Thấy quỹ lớp vô lý vẫn đóng vì… sợ đám đông

29/05/2024 - 17:38

PNO - Cô bạn tôi than thở vì các khoản thu quĩ lớp vô lý nhưng rồi vẫn cắn răng đóng vì sợ các phụ khuynh khác “khủng bố”, sợ con bị tẩy chay.

Bất cứ tập thể nào khi hoạt động cũng cần có quỹ tài chính để lo các chi phí, hội phụ huynh trong lớp cũng thế. Tuy nhiên, trước những khoản thu mà bạn thấy là vô lý thì bạn được quyền phản đối, bảo vệ quan điểm của mình.

Vậy nhưng rất nhiều người thấy vô lý, không đồng tình, nhưng vẫn cắn răng đóng tiền. Đóng cho xong, đóng cho êm, bởi sợ bị công kích, sợ con bị tẩy chay.

Hãy để các buổi họp phụ huynh không trở thành buổi thu tiền (ảnh minh hoạ)
Hãy để các buổi họp phụ huynh không trở thành buổi "thu tiền" (ảnh minh hoạ)

Bạn tôi có một cặp sinh đôi học lớp 3 tại một trường công lập ở TPHCM. Dù là trường công, nhưng do nằm trong khu nhà giàu nên các phụ huynh rất thích thể hiện và thu quỹ mạnh tay.

Đầu năm học, sau khi bầu ra ban đại diện (BĐD) cha mẹ học sinh (CMHS), bạn tôi nghe trưởng ban tuyên bố thu quỹ lớp 2 triệu đồng mỗi người mà ngỡ ngàng. BĐD giải thích rằng "thu dư ra, nếu có thừa thì quỹ vẫn còn đó và được giữ lại cho năm học sau". 2/3 lớp đồng thuận, đối với họ 2 triệu đồng là chuyện nhỏ. Lúc số đông đi lên đóng tiền hoặc chuyển khoản thì 1/3 phụ huynh còn lại ngồi im. Bạn tôi trong số những người ngồi im đó.

2/3 lớp đồng thuận, tức là ý kiến số đông đồng ý thu quỹ lớp 2 triệu đồng. Vậy là bạn tôi cũng như 1/3 số phụ huynh không đồng thuận trở thành phe yếu, thậm chí là... phe chống đối.

Bạn có 2 con nên số tiền quỹ phải đóng sẽ là 4 triệu, quá nhiều cho khoản quỹ CMHS. Tuy bạn than thở, nhưng đâu dám công khai phản đối. Tới giữa học kỳ, bạn tôi xoay xở đóng đủ số 4 triệu đồng tiền quỹ lớp cho các con.

Tôi bức xúc và rất giận khi thấy bạn dễ dàng thoả hiệp. Bạn tôi viện các lý do: Nếu gia đình khó khăn thì không cần đóng quỹ; nhưng chẳng nhẽ lại nhận mình khó khăn, khác nào chấp nhận bị hội phụ huynh sỉ nhục vì 4 triệu đồng. Vả lại vợ chồng bạn đều có công ăn việc làm, có nhà ở thành phố nên chưa được liệt vào dạng khó khăn. Muốn được miễn quỹ lớp, phải chứng minh được mình khó khăn.

Nghe tới đây lòng tôi sôi sùng sục. Tôi tự hỏi, từ bao giờ mà các phụ huynh cho mình cái quyền định đoạt danh dự của người khác? Quỹ lớp được quy định là tự nguyện, nhưng tự nguyện kiểu này chẳng khác nào ép buộc các phụ huynh bằng một sợi dây ràng buộc là thể diện, tinh thần.

Bạn tôi kể, các phụ huynh giàu có trong lớp rất dữ dằn và mạnh bạo. Đúng là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, họ cướp “diễn đàn” mỗi lần họp phụ huynh, họ tự quyết hình thức tổ chức các hoạt động và khoản thu của lớp. Thậm chí họ nói nếu phụ huynh nào khó khăn sẽ đóng giùm. Ngày cô giáo tổ chức tiệc tân gia, một phụ huynh đứng lên bàn bạc về quà tặng cô. Vị này nói nhà cô còn thiếu bộ sofa nên mọi người góp mua mừng tân gia cô. Ông này còn choàng thêm một câu “góp được tới đâu thì góp, còn lại ông ta lo nốt”.

Cuối năm, làm lễ bế giảng xong là lúc lớp thông báo quỹ vừa vặn hết, nếu quỹ còn dư nhiều thì cũng tổ chức liên hoan cho hết quỹ. Lớp con bạn đã tổ chức liên hoan ăn tiệc buffet tại trung tâm thương mại, mỗi suất gần 500 ngàn đồng. Ngoài học sinh, ban đại diện còn mời các cô giáo chủ nhiệm cũ tới, mời cả bảo mẫu dự tiệc.

Bạn tôi bức xúc lắm, 1/3 số phụ huynh của lớp cũng bức xúc lắm, mà không ai dám phản đối ra mặt, chỉ xì xào hoặc nhắn riêng với nhau. Họ sợ đám đông, sợ những phụ huynh giàu có chê họ nghèo khổ, khinh thường họ, tẩy chay con họ. Kinh tế khá giả thì đóng quỹ bao nhiêu chẳng được, 2 triệu, thậm chí 10 triệu đồng để tỏ lòng yêu con mến lớp cũng là thường. Thế nhưng với gia đình viên chức quèn, vợ chồng thu nhập mười mấy triệu/ tháng thì đâu dễ dàng gì.

Bởi vậy tôi nghĩ, khi thu bất cứ khoản quỹ gì mà trên tinh thần tự nguyện thì hãy để chữ tự nguyện được thực hiện đúng với bản chất của nó. Đừng “treo đầu dê bán thịt chó” mà biến “tự nguyện” thành ra méo mó, trá hình.

Phạm Chiến (Q.7, TPHCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI