“Trường học hạnh phúc” là nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục TPHCM đặt ra trong năm học 2023-2024. Trong nhiều tiêu chí, điều cốt lõi vẫn là học sinh được vui, được thầy cô lắng nghe, chia sẻ, đối xử công bằng… Với sự nhiệt huyết, sáng tạo của các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô, môi trường giáo dục của thành phố đang thay đổi tích cực, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho học sinh khi đến trường. Bài 1: Những cách dạy "không giống ai" khiến trò mê tít Bài 2: Khi nội quy không còn là nỗi ám ảnh của học sinh |
|
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh thích thú trước hoạt động bỏ sỏi thể hiện cảm xúc - Ảnh: T.T. |
Viên sỏi… giảm buồn
Một buổi sáng cách đây 2 tuần, học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) rất ngạc nhiên khi thấy bên trong cổng trường bày một chiếc bàn dài, phủ khăn đỏ thắm. Trên bàn đặt 6 chiếc hộp nhựa với những biểu cảm hoạt hình, đi kèm là 6 dòng chữ: “Mình cảm thấy sợ hãi, Tui đang quạu, Mình cảm thấy buồn, Mình đang rất vui, Mình rất hạnh phúc, Mình thật sự không ổn”.
Cạnh bên là một chiếc rổ to đựng đầy sỏi trắng. Lại gần xem kỹ, các em mới biết đây là thang đo cảm xúc mà trường triển khai mỗi ngày 2 lần dành cho học sinh bày tỏ tâm trạng, trước khi vào lớp và sau khi tan học. Thấy có thể bày tỏ nỗi lòng một cách tinh tế, các em đều chủ động thực hiện.
“Em rất vui khi được nhà trường quan tâm và giải quyết những vấn đề của mình. Ngày nào em cũng tham gia bỏ sỏi hết, nhiều khi đang buồn mà bỏ xong là thấy bớt buồn hẳn”, một học sinh lớp Mười một chia sẻ. Cho đến nay, đã có hơn 1.200/2.400 học sinh của trường tham gia hoạt động này hằng ngày.
Ông Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, kết quả đo lường mỗi ngày khác nhau. Nhưng khi nhận thấy số lượng cảm xúc tiêu cực quá nhiều, đội ngũ giáo viên tham vấn tâm lý của trường cùng các thành viên đoàn, đội sẽ tiến hành tìm hiểu lý do. Chẳng hạn khi biết các em cảm thấy lo lắng vì sắp có bài kiểm tra giữa kỳ, ban giám hiệu nhà trường đã đề nghị toàn bộ giáo viên phải động viên, hỗ trợ các em. Hoặc khi biết học sinh đang “quạu”, khó chịu vì thời tiết nóng nực, trường cũng rà soát lại phòng học, gắn thêm quạt, thông thoáng cửa sổ để các em thoải mái hơn.
“Đa số các em đều rất thích thú, nhiều em đứng ngay bàn rất lâu, suy nghĩ cẩn thận rồi mới bỏ sỏi vào chứ không phải bỏ tùy tiện. Nhờ đó mà không khí nhà trường lúc nào cũng sôi động, vui vẻ” - ông Hà Hữu Thạch nói. Đồng thời, trường còn bố trí thêm một thùng thông điệp may mắn trước cửa Phòng tham vấn tâm lý. Mỗi học sinh đi qua đều có thể bốc một lá thăm để nhận được những thông điệp tích cực như: Ngày mới tốt lành, làm bài nhanh chóng…
Với ưu thế là đội ngũ giáo viên còn khá trẻ tuổi, ban giám hiệu và giáo viên nhà trường luôn cố gắng bắt nhịp các xu hướng của học trò. Khi tham gia các dự án học tập hoặc các cuộc thi thể thao, văn nghệ, thầy và trò luôn song hành, cùng “lăn lộn” để làm nên thành tích. Thậm chí, nhiều thầy cô giáo còn trở thành “thần tượng” của học sinh, bởi mỗi khi sinh hoạt ngoại khóa đều cùng các em ca hát, nhảy múa hết mình. “Mối quan hệ thân thiết trong giờ chơi đã thúc đẩy sự gắn kết trong giờ học, tạo cảm hứng và tăng cảm xúc cho mỗi học sinh” - ông Hà Hữu Thạch cho biết.
Mọi học sinh đều có cơ hội phát triển
“Trường học không nên chỉ tập trung vào hoạt động tri thức mà đó nên là môi trường diễn ra đa dạng hoạt động cho học sinh tham gia. Với những học sinh hay rụt rè, học yếu và mặc cảm, tôi càng tạo cơ hội để khuyến khích và động viên cho các em thể hiện. Có một điều bất ngờ là các em làm rất tốt” - thầy Hoàng Văn Đồng - Trường THCS Linh Trung, TP Thủ Đức - chia sẻ.
Lớp thầy có 1 học sinh tính cách ngang ngạnh, không sợ la rầy, không sợ cả việc bị buộc thôi học. Nhưng cậu học sinh này lại rất mê nhảy hip hop. Nhắm vào sở thích ấy, trong các hội trại, hội diễn văn nghệ, thầy cho em thỏa sức đam mê bằng cách chỉ định tham gia các tiết mục của lớp. Những cú xoay, bật người và động tác chân thoăn thoắt của em đã được tán dương bằng những tràng pháo tay náo nhiệt từ các bạn. “Cũng từ những giây phút ấy, tôi nhận thấy em đã chịu hòa đồng, và đặc biệt là hứng thú hơn với việc đến lớp” - thầy Đồng kể.
Cũng dùng cách này, thầy cho những bạn nữ tính điệu đà tham gia thi thiết kế thời trang; những bạn mê vẽ thì tham gia trang trí lớp, phòng học, heo đất... Sau những hoạt động như vậy, các em thấy vui vì vừa được thể hiện sở thích, sở trường, vừa làm được những việc có ích cho lớp.
Ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp, TPHCM) - nhận định: “Việc thầy cô nghiêm khắc, đặt ra nhiều yêu cầu có thể đảm bảo tốt cho kỳ thi, nhưng để học sinh yêu thích, thoải mái và nhớ lâu thì tôi không chắc. Thầy cô phải biết cách xác định đối tượng học sinh để có những cách quan tâm phù hợp”. Quan điểm này càng được củng cố hơn khi trường tuyển được một thầy giáo mang phương pháp dạy học gần gũi, thân thiện của bậc tiểu học lên bậc THCS.
Ban đầu, điều này đã tạo ra nhiều sự lo lắng cho các giáo viên khác. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, họ đều phải thay đổi cách nhìn khi thấy được niềm vui, sự hạnh phúc của học sinh tăng cao và tỉ lệ thuận với mức độ hiểu bài, nhớ kiến thức.
Với các nỗ lực như vậy, nhiều ngôi trường ở TPHCM đang dần trở thành trường học hạnh phúc, nơi có mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò, để các em cảm nhận được mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.
Trang Thư - Thu Lê