Thay khớp háng cho cụ bà 102 tuổi

28/06/2021 - 18:27

PNO - Ngày 28/6, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Long Khánh cho hay, cụ bà 102 tuổi vừa được thay khớp háng đã ngồi dậy và đang tập đi. Đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được thay khớp háng tại bệnh viện này.

Trước đó, ngày 12/6, cụ bà Đào Thị Nép, 102 tuổi, ngụ tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai phải nhập viện sau khi bị trượt té, đau và không cử động được háng trái.

Cụ Nép có tiền sử bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim. 

Bác sĩ Nguyễn Gia Duy Trí, Phó khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, BVĐK khu vực Long Khánh cho hay, cụ Nép vừa lớn tuổi lại mắc nhiều bệnh nên việc mổ thay khớp cho cụ rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu không mổ, cụ sẽ phải nằm một chỗ, chịu đau đớn và gặp nhiều biến chứng do nằm lâu như loét, nhiễm trùng đường tiểu và viêm phổi.

“Chúng tôi đã hội chẩn nhiều chuyên khoa để lên phương án mổ cho bệnh nhân. Với những bệnh nhân lớn tuổi, vấn đề lớn nhất là gây mê và hậu phẫu” - bác sĩ Trí cho hay.

 Cụ Nép đã ngồi dậy sau ca mổ thay khớp háng 2 ngày
Cụ Nép đã ngồi dậy sau ca mổ thay khớp háng 

Theo bác sĩ Nguyễn Gia Trí, bản thân người già bị gãy xương đã stress rất nặng, tăng nguy cơ tử vong. Do vậy, việc gây mê và phẫu thuật phải diễn ra trong thời gian nhanh nhất để đảm bảo an toàn, giảm thiểu các biến chứng trong và sau phẫu thuật như: không rút được ống thở, không tự thở được, phải thở máy kéo dài và đặc biệt ngộ độc thuốc mê.

Với trường hợp của cụ Nép, các bác sĩ đã mổ bỏ chỏm xương đùi bị gãy, thay bằng một khớp háng nhân tạo (gồm chỏm và chuôi) cho bệnh nhân. Do bệnh nhân lớn tuổi, xương loãng nên phải có khớp háng chuôi dài để đảm bảo độ vững. Ngoài ra, bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng đông do có tiền sử bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim.

Ca mổ diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ. 2 ngày sau mổ, cụ Nép đã ngồi được và đang tập vật lý trị liệu tích cực để phòng chống huyết khối gây thuyên tắc mạch máu ở phổi. 

Gia Huy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI