Lời xin lỗi muộn màng
Trong status xin lỗi, ông Ngọc cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí đột nhiên trở thành mối quan tâm lớn của người dân Việt Nam. Các số liệu được AirVisual cung cấp đã gây ra những tranh cãi, hoài nghi về tính chính xác, khách quan cả trong công chúng và các chuyên gia môi trường.
Theo ông Ngọc, ông chưa được cung cấp thông tin chi tiết về cách thức AirVisual thu thập thông tin, bố trí các điểm quan trắc, tính tin cậy của phương pháp đo, độ chính xác của thiết bị đo, cách hiệu chỉnh sai lệch giữa các lần đo, cách tính giá trị trung bình, quy trình vệ sinh các đầu do sau khi đo…
Bên cạnh đó, thông tin về việc "Hà Nội đứng số 1 trong số các thành phố ô nhiễm nhất thế giới" lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội ở Việt Nam, gây ra nhiều hoang mang.
|
Một bức ảnh được Reuters đăng tải - Thủ đô Hà Nội chìm trong "sương mù" |
Ngoài ra, ông Ngọc cho rằng, việc sắp xếp này có phần không hợp lý khi bỏ qua nhiều thành phố lớn có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn nhiều so với Hà Nội và ông đã phân tích những điểm bất thường đó trên trang cá nhân. Vẫn theo ông Ngọc, việc này có thể đã dẫn tới những phản hồi tiêu cực của người dùng trên các trang fanpage và chợ ứng dụng đối với AirVisual.
Vẫn ông Ngọc nói, hôm 6/10, trang AirVisual đã có bài đính chính thông tin, cho rằng thứ hạng ô nhiễm không khí của Hà Nội chỉ là nhất thời. “Qua bài viết giải thích trên blog của AirVisual và thông tin trên báo chí, tôi hiểu rằng, ở đây đã có sự ngộ nhận về cách thức xếp hạng. Hà Nội sự thực không phải thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tôi rất lấy làm tiếc khi những đánh giá tiêu cực về AirVisual gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam” - ông Ngọc viết trong status.
Ngay lập tức, phần bình luận ở dưới bài viết xin lỗi ngập tràn chỉ trích của dư luận và xoáy sâu vào những lập luận mâu thuẫn của thầy giáo dạy Hóa này. Mọi người cũng nhấn mạnh vào lối xưng hô của ông Vũ Khắc Ngọc trong bài đăng là “chúng tôi” - ngụ ý cho một nhóm người Việt hoặc đại đa số người Việt, ngược với những phân tích cá nhân mà ông đưa ra trên trang cá nhân. Làm giảm thiểu ít nhiều trách nhiệm phát ngôn của bản thân trong bài xin lỗi trên.
Sau khi bài xin lỗi, bài viết gây tranh cãi mang tiêu đề "[Góc bóc phốt] AirVisual và trò lừa đảo 'Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới'" của ông Ngọc đăng trước đó đã bị ẩn đi. Thế nhưng, trên các diễn đàn/group trên Facebook, bài viết này đã kịp nhận được hàng ngàn lượt share và lưu trữ.
|
Chất lượng không khí sáng 17/9 ở mức cảnh báo có hại cho sức khỏe được ghi nhận từ một phần mềm trên điện thoại. |
Ngoài ra, lượt theo dõi trang cá nhân của ông Vũ Khắc Ngọc đã giảm mạnh kể từ thời điểm bài viết “bóc phốt” được đăng tải và thu hút ý kiến trái chiều của báo chí quốc tế. Nhiều người không đồng tình cách xin lỗi của ông Vũ Khắc Ngọc, cho rằng việc phát ngôn bừa bãi đã dẫn đến những hậu quả khôn lường mà điển hình là việc một ứng dụng tốt như AirVisual bị bức tử tại Việt Nam.
Từ màn "ăn vạ trẻ con" trở thành vụ bê bối quốc tế
Vào tuần trước, AirVisual lọt vào top ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại Việt Nam trước khi đột ngột biến mất vào ngày 6/10. Trong bài viết mới đây, hãng thông tấn Reuters cho rằng, việc này xảy ra sau khi bài đăng của ông Vũ Khắc Ngọc - một thầy giáo dạy Hóa học online với hơn 350.000 lượt người theo dõi trên Facebook, được chia sẻ. Trong bài viết "bóc phốt" của mình, ông Vũ Khắc Ngọc đã kêu gọi mọi người chấm 1 sao cho ứng dụng này trên AppStore và Google Play, đến mức nhóm phát triển ứng dụng phải ẩn ứng dụng khỏi các máy từ Việt Nam.
Sau Reuters, các hãng thông tấn khác như New York Times và AFP cũng vào cuộc mổ xẻ câu chuyện với những cáo buộc gay gắt hơn như "tấn công có tổ chức" nhắm vào Air Visual... Sự việc đã trở thành một vụ bê bối chứ không đơn giản chỉ là trò vui đùa trẻ con của một thầy giáo và nhóm học trò. Không khó nhận thấy, hình ảnh Việt Nam trong mắt quốc tế càng trở nên tệ hại vì sự việc này.
Về phía AirVisual, hãng này cho biết AirVisual trở thành mục tiêu của một chiến dịch tấn công tại Việt Nam. Hãng này cho biết, do tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong những tuần gần đây, Hà Nội đã có lúc đứng đầu danh sách xếp hạng thành phố lớn của AirVisual Fast - một bảng xếp hạng ô nhiễm trực tiếp của khoảng 90 thành phố lớn trên toàn cầu. Điều này đáng lẽ giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề chất lượng không khí ở Việt Nam lại trở thành nguyên nhân khiến AirVisual bị công kích.
“AirVisual đã nhận được những tin nhắn lạm dụng và đe dọa qua Facebook, trên Apple App Store và Google Play Store. Do đó, các ứng dụng và trang Facebook của AirVisual hiện không còn truy cập được tại Việt Nam” - hãng này vừa thông tin.
Hiện tại, AirVisual đang tiến hành kháng án với Apple, Google và Facebook về những đánh giá 1 sao nhắm vào họ, khẳng định họ đang bị tấn công “hội đồng” một cách không công bằng. Đồng thời, Reuters cho biết, AirVisual cũng nỗ lực để đưa ứng dụng lẫn fanpage của họ trở lại thị trường Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Riêng với ông Vũ Khắc Ngọc, từ một fanpage có hơn 350.000 lượt theo dõi, hiện số người theo dõi đã giảm xuống dưới 180.000. Nhiều phụ huynh cũng đã lên tiếng yêu cầu các trường học có hợp tác với ông Ngọc chấm dứt làm việc với giáo viên này.
Quốc Thái