Thầy trò NSƯT Hữu Châu cùng kể chuyện sử Việt

25/04/2024 - 15:08

PNO - Sân khấu Kịch Hồng Vân vừa tổ chức thi tốt nghiệp cho lớp Diễn viên nâng cao chuyên sâu 1. Lớp do nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hữu Châu chủ nhiệm và trực tiếp giảng dạy. Với chủ đề “Nghe tôi kể về sử nước tôi”, lần đầu tiên, các học viên trải nghiệm hình thức thi độc thoại đề tài sử Việt.

NSƯT Hữu Châu cho biết, trước đây, các lớp diễn viên do mình giảng dạy cũng từng tổ chức thi Monologue (độc thoại) nhưng chủ yếu vẫn là nhân vật kịch cổ điển nước ngoài, như: Hamlet, Macbeth, Othello, Medea… Một đêm diễn độc thoại nhân vật sử Việt là điều anh đã ấp ủ từ lâu. Nhưng đâu dễ thực hiện, phải xét nhiều yếu tố, nhất là năng lực thoại, đài từ của học viên.

NS ƯT Hữu Châu
NSƯT Hữu Châu mong muốn các học trò của mình yêu sử Việt và biết tìm tòi, sáng tạo từ chất liệu lịch sử.

Đây là lần đầu tiên, NSƯT Hữu Châu và các học trò cùng làm nên đêm diễn Nghe tôi kể về sử nước tôi. Đặc biệt hơn, khi hầu hết các bài độc thoại đều do chính các học viên tự viết.

“Tôi bắt buộc các em phải viết, phải tìm ra nhân vật lịch sử mình tâm đắc để làm bài. Các em tự viết, tập và trả bài cho tôi tại sân khấu. Tôi đồng ý thì chuốt làm bài thi. Tôi không chịu thì phải tìm nhân vật khác…” – NSƯT Hữu Châu chia sẻ.

“Cũng nhiều khi tụi nhỏ đã làm được rồi nhưng ông thầy vẫn cố ý bắt làm lại. Như vậy, bắt buộc các em phải đọc nhiều hơn, tìm tòi nhiều hơn nữa. Điều tôi mừng nhất là các em chịu đọc sách, còn đọc nhiều nữa là đằng khác” – NSƯT Hữu Châu vui vẻ nói.

NS ƯT Hữu Châu
NSƯT Hữu Châu trao chứng nhận tốt nghiệp cho Trần Tuấn Kiệt với bài độc thoại Tùng và phong lan về nhân vật Nguyễn Trãi - vai diễn "để đời" của NSƯT Hữu Châu trong vở Bí mật vườn lệ chi.
NS ƯT Hữu Châu
NSƯT Hữu Châu cũng đã tặng bộ râu hóa trang từng được mình sử dụng khi diễn vai Nguyễn Trãi cho học trò.

Trong đêm thi Nghe tôi kể về sử nước tôi, 20 học viên bằng hiểu biết, cảm nhận của riêng mình đã kể một cách ngắn gọn, súc tích về số phận, tâm sự, cả bi kịch và nỗi đau của nhiều bậc tiền nhân.

Đặc biệt, ngoài những nhân vật lịch sử quen thuộc, từng nhiều lần xuất hiện trên sân khấu, như: nữ tướng Bùi Thị Xuân, Thần phi Nguyễn Thị Anh, Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Linh Nhân thái hậu Ỷ Lan, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái sư Trần Thủ Độ, công chúa An Tư… một số học viên còn khai thác các nhân vật ít được nhắc đến, như: Phan Thanh Giản, Đỗ Anh Vũ, Võ Tánh, Trịnh Giang, Trần Liễu…

Hoàng Linh Chi trong vai Thần phi Nguyễn Thị Anh
Hoàng Linh Chi trong vai Thần phi Nguyễn Thị Anh - nhân vật được khai thác rất nhiều thời gian qua.
Các tiết mục cũng được dàn dựng
Các tiết mục thi cũng được dàn dựng liên kết, tạo cảm xúc liền mạch cho khán giả. Phần thi nhân vật Nguyễn Thị Anh của Quỳnh Lê mở đầu với phần kết trong phần thi nhân vật Nguyễn Trãi của Trần Tuấn Kiệt.
Đỗ Thái Sơn trong phần độc thoại nhân vật Lý Huệ Tông
Đỗ Thái Sơn trong phần độc thoại nhân vật Lý Huệ Tông có sự hỗ trợ của các bạn học viên đảm nhận các nhân vật nhà Trần.

Thậm chí còn có góc nhìn thông cảm, phản biện, và cả “giải oan” cho một số nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử, như: vua Gia Long, Phan Thanh Giản, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc…

Đỗ Anh Vũ cũng là nhân vật lịch sử
Hồ Minh Mẫn chọn khai thác một nhân vật rất ít được nhắc đến là quyền thần Đỗ Anh Vũ của triều Lý.
Đặng Mậu Lân
Lần hiếm hoi một nhân vật phản diện như Đặng Mậu Lân được khai thác sâu về nội tâm qua phần thể hiện của Văn Đệ.
Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc là kẻ phản quốc hay là một siêu gián điệp của nhà Trần
Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc là kẻ phản quốc hay là một "siêu gián điệp" của nhà Trần vẫn được tranh cãi sôi nổi trong cộng đồng yêu thích lịch sử. Học viên Thắng Minh đã chọn góc nhìn "giải oan" cho tiền nhân.

Là người rất tâm đắc với đề tài sử Việt, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hồng Vân xúc động cám ơn NSƯT Hữu Châu và các học viên đã mang đến một đêm thi ý nghĩa.

“Nghe lại những tâm sự, trăn trở của các nhân vật lịch sử do các em thể hiện, tôi thấy vẫn còn rất đúng cả trong xã hội hôm nay. Sử Việt của mình tuyệt vời lắm, làm sao phải lan tỏa để mọi người dân đều biết và yêu sử Việt.

Tốt nghiệp rồi, chặng đường diễn xuất của các em vẫn còn rất xa ở phía trước, nhưng ít nhất là các em đã biết và yêu sử Việt. Đây là hành trang rất quý để các em tự hào, xem những câu chuyện của cha ông là bài học quý, là động lực, là cảm hứng để sáng tạo, làm nghề và cống hiến” – NSND Hồng Vân chia sẻ.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI