Thầy Phú về Trường Sa

24/07/2019 - 16:18

PNO - Chúng tôi, dù có cơ hội đặt chân lên nhiều điểm đảo, cảm nhận bao nhiêu cũng không thể đủ bằng người gắn bó với Trường Sa qua những mùa mưa nắng, lúc biển yên, khi biển động, mùa hiền hòa hay bão giông, như Nguyễn Hữu Phú.

Chiều 24/7, Nguyễn Hữu Phú sẽ lại lên tàu ra Trường Sa. Dịp nghỉ hè, anh có 25 ngày phép để vào đất liền. Trong thời gian ngắn ngủi đó, người thầy của đảo Song Tử Tây đã tranh thủ đi thăm người thân, bạn bè văn chương từ Nha Trang đến TP.HCM rồi về cả miền Tây. Còn bây giờ, Trường Sa đang đợi…

Người thầy - nhà thơ của đảo

Như một duyên may tình cờ, buổi làm việc của đoàn công tác số 7 (chuyến thăm Trường Sa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM tháng 4/2019) trên đảo Song Tử Tây, tôi ngồi cùng hàng ghế với Nguyễn Hữu Phú. Bạn bè văn chương “nhận ra” nhau rất nhanh. Anh hỏi thăm hết những bạn thơ văn mà anh biết ở TP.HCM, rồi trong cuộc trò chuyện, anh cho tôi xem nhiều bài viết đã in báo, gồm thơ và tản văn viết về Trường Sa. Có cả bản thảo Những ký âm đêm đã hoàn thiện và gửi đến nhà xuất bản.

Thay Phu ve Truong Sa
Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú cùng các học trò nhỏ trên đảo Song Tử Tây

Sau này, kết bạn qua Facebook, tôi thường xuyên thấy Phú chia sẻ những bài báo in tác phẩm của anh. Trên đảo, mạng internet rất yếu, muốn gửi bài cho các tòa soạn, anh đều phải chờ đến khoảng nửa đêm về sáng. Cũng nhờ anh mà tôi thấy Song Tử Tây rất đỗi gần gũi, thân thuộc.

Tôi đùa, bảo sau nhiệm kỳ tình nguyện, trở về đất liền, anh nhất định phải in một cuốn sách viết về Trường Sa. Chúng tôi, dù có cơ hội đặt chân lên nhiều điểm đảo, cảm nhận bao nhiêu cũng không thể đủ đầy bằng người gắn bó với Trường Sa qua những mùa mưa nắng, lúc biển yên, khi biển động, mùa hiền hòa hay mùa bão giông, như Nguyễn Hữu Phú.

Anh có nhiều bài thơ viết cho trẻ con ở Song Tử Tây, chia sẻ với bạn đọc đất liền những buồn vui ở đảo. Cảm giác như mỗi khoảnh đất, từng hạt cát, một chiếc lá bàng vuông cũng đi vào trang viết của anh, với những tình cảm yêu thương, trân quý. Trên bậc thềm trường tiểu học Song Tử Tây là những viên đá, vỏ ốc được anh và thầy Nguyễn Bá Ngọc (hai người thầy của đảo) nhặt từ biển về, làm đẹp cho trường.

Ngày tôi đến Song Tử Tây, hai anh em ngồi bệt xuống bậc thềm lấp lánh tình yêu với biển ấy, những câu chuyện cứ thế mở ra. Gió trùng khơi thổi vào nghe ăm ắp vị mặn mòi và mênh mông của biển cả. Những đứa trẻ của Phú rất quấn quýt thầy, ngoan ngoãn và lễ phép. Nơi nào có trẻ nhỏ, nơi đó có tiếng cười. Nơi nào có mái trường, ở đó có những giấc mơ. Tôi đã nghe thầy Phú nói về giấc mơ của các em - những ước vọng lóng lánh như màu nước dưới ánh bình minh ở biển. Trong ngôi trường nơi đảo xa ấy, thầy - trò như cha - con/anh - em/bạn bè.

Thay Phu ve Truong Sa
 

Chuyến về lại Trường Sa lần này, Phú cũng đã chuẩn bị cho các em một số sách vở mới, dụng cụ học tập. Mới dạy học một năm trong nhiệm kỳ tình nguyện 5 năm, vậy mà thầy Phú đã nói rằng, nếu sau khi kết thúc nhiệm kỳ vẫn được đăng ký, thầy sẽ tiếp tục ở lại với trẻ con của đảo. Bởi vì, được dạy học ở Trường Sa, với anh là cả một giấc mơ.

30 tuổi mới bắt đầu đại học

Nguyễn Hữu Phú có dáng người gầy, vẻ khắc khổ hiện rõ trên khuôn mặt, chỉ có nụ cười là rất sáng. Chuyện anh làm thơ trên đảo Song Tử Tây, nhiều thầy giáo ở các điểm đảo khác đều biết. Nhưng chuyện anh trở thành thầy giáo ở Trường Sa, có lẽ không nhiều người hiểu được.

Phú kể, tốt nghiệp cấp III xong, anh gác lại giấc mơ đại học. Không có tiền luyện thi, anh ở nhà, đi làm mọi việc có thể, vừa kiếm tiền vừa chăm sóc cha mẹ. Việc học của Phú gián đoạn 10 năm ròng, ngỡ như đã kết thúc. “Nhiều đêm tôi mơ thấy mình đứng trên giảng đường đại học. Nhưng tôi nghĩ, học thì khi nào mà không được, còn cha mất rồi biết tìm đâu” - Phú tâm sự. Đó là khoảng thời gian buồn nhất cuộc đời anh. Khi đó, mẹ anh vừa mất, cha bị tai biến, một thời gian ngắn sau đó ông cũng ra đi. Sau biến cố, Phú quyết định đi học lại.

“Bỏ học lâu rồi, tôi cũng không biết mình có thể bắt đầu lại hay không. Tôi đến nhà thầy cô cũ xin học ôn. Các thầy cho tôi vào ngồi lại lớp Mười, ôn toán, lý, hóa. Học được hai năm thì tôi làm hồ sơ thi đại học” - Phú chia sẻ. Anh thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang. 

“Lúc đó, trong túi tôi chỉ có 250.000 đồng, mà tiền ký túc xá cần 300.000 đồng. May có đứa bạn học cùng trường cho mượn thêm 100.000 đồng. Tôi đóng đủ tiền, còn lại 50.000 đồng để ăn cơm, thiếu thì xin nợ bà chủ quán tốt bụng. Rồi vừa đi học vừa đi làm, phục vụ quán cà phê, giữ xe, dạy kèm, phát tờ rơi… Việc gì tôi cũng làm. Hôm nào cũng 11, 12 giờ đêm mới về, có khi làm đến gần sáng. May là không bị đau ốm gì cả. Tôi chỉ biết mình phải bước tới, không thể bỏ cuộc thêm lần nữa” - Nguyễn Hữu Phú bộc bạch.

Thay Phu ve Truong Sa
 

Ròng rã sáu năm, anh học cao đẳng, rồi tiếp tục dùi mài sách vở ở Đại học Huế. Có người nói, văn chương đôi khi là một cuộc cứu rỗi cho tâm hồn, có lẽ đúng với Nguyễn Hữu Phú. Trong những cơn bĩ cực của cuộc sống, anh đã tìm đến thơ, trút gan ruột vào đó như sự chia sẻ tận cùng với chính mình.

Bây giờ, anh đã là thầy giáo, thực hiện được giấc mơ lớn nhất: ra Trường Sa dạy học. “Làm thơ, viết văn để thấy yêu cuộc sống hơn” - Phú nói vậy. Ở tuổi 37, Phú đã làm được điều rất nhiều người gọi là “điên” khi ngồi học lại lớp Mười ở tuổi 30. Nhìn nỗ lực của anh mới thấy, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu.

Chuyến đi năm ngoái của Phú ra Trường Sa, tàu gặp bão, đoàn phải lênh đênh trên biển hơn nửa tháng mới đến được Song Tử Tây (trong khi mùa biển lặng chỉ đi mất hai ngày đêm). Mong rằng hải trình lần này của Nguyễn Hữu Phú, biển trời sẽ yên… 

Bùi Tiểu Quyên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Minh Hồng Minh 06-11-2020 09:37:39

    Bài viết rất hay nhưng tôi thấy thiếu mất tâm sự về ước mơ tương lai của Phú. Tôi tự hỏi từ tấm gương của Phú thì chúng ta bóc tách được một chân lý nào đó để thôi thúc con người ta hãy sống có ích với đời, sống có ích với xã hội và con người hơn?
    Tôi phân vân rằng, sự kiên cường và tấm gương ấy của anh sẽ được phóng chiếu thế nào bằng những trong thông tin đại chúng, bằng truyền thông, bằng cả chính kết quả của anh trong đó có cả các tác phẩm văn thơ dù đã được in, được dẫn giới thiệu trên các trang khác nhau nhưng cũng nên cần có tác phẩm in thơ, in văn của anh. Và tôi thiết tưởng sẽ có sự liên kết nào đó để xây dựng lên hội văn học nghệ thuật Trường Sa và rất mong muốn hội ấy sẽ được liên kết, kết nghĩa anh em với hội văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh mà rất mong báo Phụ nữ sẽ làm cầu nối ấy.
    Hoa Phong.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI