Thấy người phụ nữ chung chồng với mình quỳ sụp dưới chân xin tha thứ, bà mềm lòng...

05/12/2016 - 06:30

PNO - Nhiều lần nghe ông kể với các con rằng ông đi làm ruộng về mệt mà vào bếp không có cơm ăn, nửa đêm không có nước uống, bà xót xa nhắn “Về luôn với tôi nhé !”, ông chỉ cúi mặt không trả lời.

Không biết ông có người phụ nữ khác từ bao giờ, nhưng đứa con riêng của ông chỉ kém con gái út của ông bà một tuổi. Lúc đó bà đang mang bầu, ông bảo đi làm ăn xa, dăm bữa nửa tháng mới về nhà một lần. Bà cắn răng chịu đựng cơn nghén suốt chín tháng 10 ngày, nghén đến uống nước cũng không trôi, nhưng vẫn phải… nín thở nấu ăn ngày ba bữa cho hơn 10 người trong gia đình chồng, phải làm hầu hết việc trong ngôi nhà tam đại đồng đường. Sau khi ghé qua bệnh viện, biết bà lại sinh một “con vịt trời” nữa, ông thất vọng bỏ đi, chưa kịp xem bà có ai chăm sóc hay không.

Con gái lớn bảy tuổi, con gái nhỏ lên ba, bà dắt hai đứa, bắt xe đò về tận nơi “khỉ ho cò gáy” mà ông đang lập phòng nhì để… đánh ghen. Nhưng vừa thấy người phụ nữ chung chồng với mình quỳ sụp dưới chân xin tha thứ, bà mềm lòng. Hai đứa con ông với người phụ nữ kia, một đứa đang chơi lấm lem dưới đất, một đứa còn bế trên tay, cũng đều là “vịt trời”.

Thay nguoi phu nu chung chong voi minh quy sup duoi chan xin tha thu, ba mem long...
Ảnh minh họa.

Nhìn quanh ngôi nhà lá thiếu trước hụt sau, chẳng có gì ngoài chiếc chõng tre và cái chạn gỗ, bà nén tiếng thở dài, giúi vào túi ông ít tiền. Bà níu tay ông, khẽ khàng: “Về với tôi nhé !” nhưng ông hướng mắt về đám trẻ, nói như van lơn: “Tôi xin lỗi. Tụi nó còn nhỏ quá”. Bà lủi thủi đùm túm ra về. Câu trách cứ “Vậy sao hồi trước “tụi nó” của tôi cũng còn nhỏ quá mà anh nỡ bỏ đi?” bà không kịp nói, đành để rơi theo những giọt nước mắt âm thầm trên chuyến xe chiều.

Mười năm, bà kiên quyết lắc đầu với bao lời đường mật khác, nghẹn ngào trước khao khát được có cha của các con. Mười năm, ông đột ngột quay về, ở chơi được vài ngày, bà chưa hết mừng đã nghe ông lên tiếng nhờ giúp đỡ tiền trả nợ. Lúc vét đưa ông những khoen vàng chắt bóp được từ những ngày buôn gánh bán bưng ngoài chợ và những đêm chong đèn may gia công, bà lại níu tay ông: “Về luôn với tôi nhé ! Ở đó vất vả quá”. Ông chắc lưỡi: “Vất vả mà bỏ “nó” một mình, coi sao được”. Bà nhìn theo đến lúc bóng xe ông khuất sau những dãy nhà, câu đốp chát “Chứ sao anh bỏ tôi mà coi được?” mắc nghẹn trong cổ họng.

Thêm mười năm nữa, mẹ ông mất, bà chấm dứt kiếp làm dâu mà không chồng bên cạnh. Hai con đều đã có công việc ổn định và gia đình hạnh phúc, bà theo về ở với con gái lớn. Ông vẫn giữ thói quen mỗi tháng về thăm bà một lần, nhưng chỉ như khách lỡ đường, ngủ nhờ một đêm rồi sớm tinh mơ vội đi ngay. Nghe đâu người phụ nữ kia chẳng những không còn tôn sùng ông như trước mà còn quay ra ghen ngược với bà.

Nhiều lần nghe ông kể với các con rằng ông đi làm ruộng về mệt mà vào bếp không có cơm ăn, nửa đêm không có nước uống, bà xót xa nhắn “Về luôn với tôi nhé !”, ông chỉ cúi mặt không trả lời. Ông càng bị người ta hắt hủi, bà càng dành cho ông những dịu dàng. Mỗi lần có món gì ngon, đồ gì đẹp, bà lại mua để đó đợi ông về, mua luôn cho cả phần của người ta.

Con gái út 40 tuổi, là gần 40 năm bà chưa được trọn tình làm vợ. Mới đây, vừa nghe người ta nhắn ông lâm bệnh nặng, bà vội vã giục các con cùng đến. Nhìn người đàn ông mình yêu thương đến nỗi tha thứ hết mọi lỗi lầm, giờ chỉ còn chút hơi tàn nằm xanh xao trên chiếc giường ọp ẹp, bà đau thắt lòng. Nghe người ta bàn nhau về việc hậu sự, ma chay cho ông mà bà lơ ngơ như chưa tin đó là sự thật. Con gái hỏi nhỏ vào tai bà: “Mẹ đã mua sẵn đất cho ba mẹ yên nghỉ từ lâu rồi mà. Ba không “về” với mình sao?” nhưng bà làm như không nghe thấy. Bà sợ cuối cùng vẫn nhận ở ông một lời từ chối…

Không ngờ, lúc ông như ngọn đèn phụt lên trước khi tắt ngấm, ông níu chặt tay bà và thì thào với người phụ nữ kia: “Cho tôi về luôn bên ấy”.

Đỗ An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI