Thầy, trò sao chỉ biết cúi đầu?

08/03/2018 - 08:30

PNO - Chúng ta không thể mong đợi gì ở sự tốt đẹp, trung thực và dũng cảm ở những đứa trẻ qua những bài giảng đạo đức với ngôn từ hoa mỹ trong khi thực tế thầy cô chỉ biết cúi đầu, không dám phân biệt chuyện đúng sai.

Tiếp tục gặt trái đắng nếu giáo dục không thay đổi

Do áp lực của một số phụ huynh, cô giáo Bùi Thị T.N. đã phải quỳ gối xin lỗi trong khoảng 30-40 phút. Trước đó, cô giáo T.N. đã phạt học sinh quỳ gối khiến học sinh sợ, không muốn đi học. Câu chuyện xảy ra vào sáng 28/2/2018 tại Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đang gây xôn xao dư luận. Hành vi của những phụ huynh thật đáng trách và là một “quả đắng” với ngành giáo dục. Đáng suy nghĩ là ngành giáo dục gần đây phải hứng những “quả đắng” như thế ngày càng nhiều. Phải làm gì để có “trái ngọt”?

Cách đây chưa lâu, tôi có cơ hội được trò chuyện với vị hiệu trưởng của một trường phổ thông trong thành phố. Ông kể tôi nghe về rất nhiều nỗi trăn trở trong vai trò hiệu trưởng trước sự việc mà theo ông, giáo viên (GV) của trường rõ ràng đang cố ý làm sai quy định.

Cụ thể, GV đã có những lời nói, cử chỉ thể hiện việc ép buộc học sinh (HS) đi học thêm, hay phạt học trò bằng tiền: 5.000 đồng cho một lần không thuộc bài, 10.000 đồng nếu không thuộc bài và làm bài tập... Và hình phạt ấy đã mang về cho lớp một nguồn quỹ khá lớn. “Đó là một việc làm sai trái đứng từ góc độ giáo dục, dù GV không giữ số tiền đó cho riêng mình”- vị hiệu trưởng nói. 

Thay, tro sao chi biet cui dau?
 

Tôi thắc mắc: tại sao không đem sự việc ra trước hội đồng sư phạm hoặc có hình thức nhắc nhở, phê bình hoặc kỷ luật đối với GV có hành vi phản giáo dục đó? Hiệu trưởng nói rằng, điều ấy là rất khó, bởi dù bức xúc trước việc làm của cô, nhưng không có trò nào dám đứng lên xác nhận sự thật, vì sợ cô, nên chẳng có bằng chứng gì để chấn chỉnh cô giáo. Tôi ngờ rằng, vị hiệu trưởng đã sai hoặc cố tình lảng tránh trách nhiệm. 

Và câu chuyện trên khiến tôi nhớ đến tình huống mình đang gặp phải. Chẳng là tôi có nhận được một lá đơn từ một số GV tố cáo những vấn đề khuất tất đang diễn ra trong chính ngôi trường của mình. Đó là tình trạng ăn chặn, lạm thu, lạm chi, lạm quyền của người đứng đầu nhà trường, đang diễn ra hằng ngày trong sự bức xúc và bất lực của cả tập thể GV.

Qua đơn, các thầy cô mong muốn phải trả lại môi trường giáo dục trong sạch mà họ đã dày công vun đắp. Đơn viết: “Hiện nay, 80% GV của trường cảm thấy bức xúc, nhưng không ai lên tiếng vì họ biết có lên tiếng cũng chẳng được gì, bởi sự câu kết và lạm quyền của hiệu trưởng”. Để chứng minh những nội dung tố cáo không phải là đơm đặt, họ đã cung cấp số điện thoại của rất nhiều GV để chúng tôi xác minh.

Tôi chọn và gọi cho vài số điện thoại để kiểm tra tính xác thực của sự việc. Người đầu tiên tôi gọi, có lẽ là một GV trẻ, sau khi ngập ngừng thì trốn tránh câu hỏi với lý do “không biết gì”: “Tôi mới về trường 7 năm nay, tôi không biết gì để nói”.

Người thứ hai nhận cuộc gọi là một GV có nhiều năm trên bục giảng, khi nghe tôi trình bày mục đích cuộc gọi, cô mách: “Ngày mai, em cứ đến trường. Gặp và hỏi bất cứ GV nào, họ sẽ nói cho em nghe. Sự thật sẽ được phơi bày”. Tôi cố hỏi: “Nếu ngày mai em đến trường gặp cô, thì cô có sẵn sàng nói cho em nghe sự thật?”.

Cô giáo lảng tránh ngay: “Ngày mai, tôi không có ở trường. Cô cứ đến, rất nhiều GV để cô gặp mà”. “Em giả sử, nếu em gặp cô, thì cô có trả lời câu hỏi hôm nay của em không?”- tôi cố "truy", nhưng cô giáo đưa ra lý do để từ chối: “Tôi là một đảng viên, không thể nói gì với em cả”.

Tôi thất vọng trước câu trả lời. Không phải vì mục đích của mình chưa thành mà vì biết được suy nghĩ từ một GV là đảng viên. Bởi, tôi luôn nghĩ đã là một đảng viên thì càng cần phải đứng lên đấu tranh, phân biệt rõ đúng - sai, tốt - xấu. Đằng này, họ lại đùn đẩy việc khó - nói lên sự thật - cho những người khác.

Tôi gọi người thứ ba. GV này không từ chối trả lời. Tôi tiếp tục hỏi han nhưng không nhận được một câu trả lời nào hướng vào sự thật.

Từ câu chuyện của mình, một cách rất tự nhiên, tôi dành sự cảm thông cho những HS đang né tránh sự thật hơn là trách các em. Hiệu trưởng cho rằng, những HS của ông không dám tố cáo cô giáo vì sợ những lời hăm dọa. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là nhà trường đã dạy các em phải sống trung thực như thế nào, phải đứng thẳng để nói lên lẽ phải như thế nào.

Nói vẫn chưa đủ mà thầy cô giáo phải sống như thế nào, hành động như thế nào để các em nhìn vào mà có cảm hứng sống tốt, sống trung thực và dũng cảm. Chúng ta sẽ không thể mong đợi gì ở sự tốt đẹp, trung thực và dũng cảm ở những đứa trẻ qua những bài giảng đạo đức với những ngôn từ hoa mỹ trong khi thực tế các thầy cô lại chỉ biết cúi đầu, không dám phân biệt chuyện đúng sai. 

Làm học sinh sợ đến lớp là tối kỵ trong giáo dục

Tôi nhắm mắt để hình dung về cái cảnh cô giáo N., Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, quỳ gối trước đám PH “hổ báo” và cảm thấy tim mình nhói đau. Hình ảnh ấy là minh chứng cho sự xuống cấp và suy đồi đạo đức của một bộ phận trong xã hội.

Tức giận với đám PH “hổ báo” bao nhiêu, tôi lại tức giận với ông hiệu trưởng nhà trường bấy nhiêu. Ông đã có mặt tại “hiện trường” và ông đã bỏ rơi cô giáo, khiến cô giáo bị sỉ nhục, giáo giới bị sỉ nhục và cả ngành giáo dục bị sỉ nhục. 

Nhưng khách quan nhìn nhận, một GV giỏi như cô lại dùng đến hình phạt làm tổn thương HS, khiến các em sợ đến lớp là sai lầm tối kỵ trong giáo dục. Như các nhà tâm lý vẫn nói: một đứa trẻ bị hành hạ như thế nào thì sau này lớn lên chúng cũng sẽ đối xử với người khác như vậy.

Nguyên lý đó đặt ra vấn đề: phải chăng cô giáo N. cũng là nạn nhân của những hành vi phản giáo dục nào đó? Thầy cô là người làm gương, người khai sáng và tạo cảm hứng cho học trò, dẫn dắt học trò vươn đến một lối sống đẹp, nhưng thời nay, đại đa số thầy cô đã không làm được việc đó, đôi khi lại làm điều ngược lại.

Gieo gì gặt nấy. Thiết nghĩ, nền giáo dục của chúng ta phải nhanh chóng thay đổi quan điểm, thay đổi triết lý sao cho việc dạy dỗ trở nên nhân văn và nhân bản hơn, có giá trị ứng dụng tốt hơn trong đời sống. Có như thế mới hy vọng sớm có “trái ngọt” thay cho “trái đắng” như hiện nay.

Phương Dung (TP.HCM)

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI