Thầy trò hòa nhịp cùng tiếng ve trên đầu núi

18/07/2022 - 08:25

PNO - Khi tiếng ve râm ran gọi hè vang lên phía đông dãy trường Sơn, hoạt động hỗ trợ học sinh miền núi của thầy trò Trường tiểu học - THCS A Xing (xã Lìa, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lại bắt đầu…

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vào lớp 1

Từ giữa tháng 6 đến nay, đều đặn mỗi tuần năm buổi, Trường tiểu học - THCS A Xing lại vang lên tiếng trẻ đọc bài. Sẽ không ai để ý nếu không khí ấy diễn ra vào các mùa khác trong năm.

Chị Hồ Thị Cuôi, ở bản Amôr, chia sẻ: “Năm học tới, con tôi vào lớp Một nhưng lại chưa rành tiếng Việt. Nghe nhà trường thông báo mở lớp dạy học chữ nên tôi đưa con đến học. Đời sống hiện đại rồi, cho con biết cái chữ để bằng bạn bè, sau này còn biết tính toán làm ăn”. Đến từ bản Kỳ Tăng, anh Hồ Văn Song cho biết: “Ở lớp mầm non, con tôi đã được tiếp xúc với cô giáo và bạn bè nên nói tiếng Việt tương đối tốt. Tuy nhiên, vốn từ của cháu chưa phong phú nên nhiều từ cháu nói bằng tiếng Vân Kiều. Tôi đưa cháu đến học để mong năm học tới, cháu nói tiếng Việt sõi hơn, nắm bài nhanh hơn”. 

Học sinh miền núi được dạy tiếng Việt tại Trường tiểu học - THCS A Xing để chuẩn bị vào lớp Một
Học sinh miền núi được dạy tiếng Việt tại Trường tiểu học - THCS A Xing để chuẩn bị vào lớp 1

Một tiết học của các em học sinh chuẩn bị vào lớp 1 thường bắt đầu bằng lời chào hỏi ân cần của cô giáo. Để học sinh làm quen với môi trường chuyển tiếp từ bậc mầm non, các giáo viên soạn giáo án đơn giản. Học sinh được tập đọc và viết chữ cái, ghép một số vần đơn giản và tập đếm từ 0 đến 9. Cô Hồ Thị Lịch nói: “Để các em nhanh chóng hòa nhập môi trường học mới, giáo viên tương tác nhiều với học trò bằng tiếng Việt. Đối với những từ các em chưa biết tiếng Việt thì cô giáo phải nói bằng tiếng Vân Kiều, Pa Kô rồi phiên sang tiếng Việt để học sinh nắm. Những từ như vậy, giáo viên thường xuyên sử dụng trong tiết học để học trò ghi nhớ”. 

Thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, năm học 2022-2023, toàn trường có 85 học trò, trong số đó hơn 90% là con em đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Dịp hè, trường tăng thời gian luyện nói và dạy tiếng Việt cho các em thông qua các tiết học, hoạt động vui chơi, để tạo điều kiện cho học sinh thường xuyên nói tiếng Việt. Nhà trường cũng khuyến khích phụ huynh giao tiếp hằng ngày bằng tiếng Việt với con em mình để các em thành thạo, tự tin vào năm học mới. 

Khơi gợi lại tình yêu dân ca của đồng bào

Trước nhịp sống hiện đại, thế hệ trẻ dần lãng quên những làn điệu dân ca của đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Kô. Để giúp các em giữ gìn truyền thống, yêu hơn tiếng hát của đồng bào mình, Trường tiểu học - THCS A Xing đã phối hợp với nghệ nhân ưu tú Kray Sức - một người con đồng bào Pa Kô, có tâm huyết với truyền thống văn hóa của đồng bào thiểu số ở miền núi Quảng Trị, tổ chức chương trình dạy hát dân ca cho học sinh.  

Mải mê với những điệu hát dân gian bên ghế đá sân trường, em Hồ Thị Tâm, lớp 8B quên cả giờ về. “Em rất thích hát, nhất là hát các làn điệu dân ca của đồng bào mình. Trước đây, mẹ em thường hát ru những bài dân ca như thế nên em rất thích khi được nhà trường dạy. Em sẽ cố gắng thuộc hết các làn điệu để về hát cho các em nghe”, Tâm nói.

Nghệ nhân ưu tú Kray Sức bày tỏ: “Hàng chục năm ngược xuôi miền rừng để sưu tầm, chép lại các làn điệu dân ca, tôi rất mừng khi các cháu học sinh hào hứng và thích thú với những buổi trò chuyện của tôi về các bài hát dân ca của đồng bào. Tôi hy vọng, các cháu giữ được niềm yêu thích và nhen nhóm lên trong mỗi bạn ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống”.

Trong năm học tới, thầy Nguyễn Mai Trọng cho biết, sẽ thành lập các câu lạc bộ dân ca truyền thống của đồng bào nhằm khơi gợi lại niềm yêu thích nét văn hóa đẹp này trong mỗi học sinh. “Chúng ta đều lớn lên bằng lời ru của bà, của mẹ cùng những làn điệu dân ca ngọt ngào. Tôi tin, với việc khơi dậy tình yêu này, các em sẽ là thế hệ tiếp nối giữ lửa truyền thống văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô phía đông dãy Trường Sơn này trước những “cơn sóng” mặt trái của nhịp sống hiện đại”, vị hiệu trưởng nói. 

Ngọc Uyên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI