Thấy người ta hết bệnh là mình vui lây

26/02/2023 - 12:34

PNO - Cứ đến chiều thứ Ba, lương y Trương Thị Ánh Nhung (59 tuổi) - chủ phòng khám đông y Tuệ Hải Đường (250 Nguyễn Văn Khối, phường 9, quận Gò Vấp, TPHCM) - lại tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

KHÔNG TỐN TIỀN NÊN BỆNH NHÂN YÊN TÂM ĐIỀU TRỊ

Về nhà sau khi phụ rửa chén bát buổi trưa, cô Mai Thị Thanh Xuân (phường 8, quận Gò Vấp) vội uống cạn chén thuốc đã sắc rồi nhờ chồng đưa đến phòng khám Tuệ Hải Đường để kiểm tra bệnh tình và nhận thuốc. Nhờ kiên trì uống thuốc đông y của phòng khám gần nửa năm nay mà căn bệnh đầy hơi và đau nhức xương khớp đến mức “không chịu nổi” của cô Xuân gần như đã biến mất. 

Vì hoàn cảnh nên cô phải lên TPHCM sống kiếp làm thuê mấy chục năm nay. Với công việc hiện tại, mỗi tháng cô được trả công 3,7 triệu đồng. Chồng cô chạy xe ôm, thu nhập chẳng mấy khá khẩm. Trừ chi phí nhà trọ và ăn uống sinh hoạt hằng ngày, cô chú chẳng dư được bao nhiêu. 

Lương y Trương Thị Ánh Nhung (bên trái) bốc thuốc cho bà con
Lương y Trương Thị Ánh Nhung (bên trái) bốc thuốc cho bà con

“Chị Mai Thị Thanh Xuân nhận thuốc” - giọng nói ấm áp của một người phụ nữ cắt ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi. Những thang thuốc được gói kín bằng giấy để trong một túi to trao cho cô Xuân. Vì điều trị đã lâu, bệnh tình đã ổn định nên cô được cấp thuốc 14 ngày, thay vì 1 tuần như người mới. Cô Xuân nói: “Cô Nhung làm phước quá. Mấy cô ở đây cũng dễ thương, đưa thuốc lúc nào cũng tươi cười, dặn dò kỹ lưỡng, khiến mình thấy được an ủi”. 

Từ 14 - 16g, ngoài cô Xuân còn có gần 20 bệnh nhân khác đến thăm khám và nhận thuốc. Phòng khám luôn rộn tiếng hỏi han, nói cười. “Không tốn tiền nên bệnh nhân yên tâm điều trị. Thấy người ta hết bệnh mà mình vui như mình hết bệnh vậy đó” - lương y Nhung nói.

LÀM TỪ THIỆN LÀ KHÔNG TÍNH TOÁN

Lương y Trương Thị Ánh Nhung hành nghề khám, chữa bệnh tại phòng khám đông y Tuệ Hải Đường đến nay đã 31 năm. Ngày trước, bà cùng chồng đi làm từ thiện ở nhiều nơi, thấy nhiều bà con bệnh tật mà không có tiền chữa trị nên bà bàn với chồng cách làm từ thiện tại chỗ và mời bạn bè tham gia. Thế là đều đặn mỗi buổi chiều thứ Ba, các cộng sự của bà tập trung về phòng khám, mỗi người phụ trách mỗi việc như ghi sổ, khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc… Cao điểm, phòng khám có thể nhận hơn 50 bệnh nhân mỗi ngày.

Khắc ghi lời dạy “Lương y như từ mẫu”, bà Nhung luôn dặn các cộng sự “phải trân trọng bệnh nhân, gói thuốc phải đẹp chứ không làm qua loa, đưa thuốc phải bằng 2 tay để người ta thích thì mới uống, người ta hết bệnh thì mình mới vui, mới khỏe”. Các cộng sự của bà cũng đều làm việc vì cái tâm. 

Nhiều bệnh nhân đã đề xuất bà Nhung đặt thùng phước thiện, nhưng bà từ chối. Bà nói: “Ngày chồng tôi còn sống, ông luôn dặn làm từ thiện là không được tính toán mà phải làm cho hết mình. Vậy nên tôi không để thùng hay ghi chép bất cứ chi phí nào hết. Nếu ai có lòng thì cứ mua giấy gói, dây thun mang đến góp là được rồi”. Suốt 9 năm làm công tác thiện nguyện, bà chẳng nhớ rõ mình đã giúp bao nhiêu người, chỉ cảm thấy hạnh phúc mỗi khi bà con mang đến túi trái cây, vài chai nước làm quà cảm ơn vì đã hết bệnh. 

Ngoài hoạt động khám, chữa bệnh, bà Nhung còn hỗ trợ thuốc đông y cho những nơi có nhu cầu, phát 200 suất ăn miễn phí vào mùng Một, ngày rằm; hằng năm trao quà cho những gia đình khó khăn. Với những đóng góp của mình, năm 2022, bà được trao bằng khen “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”. 

TRANG THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI