn khai giảng mà không có những gương mặt “khán giả” thân thương, thiếu sự tề tựu đủ đầy của các thầy cô đồng nghiệp và phụ huynh… thấy thiêu thiếu thế nào đó. Nhưng chúng ta phải chấp nhận để cùng nhau tiến xa hơn…”, thầy Mai Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường quốc tế Hoàng Gia (Q.7) chia sẻ cảm nhận về buổi lễ khai giảng có một không hai trong cuộc đời làm nghề gõ đầu trẻ. 

Thầy Mai Đức Thắng bộc bạch: “Thầy cô nhớ học trò rất nhiều khi năm học 2020 - 2021 kết thúc mà không kịp có lễ tổng kết năm học. Và giờ đây, năm học 2021 - 2022 bắt đầu khi thầy trò vẫn chưa thể trở lại trường và chỉ có thể nhìn nhau qua màn hình máy tính. Nhưng, tôi tin các em sẽ hiểu được rằng mình cùng nhau bắt đầu năm học thế này, trước hết chính là để mỗi người trong chúng ta bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội. Học sinh và phụ huynh sẽ hiểu học online là một giải pháp hiệu quả để lộ trình học tập của các con không bị gián đoạn. Bởi dịch bệnh vẫn đang diễn ra, còn cuộc sống của chúng ta vẫn phải tiếp diễn. Dù ở yên trong nhà nhưng chúng ta hoàn toàn có thể được “náo nhiệt” qua từng bài giảng, qua những trang sách và lĩnh hội tri thức. Trước những thử thách, thầy cô sẽ không ngừng tìm giải pháp để đồng hành cùng học sinh học tập và rèn luyện. Nhà khoa học Galileo Galilei từng nói “dù sao trái đất vẫn quay”, thầy trò chúng ta sẽ gặp lại nhau, cùng tiến về phía trước để không bị bỏ lại phía sau”. 

Học sinh hào hứng “dự” lễ khai giảng qua màn hình - ẢNH: NGÔ BÁ LỤC
Học sinh hào hứng “dự” lễ khai giảng qua màn hình - ẢNH: NGÔ BÁ LỤC

Hình ảnh cô Văn Thuỳ Dương của Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.Hà Nội) một mình đứng giữa sân trường trong bộ lễ phục áo dài nghiêm trang đọc diễn văn khai giảng mang lại nhiều cảm xúc cho một mùa tựu trường, để thấy rằng chúng ta đang sống trong những thời khắc hết sức đặc biệt. Khai giảng mà ở trường chỉ có cây, có bàn ghế và cánh cửa lớp im lặng, học sinh chưa thể tới trường.

Trong diễn văn khai giảng, cô nhắn nhủ học trò: “Tuy ngày gặp mặt như chúng ta mong đợi chưa tới vì lý do dịch bệnh nhưng hôm nay qua màn ảnh chúng ta vẫn nhìn thấy nhau, vẫn được cùng nhau dự một lễ khai giảng ấm áp và tình cảm… Lễ khai giảng đặc biệt năm nay, cô chỉ muốn chúng ta hứa với nhau, dù khó khăn nào đi nữa, chúng ta cũng không để mình giậm chân tại chỗ, sẽ nỗ lực hơn năm ngoái để vượt xa hơn mong đợi của chính chúng ta và của cha mẹ các con”.

Không gì là không thể

Đây là một mùa khai giảng năm học không thể đặc biệt hơn khi mà nhiều địa phương phải gồng mình chống dịch. Thế mà, trong sáng 5/9, có hơn 50 tỉnh, thành tổ chức lễ khai giảng, bước vào năm học mới. Gặp khó khăn phải thích ứng, vì thế, tùy theo thực tế địa phương mà lễ khai giảng năm nay trở nên hết sức đa dạng, linh hoạt. Nếu như thầy và trò ở Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định, Đắk Nông… có thể tựu trường bằng một buổi lễ trang trọng trực tiếp thì nhiều địa phương khác sẽ gặp nhau qua truyền hình, YouTube, fanpage…

Chị Hồng Phượng (Q.Tân Bình) kể: “TP.HCM tổ chức khai giảng trên sóng truyền hình trực tiếp vào lúc 8 giờ. Nhận được thông báo của cô chủ nhiệm, hai con tôi vui khấp khởi, tối ngủ con cứ nhắc mẹ liên tục là sáng đúng 7 giờ phải kêu con thức dậy chuẩn bị “đi khai giảng”. Sáng ra, chưa đến giờ, hai đứa đã ăn mặc chỉnh tề, đeo huy hiệu đoàn và khăn quàng đầy đủ không khác gì đi dự lễ mọi năm, chỉ khác là đi chân trần và ngồi trước ti vi chờ đến giờ làm lễ. Các con đã có những phút giây đáng nhớ khi hát quốc ca trong lễ chào cờ, dành thời gian mặc niệm những nạn nhân tử vong do COVID-19… Tuy qua màn hình nhưng có thể thấy lễ khai giảng rất trang trọng, thấy con háo hức mình cũng vui lây”.

Học sinh hào hứng “dự” lễ khai giảng qua màn hình - ẢNH: HOÀI NAM
Học sinh hào hứng “dự” lễ khai giảng qua màn hình - ẢNH: HOÀI NAM

Lễ khai giảng năm học mới ở TP.Hà Nội được tổ chức chung tại Trường THCS Trưng Vương với số người tham dự rất hạn chế và truyền hình trực tiếp sóng Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội. Sau phần “tiếp sóng” lễ chung, nhiều trường học đã chuẩn bị chương trình riêng bằng hình thức trực tuyến để kết nối, khích lệ tinh thần giáo viên và học sinh. Nhiều thầy cô sau nhiều tháng không được gặp học trò, nhận được các đoạn clip ngắn của phụ huynh gửi đến, đã mừng rơi nước mắt.

Còn lễ khai giảng tại Đà Nẵng diễn ra trong thời điểm mà thành phố vẫn đang thực hiện các biện pháp mạnh để phòng, chống dịch nên chỉ có thể tổ chức online. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh (Q.Hải Châu) được lực lượng công an phường lấy xe chuyên dụng chở tới trường làm lễ khai giảng. Trong buổi lễ khai giảng của ngôi trường này chỉ có cô hiệu trưởng, một cô cấp dưỡng và bác bảo vệ. 

Chính hoàn cảnh đặc biệt cùng những nỗ lực của các thầy cô đã mang lại những cảm xúc khó quên, dù chưa trọn vẹn cho không chỉ học sinh mà còn cả các bậc phụ huynh. Thầy Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Phong thuộc huyện miền núi Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Dù điều kiện khó khăn nhưng trường vẫn tổ chức buổi lễ khai giảng tươm tất nhất có thể. Vì thị trấn Trà Xuân (H.Trà Bồng) đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nên các giáo viên không lên trường được, chỉ có ba người ở địa phương đến dự lễ tại trường, số còn lại theo dõi ở nhà. Những học sinh của ngôi trường này cũng dậy sớm, mặc đồng phục và ngồi ngay ngắn dự khai giảng qua điện thoại của cha mẹ. 

Dù không khí khai giảng không còn rộn ràng, đầy ắp tiếng cười đùa của bạn bè như các năm nhưng rồi chúng ta sẽ gặp nhau, sẽ bù lại cho các cháu một ngày khai trường đúng nghĩa sau khi hết dịch.

Là một lãnh đạo thường “vi hành” đến những buổi khai trường để ngắm nhìn học sinh được ông bà, cha mẹ dắt tay đến trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những cảm xúc đặc biệt trong ngày khai giảng năm học mới khi ông dự lễ khai trương Bệnh viện Dã chiến Truyền nhiễm 5G điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng tại TP.HCM.

Phó Thủ tướng chia sẻ: “Bình thường, những năm gần đây, giờ này, tôi thường đến các trường học để chứng kiến cha mẹ, ông bà đưa các cháu nhỏ đến trường, chứng kiến các cháu nhỏ nô nức, háo hức, kể cả những cháu nhỏ xíu lần đầu đến trường còn sợ, còn khóc. Ngày hôm nay, chúng ta ngồi ở đây, không phải trong không khí tưng bừng mà rất trang nghiêm. Trong số các bác sĩ ngồi đây có những người cũng có con, có cháu mà lẽ ra hôm nay mình phải ở bên cạnh. Có rất nhiều địa phương dù khai giảng nhưng trẻ em chưa thể đến trường. Chúng ta phải cùng nhau sao cho dịch bệnh ở thành phố và một số khu vực lân cận sớm được kiểm soát; tự hứa sẽ bù lại cho các cháu một ngày khai trường đúng nghĩa.

Ở những nơi trẻ em chưa thể đến trường, phải tạo điều kiện tốt nhất dù qua mạng, qua truyền hình, qua phiếu học tập để các con được học hành thật tốt. Hơn hết, chúng ta phải cùng nhau tự hứa rằng ngay ở địa bàn thành phố này đã và sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ cho các thầy cô và các cháu học sinh. Tôi mong rằng, toàn xã hội, tất cả các lực lượng, dù là công hay tư, phải bước qua những ràng buộc, kể cả cơ chế, kể cả trong suy nghĩ để kiểm soát được dịch, sớm nhất đem lại cuộc sống bình thường mới cho nhân dân, để trẻ em sớm được quay lại trường học…”.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI