Thấy mệt đi khám mới biết bị đái tháo đường biến chứng qua nhồi máu cơ tim

14/04/2017 - 15:18

PNO - Bà S. bị tiểu đường cách đây 10 năm nhưng không đi khám, đến khi bà thấy người mệt đi khám mới biết bị đái tháo đường biến chứng qua nhồi máu cơ tim.

Vừa qua khoa Nội tiết bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM tiếp nhận rất nhiều trường hợp người bệnh đái tháo đường lâu năm vì nhiều lý do mà không chịu đi khám bệnh để điều trị. Khi quá mệt mỏi, họ đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe thì ai cũng hoang mang khi bác sĩ kết luận mình bị đái tháo đường biến chứng trên tim mạch, thận và võng mạc.

Những người bệnh này có nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ rất cao, hoặc có thể diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo định kỳ. Như trường hợp bà Đào Thị S. (55 tuổi, quê ở Tiền Giang), bà bị đái tháo đường cách đây 10 năm nhưng không đi khám. Khi thấy mệt, bà S. đều đến những hiệu thuốc tây để mua thuốc uống chứ không đi bệnh viện.

Thay met di kham moi biet bi dai thao duong bien chung qua nhoi mau co tim
Rất nhiều người bị bệnh đái tháo đường lâu năm nhưng không biết, đến khi đi khám thì bệnh đã biến chứng qua tim, ảnh BV DHYD cung cấp

Gần đây, những cơn mệt kéo đến ngày một nhiều hơn, bà S. miễn cưỡng đến tại trạm y tế xã để thăm khám. Khi nhân viên y tế đo đường huyết cho bà thì ai cũng bất ngờ vì đường huyết tăng quá cao, họ khuyên bà nên đến những bệnh viện tuyến trên để được thăm khám kỹ hơn. Ngay sau đó, bà S. được gia đình đưa đến bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM để tìm hiểu bệnh.

Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ tại đây chẩn đoán bà S. bị đái tháo đường lâu năm những không được điều trị đúng cách nên có một số biến chứng lên tim mạch như thiếu máu cơ tim, có nguy cơ nhồi máu cơ tim rất cao. Bên cạnh đó, biến chứng đái tháo đường còn khiến bà S. còn bị  suy thận ở mức trung bình, giảm thị lực do bệnh lý võng mạc đái tháo đường.

Phần bà S. thì bà khá bất ngờ vì từ trước đến giờ bà chỉ biết bà bị đái tháo đường, chỉ hơi mệt, bà không nghĩ mình bị bệnh nặng đến vậy. Hiện tại, bà S. đã được nhập viện và điều trị, bệnh đang tiến triển khá hơn. Tuy nhiên, thời gian tới bà cần được theo dõi bệnh kỹ hơn để phòng ngừa các biến chứng.

Theo bác sĩ CKI. Trần Minh Triết , Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM thì hiện nay có 4 loại đái tháo đường, đó là đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2, đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường do nguyên nhân khác. Trong đó đái tháo đường típ 2 chiếm đại hơn 90% bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu của đái tháo đường típ 2 là do di truyền và các yếu tố từ môi trường. Do đó nguy cơ đái tháo đường típ 2 sẽ càng cao nếu trong gia đình có nhiều người thân bị đái tháo đường, cùng với chế độ ăn uống không hợp lý khiến tình trạng béo phì, thừa cân ngày càng gia tăng, những người này có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường rất cao.

Thay met di kham moi biet bi dai thao duong bien chung qua nhoi mau co tim
Các bác sĩ cho biết, bệnh đái tháo đường típ 2 đang ngày một trẻ hóa, có những trẻ em 13 tuổi đã mắc phải bệnh này

Bác sĩ Triết cho biết: “Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường típ 2 bao gồm: những người trên 45 tuổi, thừa cân, béo phì, tiền sử gia đình có người thân bị đái tháo đường, bị rối loạn đường huyết trước đó, tăng huyết áp, tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ trước đó, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang,…

Hiện nay, đái tháo đường típ 2 có khuynh hướng xuất hiện ở người trẻ tuổi hơn, do số lượng trẻ em bị thừa cân béo phì đang ngày một gia tăng. Có những trẻ em béo phì  khởi phát ĐTĐ típ 2 khi chỉ mới 12-13 tuổi.”

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính đang ngày một gia tăng trên toàn thế giới. Đối với những bệnh nhân này việc cần làm là kiểm soát đường huyết thật tốt, bên cạnh đó điều trị đồng thời tất cả các biến chứng kèm theo nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra.

Đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm dẫn đến các biến chứng mạn tính trong nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, đái tháo đường và các biến chứng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu có một chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực hợp lý, cũng như tuân theo sự hướng dẫn điều trị của các bác sĩ.

Theo số liệu ước tính của Liên Đoàn Đái Tháo Đường Thế Giới (IDF), tính đến năm 2015 trên toàn thế giới có khoảng 415 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này dự kiến sẽ tăng lên mốc 642 triệu người đến năm 2040.

Hiện nay, cứ 11 người trưởng thành sẽ có 1 người bị đái tháo đường. Trên thế giới, cứ 6 giây sẽ có 1 người tử vong do bệnh đái tháo đường.

Để hiểu hơn về bệnh đái tháo đường, khoa Nội Tiết của bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM sẽ có buổi tư vấn để giúp người bệnh kiểm soát đường huyết ổn định, ngăn ngừa các biến chứng khi bệnh vào lúc 7h sáng ngày 16/04/2017 tại tầng trệt khu A, Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM, 215 Hồng Bàng, P 11, Q.5, TPHCM.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI