Thầy giáo "mách nước" giúp học sinh vượt qua khủng hoảng "mùa hè COVID-19"

20/06/2021 - 21:42

PNO - Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh ngay cả người lớn cũng thấy khó khăn nên chắc chắn học sinh sẽ hụt hẫng rất nhiều.

Nếu như năm học trước, học sinh “nghỉ Tết tới hè” thì năm nay các em “nghỉ hè sớm” chưa kịp chia tay với bạn bè, thầy cô, trường lớp thì dịch COVID-19 bất chợt diễn biến phức tạp.

Nhiều khu vực ở một số tỉnh thành phải áp dụng giãn cách xã hội, ngay cả các kì thi quan trọng cũng bị hoãn hoặc đang cân nhắc nên chắc chắn trẻ em trong lứa tuổi đi học sẽ hụt hẫng rất nhiều.

Vậy nên, ba mẹ vừa làm nhiệm vụ của người lớn vừa làm bạn, tư vấn, hỗ trợ, định hướng, đồng hành với con em mình trong mùa hè này để giúp các em có “mùa hè COVID-19” an toàn, bổ ích, thiết thực là rất cần thiết.

Tập cho trẻ những công việc vừa sức như chăm cây, làm vườn phụ cha mẹ
Tập cho trẻ những công việc vừa sức như chăm cây, làm vườn phụ cha mẹ

Trước hết, người lớn cần tạo ra không gian an toàn, thân thiện ngay trong gia đình để các em cảm thấy thoải mái, an tâm mà ở nhà, hạn chế ra đường khi không thực sự cần thiết.

Muốn vậy, ba mẹ nhẹ nhàng phân tích, dạy trẻ tiếp cận các thông tin chính thống về dịch bệnh COVID-19 để biết cách thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh của ngành y tế, không hoang mang lo sợ nhưng cũng tránh chủ quan. Cùng với trẻ làm những việc dễ làm mà hiệu quả như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay khử khuẩn, ngậm nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn miệng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thông thoáng, ăn uống điều độ, cùng tập thể dục an toàn…

Tâm lí các em khi ở nhà lâu sẽ nhàm chán, thường chúi đầu vào điện thoại, máy tính với các trò chơi kém bổ ích, dễ tiếp xúc với thông tin tiêu cực… Do đó, ba mẹ phải định hướng cho con có các hoạt động để các em thấy ham thích làm việc bổ ích, vui chơi lành mạnh.

Bé Củ Sắn phụ dì ép nước mía
Bé Củ Sắn phụ dì ép nước mía

Hiện tại, các hoạt động hè 2021 được Ban chỉ đạo hè triển khai online, bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, nhất là chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ đối với học sinh THPT được chia làm các chặng hoạt động bổ ích, phụ huynh nên khuyến khích con em tham gia.

Ví dụ, hoạt động nuôi heo đất tiết kiệm chia sẻ với các bạn nhỏ nghèo khó hiếu học, dạy con tiết kiệm từ tiền ăn sáng, gom ve chai, sách báo cũ bán vừa sạch đẹp gọn gàng nhà cửa vừa có tiền góp nhặt bỏ vào heo.

Hay như hoạt động sáng tạo ra sản phẩm tái chế từ rác thải, có em lấy lịch cũ hoặc các thùng giấy các-tông cũ hư làm thành các đồ dùng học tập hoặc mô hình đồ chơi trẻ em; có em lấy lon sữa bò, các chai nhựa để cắt ra, vẽ trang trí thiết kế thành hộp đựng dụng cụ học tập, bình chưng hoa tươi và hoa giấy tự làm để trên bàn học, chậu mini trồng hoa kiểng nhỏ để bàn ở phòng khách,…

Ở nhà, phụ huynh hướng dẫn cho các em làm những việc vừa sức theo từng lứa tuổi như: bỏ quần áo vào máy giặt, lấy ra phơi và xếp lại khi khô, tập ủi quần áo móc vào tủ; rửa chén, sắp xếp vào tủ chén cho ngăn nắp gọn gàng; tập cho các em vào bếp cùng nấu ăn với ba mẹ từ lặt rau, thái thịt, luộc rau, chiên trứng, nấu canh,…thật tỉ mỉ, tận tình hướng dẫn và biết khen ngợi kịp thời, điều chỉnh nhẹ nhàng đúng lúc để các em thấy vui thích khi làm việc.

Chơi những trò chơi bổ ích như vẽ, làm đồ tái chế...
Chơi những trò chơi bổ ích như vẽ, làm đồ tái chế...

Như vậy sẽ giúp các em vừa có kĩ năng, biết làm làm việc gia đình để các em yêu thích làm việc vừa giảm việc cho ba mẹ, mai này lớn lên các em làm được nhiều việc. Bên cạnh đó, chỉ dẫn các em cách chăm sóc ông bà trong gia đình có người già từ việc theo dõi khi ông bà đi lại có an toàn không; lấy thức ăn nước uống cho ông bà vào lúc nào, lấy loại nào cho phù hợp với người già răng yếu…

Gia đình tôi ở quê nên vợ chồng tôi thường hay cùng với con trồng chậu hoa kiểng, luống dưa đậu, cây bạc hà, chòm rau sạch…Hướng dẫn các cháu từ việc xới đất, trộn phân, gieo hạt, chăm sóc, nhổ cỏ, tưới nước, thu hoạch… Khi rảnh rỗi thì cùng ra đồng bắt cá, bắt cua, bắt ốc, hái rau đem về dùng.

Nếu gia đình có nhiều con cháu, ba mẹ cần dung hòa công việc, có những việc làm chung có việc chia riêng ra sao cho cháu nào cũng có việc và đáp ứng được năng khiếu, đam mê của mỗi cháu thì các cháu sẽ tự nguyện thực hiện mà không cảm thấy bị ép buộc.

Con trai nhỏ tên Củ Sắn ngoài những việc trên thì thường tìm hiểu về kiến thức chế tạo ô tô và làm đồ chơi tái chế các mô hình xe ô tô. Lúc rảnh thì về phụ dì Bảy róc mía, ép mía bán nước mía mang về cho khách hàng thân quen. Bé Khoai sắp vào lớp 11 thì thêu thùa may vá, vẽ, trang trí các vật dụng, làm hoa giấy từ sản phẩm tái chế, chăm sóc hoa lan cùng ba.

Cháu trai Mạnh Luôn đang học hớt tóc, thời gian này giãn cách xã hội không đến tiệm được thì ở nhà vừa tìm hiểu online các kiểu tóc vừa thực hành bằng cách hớt lần lượt cho các thành viên trong gia đình để nâng cao tay nghề. Khi rảnh thì chăm sóc các chậu hoa kiểng treo quanh nhà để luôn có không gian xanh tươi thân thiện.

Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên chọn sách báo về tâm lí lứa tuổi, kĩ năng, sống đẹp, truyện cười, các báo tuổi teen,…cho con em mình đọc. Ba mẹ có thể cùng đọc hoặc nghe các em tóm tắt lại nội dung, có động viên, khen ngợi khuyến khích các em.

Học viên học nghề có thể luyện tay nghề với người nhà
Học viên học nghề có thể luyện tay nghề với người nhà

Ngoài ra, để không bị “rớt nhịp” học hành, ba mẹ cần mua bộ sách giáo khoa chuẩn bị năm học mới về cho các em tập làm quen trước, lúc nào rảnh thì động viên các em xem trước tổng quát từng cuốn, từng môn cho biết khái quát năm tới mình sẽ học gì; khuyến khích các em đọc và học trước các nội dung dễ, có thể tự học như: các bài thơ, các bài văn, các ghi chú, các tóm tắt ghi nhớ…bên cạnh việc tự ôn tập kiến thức cũ theo tinh thần vừa học vừa chơi, vui để học chứ không phải quá căng thẳng.

Tất cả những điều đó phải được thực hiện một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, có định hướng, có kế hoạch của ba mẹ một cách linh hoạt tùy theo điều kiện của mỗi gia đình để các em thấy thoải mái, thích thú và bản thân mỗi em sẽ tự cảm nhận rằng mình đang tận dụng thời gian hè không uổng phí, không nhàm chán, biến khó khăn thách thức của “mùa hè COVID-19” thành thời gian “vượt lên chính mình” một cách hữu ích.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Cải
Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Củ Chi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI