“Thầy ơi, con chọn ngành sư phạm, con muốn đi dạy giống thầy”

20/11/2024 - 09:09

PNO - Dìu dắt học sinh trên xa lộ kiến thức, chúng tôi nhắc nhau đừng bao giờ đứng ở vị trí cao hơn học sinh, mà phải cùng đồng hành, đặt bản thân vào vị trí của các em để thấu cảm và bao dung.

Nhóm học sinh trường THPT Cao Lãnh niên khoá 1985 - 1988 họp lớp cùng thầy cô của trường (ảnh tác giả cung cấp)
Nhóm cựu học sinh trường THPT Cao Lãnh niên khóa 1985 - 1988 họp lớp cùng thầy cô của trường (ảnh tác giả cung cấp)

Gần 40 năm đứng trên bục giảng là quãng đời tươi đẹp của tôi. Nhiều kỷ niệm vui, nhưng cũng không ít những tâm tư, bởi xã hội đổi thay với quá nhiều thông tin thực dụng, tiêu cực... các em thì như mầm cây non. Cha mẹ và học sinh đặt hết niềm tin và trọng trách vào người thầy, chúng tôi làm sao có thể sao nhãng trách nhiệm và lơ là lương tâm nghề nghiệp?

Tôi nhớ những giờ giải lao ở phòng giáo viên, không hiếm đồng nghiệp trẻ cảm thán: “Tụi nhỏ đã không chịu học bài, chỉ lo nghịch phá...”. Chúng tôi động viên nhau, đùa tếu, chăm sóc nhau... để đồng nghiệp lấy lại tinh thần. 15 phút nghỉ qua nhanh, những người thầy mệt mỏi ấy buông xuống những bực dọc để bước vào lớp với tâm thế bao dung và nhẫn nại, để tiếp tục truyền trao kiến thức, truyền trao yêu thương…

Tôi nhớ cô đồng nghiệp trẻ rơi nước mắt, bất lực trước lớp cậu học sinh có tiếng quậy phá. Cô than: “Chắc em bỏ nghề quá thầy ạ!”. Người đồng nghiệp ấy từng là học sinh của tôi, cũng ở chính ngôi trường ngày.

Tôi nhắc: “Lớp của em ngày xưa cũng quậy... xám trời, có thua gì!”. Cô giáo trẻ mở to mắt lục lại trí nhớ, rồi bật cười. Tôi biết mọi lời khuyên không có giá trị bằng nhắc cô ấy nhớ mình cũng từng là học trò nghịch ngợm. Dìu dắt học sinh trên xa lộ kiến thức, chúng tôi nhắc nhau đừng bao giờ đứng ở vị trí cao hơn các em, mà phải đồng hành, đặt bản thân vào vị trí của học sinh để thấu cảm và bao dung. Nếu người thầy buông tay, những đứa trẻ nghịch ngợm ấy sẽ đi đâu về đâu?

Tôi nhớ có lần đồng nghiệp bị bệnh, tôi xuống lớp thông báo các em được nghỉ. Cả lớp vỗ tay rần rần: “Thầy bệnh rồi. Được nghỉ rồi!”. Tôi vờ nạt các em: “Thầy mới bệnh, các em đã mừng vậy rồi. Lỡ thầy mất, các em còn mừng cỡ nào nữa?”. Tụi nhỏ ngẩn ra rồi lại cười rần rần. Học trò mà, nghĩ sao thì nói vậy thôi. Không quậy phá, không làm chuyện điên rồ, sao gọi là học trò. Phải đặt chính mình vào tâm thế của tụi nhỏ để thấy mọi chuyện không có gì là bất thường, cũng đừng vội trách các em vô tâm.

Rất nhiều lớp học trò cũ về trường tôi tổ chức họp lớp, tri ân thầy cô. Nhiều em không nén nổi xúc động: “Cảm ơn thầy cô năm xưa đã bao dung, nhẫn nại với tụi con, dạy dỗ tụi con nên người”. Những giọt nước mắt tri ân của các em khi trưởng thành là món quà quý của những người thầy. Sang sông rồi, các em nên người, sự nghiệp đưa đò của người thầy đã không uổng phí.

Những ngày học sinh cuối cấp làm hồ sơ thi đại học, không ít em hãnh diện khoe: “Thầy ơi, con chọn ngành sư phạm. Con muốn đi dạy giống thầy”, tôi thấy tim mình nghẹn lại. Tôi đã làm được điều cha mẹ các em và cả bản thân tôi mong cầu: khơi gợi trong các em ước mơ và hoài bão về tương lai.

Niềm vui của người thầy là không cần đợi ngày 20/11, không đợi lễ tết, các em vẫn luôn có những món quà bất ngờ dành tặng thầy cô dễ thương như thế.

Nguyễn Văn Đức

(Giáo viên trường THPT Cao Lãnh 1, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI