Thầy giáo và nỗi buồn gánh xôi của vợ

10/10/2018 - 09:00

PNO - Tôi muốn bỏ nghề sư phạm hoặc xin đi đâu đó thật xa để dạy. Nhưng gánh nặng cơm áo trên vai vợ, còn hai con nhỏ nữa, nên tôi đành muối mặt phó mặc.

Đọc những câu chuyện về áp lực của đàn ông trên quý báo những ngày qua, tôi thấy có lẽ họ đa phần là đàn ông thành phố và có thu nhập tốt. Áp lực của tôi lại nhỏ bé và xa xôi nhưng cũng xin được chia sẻ - đó là nồi xôi ngay trước cổng trường của vợ tôi!

Thay giao va noi buon ganh xoi cua vo
Ảnh minh họa

Tôi là giáo viên dạy sử tại một "trường làng" cấp hai - như cách gọi bây giờ, dù trường tọa lạc ngay tại thành phố. Hầu hết gia đình học sinh đều ở gần trường. Cha mẹ các em thuộc nhiều thành phần: lao động nghèo, công nhân viên chức, buôn bán… nhưng đều ổn định, con cái được nuôi dạy đàng hoàng. Thật lòng thì lương giáo viên dạy sử của tôi chẳng được bao nhiêu, thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào quán bán xôi của vợ tôi ngay trước cổng trường.

Một hôm, tôi vô tình nghe được mẩu đối thoại khi đi ngang hai em học sinh nữ.

- Bạn ăn sáng chưa? Mình có mua xôi của vợ thầy H. bán đây. Xôi không ngon, nhưng vì cô mời quá nên đành mua giúp thôi…

Tôi nghe mà giật nảy người, vội vàng bước đi thật nhanh như chạy trốn.

Thay giao va noi buon ganh xoi cua vo
Ảnh minh họa

Hôm sau, tôi dò bài một em học sinh nam cá biệt của lớp, tất nhiên em ấy hiếm khi thuộc bài và hôm đó cũng không ngoại lệ. Tôi tức giận bảo:

- Nhỏ mà không lo học thì lớn lên làm gì để có cái ăn?

Em học sinh đó vừa đi về chỗ ngồi vừa lẩm bẩm đủ để cả lớp nghe thấy:

- Lớn lên đi bán xôi…

Câu nói ấy như thiêu cháy lòng tự trọng của tôi. Tức giận tím mặt nhưng tôi không biết nói sao. 

Tôi đem chuyện về kể với vợ, bảo cô ấy dời đi chỗ khác bán và đừng bao giờ mời học trò mua xôi nữa. Vợ tôi nổi giận đùng đùng, nói tôi sĩ diện hão, không mời thì ai thèm mua, bán xôi có gì là xấu và nhất quyết không dọn đi.

Dù rất thương yêu và hiểu nghề bán xôi của vợ; dù thu nhập chính trong nhà đang phụ thuộc vào nồi xôi ấy, nhưng nỗi mặc cảm vì mình sống nhờ vào lòng tốt của học trò và phụ huynh khiến tôi nhột nhạt, thiếu tự tin vô cùng. Ở trường, tôi không dám ăn to nói lớn như nhiều đồng nghiệp khác.

Tôi muốn bỏ nghề sư phạm hoặc xin đi đâu đó thật xa để dạy. Nhưng gánh nặng cơm áo trên vai vợ, còn hai con nhỏ nữa, nên đành muối mặt phó mặc mọi việc. Người xưa nói nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, cha mẹ tự hào cho tôi đi học để ra làm thầy, tôi lại thấy nó nghèo nàn làm sao!

Nguyễn H. (Đà Nẵng)

Có đến 42% nam giới cho biết áp lực lớn nhất của họ là làm người trụ cột trong gia đình. "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Dĩ nhiên, để là trụ cột cần phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, từ khỏe mạnh đến có một công việc tốt, thu nhập cao, phẩm chất, bản lĩnh của người đàn ông thực sự... 

Áp lực, trách nhiệm khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vốn được xem như đặc quyền của phái yếu, còn phái mạnh phải luôn mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.

Báo Phụ  nữ TP.HCM mở diễn đàn "Áp lực đàn ông, phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất bên trong các quý ông, để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông, sẻ chia hơn với người đàn ông mang gánh lo toan đang ở cạnh mình.

Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gửi về email: tinhyeuhonnhan@baophunu.org.v

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI