Sinh trưởng trong gia đình nông dân nghèo ở An Thới Đông, H.Cần Giờ, học tới lớp Tám, một buổi đi học, một buổi cậu bé Trung phải phụ cha chèo ghe mướn. Ai mướn gì chở nấy, có khi chuyến hàng gấp về Cần Giuộc (tỉnh Long An), sáng sớm hôm sau mới theo được con nước trở về khiến Trung trễ giờ lên lớp.
Nhiều lần như vậy, cha mẹ khuyên Trung thôi học. Nhưng thôi một bữa, Trung lại mò vào trường. Trầy trật, cậu bé chèo ghe ấy cũng học xong lớp Chín. Lúc này thì cha mẹ buông, nói không lo nổi nữa, muốn học thì “tự bơi”.
Giáo dục thường xuyên không phải bước đường cùng
Cảnh nhà khiến Trung đau đáu: nếu không có chữ, lại sống cảnh đời ghe mướn, cấy thuê như cha mẹ tiếp hay sao? Nghĩ vậy nên cậu quyết chí học. Cậu đăng ký tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) H.Nhà Bè vì lịch học ở đây chỉ ba buổi tối mỗi tuần. Ban ngày chèo ghe mướn, tối lại đến trường.
Ba năm cấp III trôi qua. Theo định hướng của các thầy cô, Trung chọn trường cao đẳng sư phạm. Tốt nghiệp, Trung xin về trường cũ giảng dạy và được thầy cô cũ vui mừng chào đón.
Từ đó, thầy giáo Trung tiếp bước thầy cô theo sự nghiệp trồng người. Thầy Trung chia sẻ: “Thật ra, hệ GDTX là “ân nhân” của cuộc đời tôi. Là giáo viên chủ nhiệm khối Chín, nhiều năm qua, từ câu chuyện đời mình, tôi vẫn thường tâm sự với học sinh và cả phụ huynh về những con đường vào đời. Rớt lớp Mười công lập không phải là hết”.
Nhắc về cậu học trò cũ, giờ là đồng nghiệp, thầy giáo Mạc Đắc Huy, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã An Thới Đông, H.Cần Giờ không giấu được sự vui mừng.
|
Thầy Nguyễn Thành Trung được học trò khối Chín chúc mừng sinh nhật |
Thầy kể: “Nhờ có hệ GDTX, biết bao đứa nhỏ nghèo ở cái vùng nắng gió xác xơ này thành người tử tế. Câu chuyện em Nguyễn Thành Trung, xưa buổi học, buổi chèo ghe mướn giờ thành giáo viên dạy lịch sử, vẫn được chúng tôi kể với học trò…”.
Ghé thăm các trung tâm GDTX ở thành phố này, chúng tôi nghe các thầy cô kể hàng trăm tấm gương nghị lực trong hành trình tìm con chữ.
Trong ký ức cô giáo dạy xóa mù chữ Võ Thị Bích Vân (Trung tâm Học tập cộng đồng P.15, Q.Tân Bình), hình ảnh đó là cậu học trò nhỏ Lê Dzoãn Đức của Trung tâm GDTX Q.Tân Bình cơm bữa đói bữa no giờ thành thạc sĩ môi trường. Là cô bé Nguyễn Thị Ngọc, học hệ GDTX tại Trường cao đẳng Lý Tự Trọng phấn đấu học hết lớp 12 để vào cao đẳng sư phạm, theo bước chân cô giáo dạy xóa mù chữ giờ đã thành giáo viên ở Tây Ninh…
Hệ đào tạo đầy nhân văn
Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2019-2020, toàn thành phố có 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX cấp quận, huyện; 6 trung tâm cấp thành phố và 4 trường có phân hiệu GDTX. Trong đó, 15/34 trung tâm dạy chương trình GDTX cả hai cấp THCS và THPT. Số lượng học viên hơn 18.000, trong đó lớp Mười: 6.959 học viên, lớp 11: 6.546 học viên; lớp 12: 4.817 học viên. Theo đánh giá của sở, hiện nay các trung tâm đều có chất lượng tốt, điển hình Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX Q.6, Q.12 và Q.Tân Phú. Trong đó, nhiều trung tâm có ba buổi học sáng, trưa, tối để đáp ứng nhu cầu của học viên (các quận, huyện: 1, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Gò Vấp, Hóc Môn…) nên nhiều giáo viên phải ở lại cả ngày. Học viên lớp Mười đa số là không trúng tuyển ba nguyện vọng vào lớp Mười công lập nên học lực hạn chế. Một số lớp có nhiều học viên khuyết tật và trẻ hòa nhập. Nhiều trung tâm cơ sở còn nhỏ hẹp, ít phòng học hoặc một phòng kiêm nhiều chức năng… |
Nhắc những học trò đầy nghị lực của mình, cô Dương Lệ Thúy, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - GDTX Q.7, nghẹn ngào: “Tụi nhỏ ham học thấy mà thương, nể phục”. Ngôi trường này ghi rất nhiều “kỳ tích” nhờ học trò. Như chuyện nữ sinh U60 Ngô Thị Kim Chi vào lớp Sáu và theo suốt bốn năm sau đó, trụ hạng học sinh giỏi nhất lớp. Chuyện nữ sinh Lê Thị Bích Liên, 13 tuổi bị nhà ép nghỉ học, phải trốn gia đình từ An Giang đến gõ cửa lãnh đạo trung tâm để xin vào lớp Sáu; miệt mài vừa làm vừa học để không mù chữ.
Theo quan sát của chúng tôi, GDTX có nhiều ưu điểm. Đầu tiên, số môn học ít hơn so với giáo dục phổ thông, với bảy môn chính: văn, toán, lý, hóa, sinh, sử, địa nên GDTX giảm tải rất nhiều cho người học. Học viên không bị phân biệt hộ khẩu hay độ tuổi. Giờ học linh hoạt với nhiều buổi học trong ngày, đáp ứng nhu cầu của người vừa học vừa phải đi làm kiếm sống.
Hơn thế nữa, từ năm 2015, học viên GDTX được dự thi THPT quốc gia cùng với học sinh phổ thông: thi cùng đề, cùng ngày, cấp cùng loại bằng tốt nghiệp, không phân biệt GDTX hay giáo dục phổ thông.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM từng khẳng định “việc học suy cho cùng để trả lời câu hỏi các em làm được những gì sau khi học”.
Còn nhớ những năm đầu 1990, khi Bộ GD-ĐT quyết định đổi tên hệ bổ túc văn hóa thành GDTX, tiến sĩ Võ Văn Nam, nguyên Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục Trường đại học Sư phạm TP.HCM, đã rất tâm đắc: “Phải là như vậy - GDTX, học tập suốt đời”.
Ông đánh giá đây là hệ học đầy tính nhân văn, là cánh cửa thứ hai để vào đời của biết bao con người. Đó không chỉ là đứa trẻ thiếu hộ khẩu thành phố, là trẻ em nghèo, người khuyết tật… mà chính là cơ hội để người vì lỡ duyên với con đường tiếp cận tri thức được tiếp nối mối duyên muộn màng. Để những học trò ngỗ nghịch, chưa hiểu chuyện, khi chợt hiểu giá trị của tri thức kịp quay đầu…
Với tiến sĩ Võ Văn Nam, việc đầu tư cho hệ GDTX phải ngang tầm với các hệ đào tạo khác bởi đây là một kênh giáo dục không kém phần quan trọng.
Nghe con rớt lớp Mười cứ như... trời giáng “Rớt lớp Mười là chỉ có nước vô hệ GDTX thôi! Tôi nói rồi, bằng gì thằng K. năm tới cũng phải đậu chứ không xấu hổ để đâu cho hết”. Câu khẳng định chắc nịch của anh Thắng được nhiều vị phụ huynh đứng chờ con tối 23/11 trước cổng trung tâm bồi dưỡng luyện thi lớp Mười trên đường Tô Ký, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn, gật gù. Dù tối cuối tuần, nhưng trước cổng trung tâm hôm ấy vẫn đông nghẹt xe. Phụ huynh đứng tràn ra hơn nửa lòng đường chờ đón con. Tâm sự với các vị phụ huynh đứng chờ con mới hay ai cũng kỳ vọng con mình vào được lớp Mười công lập. Chị Thúy, nhà ở xã Tân Xuân thở dài: “Năm nào cũng quá tải lớp Mười, không biết con trai tôi thi vào trường công lập nổi không. Ba nó lo nó rớt nên bắt học thêm chỗ này. Xung quanh, nhiều phụ huynh cũng gật gù: “Chỗ này luyện thi hay. Nhưng mà không biết tụi nhỏ có tranh nổi suất vô lớp Mười công lập không. H.Hóc Môn có mấy trường THPT công lập đâu mà học sinh khối Chín thì quá nhiều”. | Các học sinh ở Trung tâm GDTX Quận 7 | 20g hơn, học sinh từ những lớp luyện thi ở trung tâm túa ra, vẻ mặt đầy mỏi mệt… Cuộc đua vào lớp Mười công lập cho năm học sau đã thật sự bắt đầu. Không chỉ ở H.Hóc Môn mà ở khắp thành phố, rất nhiều lò luyện thi lớp Mười cũng đang “nóng” lên. Gia đình khá giả, mời gia sư kèm cặp với học phí từ vài triệu đến chục triệu đồng/tháng. Khi được hỏi sao không chọn hệ GDTX cho con mình cho thoải mái mà lại bắt cháu luyện thi lớp Mười hai năm liên tiếp, chị Nguyễn Đông Phương, phụ huynh ở Q.7, xua tay: “Vô đó là bước đường cùng! Mình còn có khả năng, phải ráng lo con vào công lập, chứ không tội lắm”. Câu nói của chị làm tôi nhớ đến chị Trâm, mẹ của nữ sinh N., đang học lớp 11 tại Trung tâm GDTX Lê Quý Đôn, Q.1: “Hồi nghe con rớt lớp Mười cứ như… trời giáng. Tôi bủn rủn tay chân. Động viên nó sang năm thi lại nó không chịu, còn dọa tự tử. Tôi và ba nó phải chạy đôn chạy đáo tìm trường. Nhà ở Q.Bình Thạnh, nhưng thấy con xấu hổ với bạn bè, tôi mới đưa nó lên đây học đỡ. Suốt năm lớp Mười nó không học, trường mời lên mời xuống mấy lần. Cũng may năm nay, tự nhiên nó ham học, nhưng vẫn không cho tôi kể với mọi người nó học GDTX, vì mặc cảm”. Quan niệm của chị Phương, chị Trâm và nhiều phụ huynh không khác nhau mấy, đưa con vào hệ GDTX là chuyện không mong muốn. Trong khi đó, thực chất GDTX không đến nỗi kinh khủng như vậy. Nơi này vẫn đang mang tri thức cho hơn 18.000 thanh thiếu niên thành phố, giúp các bạn trẻ và cả những người không còn trẻ trên hành trình tìm con chữ, chạm ước mơ, vươn tới tương lai tươi đẹp. Hành trình đó dẫu gian nan nhưng không ít người đã đi đến đích. |
Hạnh Chi