Thấy người hạnh phúc thì mình vui lây

17/02/2023 - 10:30

PNO - Ở tuổi 76, cô Trần Kim Cúc - hội viên phụ nữ khu phố 4 (phường 7, quận Tân Bình) - vẫn yêu thích những chuyến thiện nguyện về vùng sâu, vùng xa.

Sinh ra ở vùng đất thép Củ Chi, lên 14 tuổi cô Cúc theo cha đi kháng chiến rồi tham gia công tác Đoàn Thanh niên và hoạt động giao liên tại địa phương. Từ năm 1964-1972, cô bị giặc bắt giam 3 lần và 2 lần bị đày ra Côn Đảo, trải qua nhiều hình thức tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng kiên trung với Tổ quốc. Đất nước hòa bình, cô được phân công về làm Chủ tịch Hội LHPN quận Tân Bình cho đến năm 1983 thì chuyển sang công tác Đảng. Những năm tháng “vào tù ra khám” giúp cô biết trân trọng cuộc sống và luôn hướng đến những mảnh đời khó khăn. Đó cũng là lý do mà năm 2009, khi được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM gợi ý thành lập Chi hội Từ thiện Bình Phú Đông (bao gồm quận Tân Bình, Tân Phú và quận 12), cô đã nhận lời.

Cô Cúc trao tặng bồn chứa nước cho người dân miền Tây giữa mùa hạn
Cô Cúc trao tặng bồn chứa nước cho người dân miền Tây giữa mùa hạn

Là chủ tịch chi hội, cô đã tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành cùng các chương trình thiện nguyện trong và ngoài thành phố. Mỗi năm, chi hội nhận 3-4 tỉ đồng tiền quyên góp để xây nhà tình nghĩa, tình thương, trao học bổng cho học sinh nghèo, tặng thẻ bảo hiểm y tế, xe lăn... cho các hộ dân nghèo. Từ số tiền vận động được, đến nay, chi hội đã xây được 240 căn nhà tình nghĩa, tình thương và trao hơn 200 suất học bổng mỗi năm. Những tháng đầu năm 2022, chi hội đã vận động nhiều nhà hảo tâm đỡ đầu cho 40 trẻ em mồ côi hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 3 quận 12, Tân Bình, Tân Phú. 

Dù tuổi cao nhưng cô Cúc vẫn tham gia những chuyến đi đến những vùng sâu vùng xa hàng trăm cây số để gặp gỡ, thăm hỏi và giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. “Mỗi năm các cô trao mười mấy căn nhà tình nghĩa, tình thương. Nhiều nơi xe hơi không vào được, phải đi xuồng, đi bộ, sức già cũng mệt, nhưng mà thấy mọi người hạnh phúc nên mình cũng vui” - cô Cúc nói. Mỗi dịp trao nhà, đoàn của cô lại khệ nệ ôm xoong nồi, quạt gió, truyền hình cũ, cặp sách, bàn ghế… xuống làm quà tân gia cho bà con. Mấy món đồ có khi đã cũ nhưng bà con rất quý.  

Là một người được rèn giũa trong những năm tháng tham gia cách mạng, cô Cúc rất chú trọng đến việc giáo dục tinh thần yêu thương “rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” cho các hế hệ trẻ. Trong mỗi chuyến đi, cô luôn cố gắng vận động các bạn sinh viên, học sinh cùng tham gia. Mỗi năm, chi hội còn tổ chức những ngày hội để trẻ em mồ côi, gia đình khó khăn và con em những nhà hảo tâm có điều kiện cùng vui chơi, kết bạn, san sẻ tình cảm. Theo cô, nguồn năng lượng trẻ làm những người già khỏe khoắn, còn những câu chuyện của người già và những cảm nhận thực tế lại mang đến cho trẻ những bài học giá trị. 

Kết thúc những chuyến đi dài, cô Cúc lại quay về làm người mẹ, người bà như bao phụ nữ khác. Đôi lần nhìn thấy cháu gái cắt phăng mái tóc dài để gửi tặng bệnh nhân ung thư, hay cháu trai quyết tặng chiếc xe đạp vừa được thưởng cho bạn cần hơn… cô lại thấy yên lòng, tự hào và hãnh diện. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI