Thấy trẻ có bướu cần đưa đi khám ngay

08/09/2016 - 11:23

PNO - Bệnh nhi mắc phải loại bướu bẩm sinh vô cùng hiếm gặp, gọi là bướu hắc tố khổng lồ. Các hắc tố trên lưng bé phát triển, tập trung, trông như chiếc mai rùa.

Các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP.HCM vừa mổ bỏ khối bướu “mai rùa” hiếm gặp (là ca thứ hai trên thế giới) trên lưng một bé gái. Hiện tượng bướu khổng lồ thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở trẻ em, gồm: bướu bạch mạch, bướu xương, bướu máu trong gan… và đa số bệnh nhi nhập viện khi bướu đã phát triển nên việc điều trị rất phức tạp, đe dọa tính mạng của trẻ.

Tại BV Nhi Đồng 1, chị Đa Ni, mẹ của bệnh nhi Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi), ngụ tại Sóc Trăng kể, từ khi sinh ra, trên lưng Thắm đã có cục bướu to bằng quả quýt; khối bướu đó cứ to dần. Đêm ngủ, Thắm ngứa ngáy, bắt mẹ gãi khiến bướu bật máu.

Khi được hỏi vì sao lại để khối bướu to, chiếm trọn tấm lưng mới đưa bé đi khám, chị Đa Ni rơm rớm nước mắt: “Nhà tôi nghèo lắm, hai vợ chồng làm ruộng nuôi mấy đứa con. Lo ăn còn không đủ, lấy đâu tiền bạc để đưa cháu đi BV. Vì nhà nghèo, cộng thêm mặc cảm bệnh tật nên Thắm bỏ học cách đây ba năm, phụ giúp mẹ lo việc gia đình, làm thuê làm mướn”. Nhờ có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, bé Thắm mới có điều kiện đến TP.HCM khám.

BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 xác định: bệnh nhi mắc phải loại bướu bẩm sinh vô cùng hiếm gặp, gọi là bướu hắc tố khổng lồ. Các hắc tố trên lưng bé phát triển, tập trung, trông như chiếc mai rùa. Sau 10 ngày nhập viện, ngày 29/8, các BS BV Nhi Đồng 1 đã quyết định phẫu thuật cho bé Thắm nhằm tránh nguy cơ bướu chuyển thành ác tính, cắt bỏ khối bướu nặng hơn 1kg.

Thay tre co buou can dua di kham ngay
Các bệnh nhi bị u bướu đang điều trị tại BV Ung Bướu TP.HCM - Ảnh: Thanh Huyền

Liên quan đến các loại bướu có khuynh hướng phát triển khổng lồ ở trẻ em, TS - BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho rằng không thể bỏ qua bướu xương.

“Chúng tôi từng mổ cho bé gái 16 tuổi, quê Đà Nẵng, bị khối bướu xương khổng lồ ở đùi trái. Đây là khối bướu ác tính, ban đầu, bệnh nhân chỉ cảm thấy chân sưng và đau nhức; về sau, bướu phát triển rất to. Cô bé gầy tong teo, suy dinh dưỡng trầm trọng. Khối bướu cắt ra nặng gần 30kg”, BS Thịnh kể.

Theo BS Thịnh, ung thư xương thường gặp ở thanh thiếu niên, những triệu chứng phổ biến của bệnh là đau trong xương, xuất hiện khối u, dễ gãy xương... Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì khả năng điều trị thành công sẽ cao hơn.

Cách đây vài tháng, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận từ BV Từ Dũ một bé trai 15 ngày tuổi mang khối bướu bạch mạch khổng lồ (bướu phát triển do mạch máu bị dị dạng). Dù khối bướu này lành tính nhưng vô cùng nguy hiểm bởi nằm ở vị trí “hiểm ác”. Khi vừa chào đời, bé trai này đã có khối bướu vùng mặt cổ rất lớn, kích thước 10cm x 15cm.

Lo sợ bệnh nhi cử động sẽ làm khối bướu chèn vào khí quản, gây suy hô hấp, tử vong, các BS BV Nhi Đồng 1 phải mổ khẩn, bóc tách, nạo vét hết các nang nhỏ trong vùng sàn miệng của bệnh nhi. Nguyên nhân bướu có thể là do lúc còn trong bụng mẹ, một đường mạch máu của thai nhi bị tắc và phình lên.

Hai tháng sau khi điều trị cho bé trai trên, BV Nhi Đồng 1 lại tiếp nhận thêm bé sơ sinh tên Tô Gia M., ngụ tại Cà Mau, bị bướu bạch mạch khổng lồ. Bé M. bị khối bướu ở phần cổ phải, đường kính khối bướu khoảng 7cm, gây chèn ép dây thần kinh và hệ hô hấp. Do khối bướu nằm ở vị trí trọng yếu, các BS không thể phẫu thuật bóc tách thông thường mà phải dùng phương pháp chích xơ (hút hết dịch trong bướu ra rồi chích thuốc làm xơ hóa khối bướu).

Riêng với loại bướu bạch mạch bẩm sinh này, tuy không thể phòng ngừa nhưng BS Hiếu khuyên các bà mẹ nên khám thai định kỳ, phát hiện sớm dị tật và vị trí của bướu, lựa chọn phương pháp sinh con thích hợp. Nếu bé có khối bướu khổng lồ, sinh thường sẽ rất nguy hiểm.

Mỗi năm, khoa Sơ sinh BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 10 trường hợp bướu bạch mạch, chiếm 4% trong các ca bệnh bướu máu bẩm sinh ở trẻ. Ngoài ra, các BS còn nhắc đến một loại bướu lớn thường gặp ở trẻ, đó là bướu máu.

Cách đây không lâu, lần đầu tiên, BS Hiếu tiếp nhận bé gái hai tuổi có khối u gan to bằng quả bóng. Bệnh nhi tên Nguyễn Ngọc Thanh P., ngụ ở Sóc Trăng. Mẹ của bé P. kể, thấy bụng con ngày càng chướng to, gia đình cứ nghĩ bé P. bị giun sán, tới khi bụng bé phình to như cái trống, quấy khóc, gia đình mới vay tiền đưa bé lên TP.HCM khám.

Kết quả chụp CT và xét nghiệm xác định đây là khối bướu máu. Các BS đã phẫu thuật cắt 75% lá gan phải của bệnh nhi, lấy ra khối u nặng tới 1,3kg (trong khi tổng trọng lượng của cháu bé chỉ 9,5kg).

Theo BS Thịnh, kích thước khối bướu của trẻ phụ thuộc vào thời điểm được cha mẹ đưa đi khám. Với những khối bướu bẩm sinh mọc ở vị trí nguy hiểm, đa số bệnh nhi được phẫu thuật ngay từ lúc sinh ra. Tuy nhiên, ở nhiều trẻ, bướu mọc ở các vị trí khó thấy nên chỉ khi bướu phình to, phụ huynh mới biết để đưa đi khám. Bên cạnh đó, một số bệnh nhi do gia cảnh khó khăn, mãi đến khi bướu quá lớn, gia đình mới chịu đưa đến BV.

Theo các BS, khi bướu còn nhỏ, khả năng đáp ứng điều trị của trẻ cao hơn, hiệu quả điều trị cũng tốt hơn. Ngược lại, khi bướu phát triển, việc điều trị rất phức tạp và khả năng điều trị thành công cũng giảm

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI