Thầy thiếu 'lửa', trách sao trò 'nguội lạnh'

19/01/2018 - 08:44

PNO - “Nếu em giỏi rồi thì đừng học nữa” - đó là câu trả lời Thúy Quỳnh nhận được khi lấy hết can đảm đề nghị cô giáo dạy sử tìm cách nào đó để các em bớt... “buồn ngủ” hơn.

Lẽ ra phải là những giờ học lý thú thì các môn khoa học xã hội lại đang là nỗi ám ảnh của học sinh, bởi cảm hứng học tập ở các em phải được khơi dậy từ người thầy. Khi người thầy thiếu “lửa” đam mê, không hứng thú, không “cháy” hết mình với bài giảng thì đừng trách sao học sinh nguội lạnh. 

Thay thieu 'lua', trach sao tro 'nguoi lanh'
Cô trò cùng vui trong giờ học - Ảnh: Phùng Huy

“Cứ đọc chép thì tụi con chỉ mong hết tiết” 

“Nếu em giỏi rồi thì đừng học nữa” - đó là câu trả lời Thúy Quỳnh nhận được khi lấy hết can đảm đề nghị cô giáo dạy sử tìm cách nào đó để các em bớt... “buồn ngủ” hơn. Từ bé, Quỳnh đã mê đọc và được bố mẹ mua cho khá nhiều sách lịch sử. Đến lớp Sáu, cô bé vẫn rất say mê môn học này. Nhưng, niềm đam mê đó cứ vơi dần và gần như muốn tắt hẳn, đến mức em sợ học môn lịch sử ở những lớp sau.

Mẹ Quỳnh kể, trước đây chị dạy con theo kiểu bắt đầu từ một nhân vật hay một sự kiện rồi liên kết, mở rộng ra cả giai đoạn lịch sử, để giúp con nắm những vấn đề cốt yếu trước, còn lại con sẽ tự bổ sung thêm kiến thức qua sách vở khi có thời gian. Nhưng ở lớp thì không như vậy. Cứ đến tiết sử là học sinh (HS) chỉ nghe đọc - chép.

Do tâm lý “môn phụ” nên giáo viên (GV) chẳng phân tích gì thêm. Đến kỳ thi, HS được phát đề cương với những câu hỏi và đáp án được GV soạn sẵn để học thuộc lòng. Nhìn con vật vã học để nhớ những chi tiết và thời gian, chị chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.

Quỳnh chia sẻ về những mong muốn của em từ các bài giảng của thầy cô: “Con cần những tiết học sinh động, có sự giảng dạy say sưa của thầy cô, tập trung vào những kiến thức cần thiết. Học các môn học xã hội mà thầy cô cứ đọc chép thì tụi con chỉ mong hết tiết”.

Không chỉ môn lịch sử, mà các môn địa lý, giáo dục công dân và cả ngữ văn cũng rơi vào cảnh tương tự. Tập vở ghi chép của các em HS cùng khối giống nhau đến... từng chữ. Sự “đồng bộ” đó bắt nguồn từ “sách GV”.

Kỳ thi học kỳ II năm ngoái, tại một trường trung học ở Q.2, TP.HCM người ta phát hiện cả trăm bài thi môn văn của HS khối 10 giống nhau từ mở bài cho đến kết luận. Truy tìm nguyên nhân, hóa ra những bài làm “đúc khuôn” đó là của HS một cô giáo chuyên “đọc - chép”.

Thay thieu 'lua', trach sao tro 'nguoi lanh'
 

Cô Nguyễn Hồng Nguyệt Lam, GV dạy văn ở một trường THCS tại Q. Tân Bình, phân tích: “Cách dạy đó đã dần giết chết cảm xúc và tư duy của HS, khiến các em chẳng còn thiết tha với việc tiếp nhận kiến thức”. Nhận lại một bài kiểm tra điểm thấp, Duy Khang, HS lớp 11 tại Q. Phú Nhuận, than: “Bài văn cảm nhận về một tác phẩm văn học mà cô cứ phê con học bài chưa kỹ thì còn gì là cảm nhận. Đã nhiều lần như vậy nên con không dám viết thêm gì ngoài những ý cô giáo đã cho chép trong vở”.

Cảm hứng học tập phải đến từ người thầy

Lý giải hiện tượng hình ảnh người thầy và những môn xã hội ngày càng đánh mất vị trí trong lòng HS, nhiều GV đã chỉ ra, những môn xã hội đã không được chú trọng vì không giúp người học “hái ra tiền” như những môn tự nhiên. Suy nghĩ đó đã khiến nhiều GV chăm chăm đổ lỗi cho khách quan mà không chủ động tạo sự hấp dẫn trong bài giảng để lôi kéo HS chú ý vào môn học; dần có khuynh hướng dạy qua loa cho xong bài.

Nhiều GV còn có thái độ chán chường vì “HS thời công nghệ vô cảm với những môn xã hội, nhất là các môn phụ”. Tuy nhiên, theo thầy Trần Tuấn Anh, GV môn giáo dục công dân, cảm hứng học tập ở HS đầu tiên phải đến từ người thầy. Cảm hứng mà thầy Tuấn Anh muốn đề cập là niềm vui của người thầy với công việc dạy học, sự thăng hoa trong giờ giảng và sự mới mẻ trong phương pháp giảng dạy. Khi thầy đã không “cháy” thì không thể trách trò “nguội lạnh”. 

“Mỗi người có một cách khác nhau để tạo sự hứng thú học tập cho HS. Có thầy dạy giáo dục công dân đã yêu cầu các em ghi vào giấy những điều khó nói, những điều đang cảm thấy khó chịu hoặc lo lắng mà không cần phải ghi tên nếu em không muốn. Các em cũng có thể nói hộ những vấn đề của bạn bè. Việc này sẽ giúp người thầy hiểu được những vấn đề lứa tuổi các em đang vướng phải mà tìm cách giúp đỡ thích hợp.

Tôi đã học cách làm này và thấy HS hào hứng hẳn lên vì buổi học đã không còn là lý thuyết nhàm chán nữa. Theo cách đó, thay vì người thầy chỉ giảng chay, nói suông những bài học đạo đức và các kỹ năng sống, HS sẽ được dẫn dắt vào từng vấn đề của chính các em để cùng nhau tháo gỡ; người thầy chỉ giữ vai trò gợi mở, dẫn dắt. Hãy dành thời gian lắng nghe các em và đừng dạy những gì quá xa cách với những điều các em gặp phải trong cuộc sống thường ngày”- thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Thầy khẳng định: “Không để HS đứng ngoài câu chuyện, ngoài bài học - là nguyên tắc không chỉ dành riêng cho một môn học nào”. 

Như vậy, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, HS đang rất cần sự thay đổi của thầy cô. “Mỗi người thầy cần có ý thức trau giồi kỹ năng cho mình, bởi các tình huống sư phạm là muôn màu muôn vẻ, khi va chạm thực tế mới thấy hết được. Khi người thầy đủ kiến thức, kỹ năng và tâm thế “lắng nghe”, chắc chắn HS không thể nào chán ngán việc học” - thầy Tuấn Anh kết luận. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI