Thầy hiệu trưởng viết tâm thư "gỡ" áp lực cho học sinh

27/11/2024 - 09:46

PNO - Thầy Nguyễn Hùng Khương - Hiệu trưởng Trường THPT Ten lơ man - vừa có thư ngỏ gửi các em học sinh của trường. Ông nhắc nhở học sinh, nếu cảm thấy áp lực, buồn bã hay lo lắng... hãy tìm đến thầy cô, bạn bè, gia đình để được giúp đỡ.

Bức thư ngỏ được ông viết trong bối cảnh khi gần đây môi trường học đường ở một số nơi xảy ra những sự kiện không vui. Ông viết: “Thầy hiểu rằng, tuổi học trò là một giai đoạn đẹp đẽ nhưng cũng đầy thử thách. Các em không chỉ đối mặt với áp lực học tập mà còn phải vượt qua những mâu thuẫn trong cuộc sống và những cảm xúc phức tạp của tuổi trẻ. Thầy muốn nhắn nhủ với các em rằng, bất kỳ khó khăn nào cũng sẽ có cách vượt qua và các em không bao giờ cô đơn trong hành trình ấy. Nhà trường, thầy cô, bạn bè và gia đình luôn ở đây để đồng hành cùng các em”.

Trong bức thư ngỏ của mình, thầy hiệu trưởng cũng đưa ra 4 nhận định, mong học sinh ghi nhớ.

Thứ nhất, mọi khó khăn đều có thể được chia sẻ. Ông mong học sinh đừng ngần ngại nói ra những suy nghĩ, cảm xúc của mình với thầy cô, bạn bè hoặc người thân. Chia sẻ không chỉ giúp các em cảm thấy nhẹ nhõm hơn mà còn giúp tìm ra giải pháp tốt nhất cho những vấn đề mình gặp phải.

Thầy Nguyễn Hùng Khương - Hiệu trưởng Trường THPT Ten lơ man - Ảnh: Trường THPT Ten lơ man
Thầy Nguyễn Hùng Khương - Hiệu trưởng Trường THPT Ten lơ man - Ảnh: Trường THPT Ten lơ man

Thứ hai, mỗi ngày là một cơ hội mới, nếu hôm nay các em cảm thấy chưa làm tốt, hãy tin rằng ngày mai sẽ là một cơ hội để các em cố gắng và hoàn thiện hơn. Thầy cô luôn tin tưởng vào tiềm năng và nỗ lực của các em.

Điều thứ ba, ông nhắn nhủ học sinh về giá trị của tình bạn và sự tử tế. Ông mong học sinh luôn quan tâm, lắng nghe và giúp đỡ bạn bè xung quanh. Một cử chỉ tử tế, một lời động viên của các em có thể tạo nên sự khác biệt lớn lao trong cuộc sống của một người.

Và điều cuối cùng, ông nhắc học sinh đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Nếu cảm thấy áp lực, buồn bã hay lo lắng, các em có thể tìm đến thầy cô ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hoặc đội ngũ tư vấn tâm lý. Thầy cô luôn sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ các em.

“Hãy nhớ rằng mỗi người trong chúng ta đều đặc biệt và có giá trị riêng. Thành công không chỉ nằm ở kết quả học tập mà còn ở cách các em học cách yêu thương bản thân, đối mặt với khó khăn và lan tỏa niềm vui đến những người xung quanh. Thầy mong các em luôn giữ vững niềm tin, tinh thần lạc quan và lòng yêu thương để biến những ngày tháng dưới mái trường này thành khoảng thời gian ý nghĩa nhất” - thầy Nguyễn Hùng Khương gửi tới học sinh của mình.

Ngoài học sinh, thầy Nguyễn Hùng Khương cũng viết hai bức thư khác gửi tới thầy cô giáo và phụ huynh toàn trường.

Đối với giáo viên, nhân viên của trường, ông mong muốn thầy cô xây dựng kế hoạch hành động đồng bộ, cụ thể nhằm ngăn ngừa những khủng hoảng tâm lý và hành vi tiêu cực ở học sinh. Để làm được điều này, ông yêu cầu giáo viên tạo môi trường học tập tích cực, không áp lực.

Giáo viên chủ nhiệm cần chủ động lắng nghe, chia sẻ khó khăn của học sinh và hướng dẫn các em kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch học tập phù hợp với năng lực.

Giáo viên bộ môn cần giảm bớt áp lực bằng cách đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng động viên thay vì so sánh và phát hiện kịp thời các dấu hiệu học sinh gặp khó khăn. Không để một học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì không theo kịp bài. Học sinh chỉ vui và hạnh phúc đến trường khi các em hiểu bài và làm được bài tập. Hãy quan sát từng học sinh và khen động viên mỗi khi các em tiến bộ hơn ngày hôm qua.

Ngoài học tập, giáo viên cũng cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của học sinh; phòng chống bắt nạt và xây dựng mối quan hệ lành mạnh trong học đường; thắt chặt sự phối hợp với gia đình. Đồng thời, cần giáo dục nhận thức về sức khỏe tâm thần.

Với phụ huynh, ông bày tỏ sự lo lắng của bản thân khi những vấn đề về áp lực học tập, mâu thuẫn trong quan hệ xã hội hay khủng hoảng tâm lý ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển của học sinh.

Ông chia sẻ một số định hướng nhằm giúp phụ huynh cùng nhà trường chung tay hỗ trợ các em vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống. Cụ thể, với phụ huynh cần có sự thấu hiểu và đồng hành cùng con; cha mẹ cần nhận diện những dấu hiệu bất thường của con kịp thời; tăng cường kỹ năng sống cho con đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập và tâm lý của con. Bản thân phụ huynh cũng cần nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần để có thể giúp đỡ, hỗ trợ con khi cần thiết.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI