Thầy trò lúng túng với chương trình lớp Mười mới

16/09/2022 - 06:26

PNO - Qua hai tuần đầu của năm học 2022-2023, nhiều học sinh, giáo viên vẫn bối rối với chương trình giáo dục phổ thông mới, được áp dụng cho lớp Mười kể từ năm học này.

Kiến thức khá nặng

Một học sinh lớp Mười của Trường THPT Marie Curie (Q.3, TPHCM) nhận xét, chương trình mới đã gây bối rối cho học sinh do cả nội dung kiến thức lẫn phương pháp dạy đều mới mẻ. 

Học sinh lớp Mười, Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) đang học môn ngữ văn theo chương trình mới ẢNH: P.T
Học sinh lớp Mười, Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TPHCM) đang học môn ngữ văn theo chương trình mới - Ảnh: P.T

Đối với môn văn, thay vì được học các tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, nội dung chương trình lại chủ yếu là thần thoại Việt Nam, thần thoại Hy Lạp, sân khấu dân gian, kịch chèo, thơ văn nước ngoài... Thơ văn Việt Nam cũng có nhưng rất ít khiến các học sinh đam mê tìm hiểu tác phẩm văn chương nổi tiếng của Việt Nam - nhất là dòng văn học hiện đại - cảm thấy không thỏa mãn. Các tác phẩm thần thoại không gần gũi và không phù hợp với lứa tuổi chớm trưởng thành nên đã phần nào khiến học sinh giảm hứng thú với môn văn.

Theo học sinh này, tiếng Anh là môn học có nội dung đổi mới nhất. Trong chương trình mới, sách giáo khoa tiếng Anh được đầu tư như sách của nước ngoài, vốn từ nhiều hơn, độ khó của từ cao hơn, đoạn văn dài hơn. Độ khó của môn tiếng Anh theo chương trình mới tương đương trình độ B2, phù hợp với các học sinh giỏi tiếng Anh hoặc có điều kiện học ở các trung tâm Anh ngữ. Các học sinh chỉ học tiếng Anh ở trường rất dễ bị sốc, bị đuối với môn này. 

Các đoạn văn trong sách tiếng Anh lớp Mười khá dài, gây khó cho học sinh bởi cách học tiếng Anh ở các lớp dưới là dịch, tra từng từ. Nhiều học sinh còn lo lắng bởi sắp tới, các bài kiểm tra, thi sẽ gồm cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết chứ không chỉ viết hay trắc nghiệm như trước đây.

Học sinh trên nhận xét: “Theo chương trình mới, giáo viên phải tổ chức các trò chơi, hoạt động cho học sinh, nhưng do cả giáo viên và học sinh đều chưa quen nên nhiều hoạt động còn gượng gạo, không thú vị. Các môn học đều yêu cầu học sinh thuyết trình nhưng nhiều bạn chưa có kỹ năng trình bày, thiếu tự tin, sợ sai khi phát biểu trước lớp.

Khi giảng, giáo viên không viết lên bảng để học sinh chép như trước, mà học sinh thấy điều gì cần thiết thì ghi lại. Nhưng học sinh đã quen đọc chép nên nhiều khi nghe giảng đến hết tiết mà không chép được chữ nào vào vở. Với cách dạy mới, giáo viên hướng học sinh vào việc tự dựng đề cương, nhưng học sinh đã quen với việc thầy cô phát đề cương để kiểm tra và thi. Tụi em đã có chín năm học theo phương pháp cũ, nên khó quen ngay với cách học mới này”.

Cô Trịnh Thanh Quyên - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TPHCM) - cho rằng nội dung sách giáo khoa mới đã được nâng cao so với chương trình cũ do có cập nhật kiến thức lớp Mười một, Mười hai. Chương trình mới chú trọng kỹ năng giao tiếp chứ không chỉ ngữ pháp và từ vựng như trước. Đa phần học sinh các lớp dưới chưa có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mà quen học thuộc lòng từ vựng, ngữ pháp và cách giải bài, giải đề. Do đó, học sinh nào chưa được luyện ở các trung tâm sẽ bị đuối, nhất là kỹ năng nghe, nói. 

Theo cô Thanh Quyên, với chương trình học mới, giáo viên phải áp dụng cách dạy thiên về giao tiếp, tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi để giúp học sinh nhớ bài, quen với phản xạ. Chương trình mới hướng tới việc xây dựng khả năng tự học cho học sinh nhưng chỉ hợp với học sinh khá, giỏi. Đối với học sinh yếu, giáo viên vẫn phải kèm cặp.

Nhiều áp lực cho giáo viên

Một giáo viên dạy môn hóa học ở H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc thay đổi danh pháp các chất hóa học theo thông lệ quốc tế trong chương trình mới đã gây lúng túng cho cả giáo viên lẫn học sinh. Nội dung kiến thức cũng nặng hơn, trong đó có phần về năng lượng hóa học vốn trước đây chỉ dạy ở bậc đại học hoặc dạy cho các em đi thi học sinh giỏi. Điều này buộc giáo viên phải học tập, nâng cao kiến thức. Chương trình mới cũng bổ sung thêm các tiết chuyên đề, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc được kiến thức cơ bản. 

Giáo viên này cho rằng, các kiến thức nâng cao cũng không quá khó, nhưng số tiết học không thay đổi so với chương trình cũ nên giáo viên phải dạy nhanh, học sinh ít có thời gian để luyện tập. 

Theo giáo viên này, một trong những áp lực đối với giáo viên là phải soạn kế hoạch bài giảng (giáo án) theo quy định mới rất dài, chi tiết, tỉ mỉ. Điều này nặng tính hình thức, tốn thời gian, góp phần triệt tiêu sự sáng tạo của giáo viên. Mục tiêu của chương trình mới là giúp học sinh tự khai phá tri thức, thầy cô giáo chỉ là người hướng dẫn và cung cấp thông tin. Vì vậy, không nên áp dụng một mẫu kế hoạch bài giảng chung cho mọi đối tượng; nên để giáo viên linh động điều chỉnh cách giảng tùy theo khả năng tiếp thu của học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên phải chuẩn bị các bài tập trắc nghiệm cho học sinh, chuẩn bị bài giảng bằng trình chiếu PowerPoint, xây dựng các hoạt động, buổi thuyết trình cho học sinh, tổ chức các chuyên đề học tập... Nếu theo đúng tinh thần của chương trình mới là học sinh dành phần lớn thời gian tự học thì giáo viên sẽ nhàn, nhưng thực tế, giáo viên vẫn phải kèm cặp cho học sinh, nhất là học sinh yếu. Điều này tạo áp lực rất lớn và về lâu dài, sẽ gây quá tải cho giáo viên.

chương trình mới đã gây bối rối cho học sinh do cả nội dung kiến thức lẫn phương pháp dạy đều mới mẻ - Ảnh: P.T.
Chương trình mới đã gây bối rối cho học sinh do cả nội dung kiến thức lẫn phương pháp dạy đều mới mẻ - Ảnh: P.T.

Đối với môn toán, một giáo viên ở TP.Thủ Đức, TPHCM nhận xét, một số kiến thức được nâng cao so với chương trình cũ, như các phần tổ hợp chỉnh hợp, nhị thức Newton, xác suất thống kê... Đồng thời, sách giáo khoa mới được soạn thảo theo hướng tích hợp kiến thức nhiều lĩnh vực, với nhiều bài toán thực tế. Điều này đòi hỏi giáo viên phải mở rộng kiến thức ở các lĩnh vực, kể cả xã hội, văn hóa, thể thao, sinh học.

 

Cô Đoàn Thị Minh Diễm - giáo viên ngữ văn Trường THCS - THPT Lạc Hồng (Q.12, TPHCM) - cho rằng chương trình môn văn mới hướng tới mục tiêu dạy ngôn ngữ hơn là văn học, trong đó tập trung xây dựng kỹ năng nhận xét vấn đề, đòi hỏi học sinh phải rèn thói quen tư duy. Điều này đòi hỏi giáo viên phải trang bị kiến thức xã hội, thoát ly hẳn phương pháp dạy truyền thống. Giáo viên sẽ trở thành người thầy đúng nghĩa, gợi mở, xây dựng khả năng tự học cho học sinh. Nếu giáo viên không thay đổi phương pháp, sẽ không thể thực hiện được mục tiêu của việc đổi mới. 

Linh động bố trí giáo viên dạy các môn mới

Cô Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TPHCM) - cho biết nhà trường đang tập trung xây dựng nội dung và bố trí giáo viên giảng dạy các bộ môn mới của chương trình lớp Mười. 

Nhà trường thành lập Ban Ngoài giờ lên lớp - Trải nghiệm - Hướng nghiệp để triển khai dạy bộ môn trải nghiệm - hướng nghiệp 3 tiết/tuần theo quy định. Bên cạnh các tiết giảng chuyên đề, trường còn tổ chức các hoạt động tập thể cho học sinh. Đối với bộ môn mới này, trường không có giáo viên chuyên trách nên sẽ phân công giáo viên phù hợp tùy vào từng chuyên đề.

Tương tự, với bộ môn giáo dục địa phương, bên cạnh giảng dạy trực tiếp theo chương trình, nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động thực tế theo chủ đề của bộ môn, tích hợp với các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, sinh học do các giáo viên bộ môn này phụ trách. 

Thầy Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (TP.Thủ Đức) - cho rằng khó khăn chung của các trường là thiếu cơ sở vật chất và các giáo viên dạy bộ môn mới. Chẳng hạn, chương trình mới có môn âm nhạc, mỹ thuật nhưng trường không có giáo viên và phòng bộ môn, nên phải phối hợp với một đơn vị bên ngoài để xây dựng các câu lạc bộ cho học sinh. Đối với các môn trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục địa phương, nhà trường linh động bố trí giáo viên có chuyên môn phù hợp để đứng lớp. Đối với các môn trải nghiệm, hướng nghiệp, cách dạy và xây dựng nội dung cần hết sức thiết thực, sáng tạo, tránh hình thức.

“Đổi mới chưa tới”

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - nhận xét: “Chương trình lớp Mười mới đã sửa đổi danh pháp các nguyên tố hóa học theo thông lệ quốc tế nhưng lại giữ nguyên cách phiên âm tiếng nước ngoài trong các sách giáo khoa khác là đổi mới chưa tới”. 

Theo ông, các sách ngữ văn, lịch sử, địa lý... hiện nay vẫn giữ nguyên cách phiên âm tiếng Việt đối với các tên riêng nước ngoài - chẳng hạn Ơ-clít, Ác-si-mét, Ô-lim-píc - là cách làm lạc hậu bởi chúng ta đang chú trọng phát triển ngoại ngữ cho học sinh. Việc phiên âm này cản trở sự tiếp cận tri thức, bởi ngoại ngữ cũng là một tri thức. Việc học tập theo kiểu phiên âm cản trở khả năng tự học của học sinh, khiến các em mất thời gian hơn khi phải tiếp xúc với hai kiểu chữ của cùng một từ. Chúng ta đang đổi mới giáo dục theo hướng hội nhập, khuyến khích học ngoại ngữ và tự học nên cần bỏ kiểu phiên âm như vậy trong sách giáo khoa.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI