Giáo dục một đứa trẻ chưa bao giờ là dễ dàng, càng không dễ dàng hơn nếu đứa trẻ ấy đã tồn tại chuỗi hành vi không chuẩn mực. Nhưng, thực tế, mọi đứa trẻ chỉ có thể chuẩn mực khi chúng được đối xử bằng một sự chuẩn mực từ người khác, dù là khen hay chê.
Sự việc xảy ra vào chiều 12/4 tại Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner (quận Gò Vấp, TPHCM) do nghi ngờ học sinh mang thuốc lá điện tử vào trường, thầy giám thị đã tự ý mời 8 em học sinh nam mang cặp xuống phòng giám thị để kiểm tra. Tại đây, thầy giám thị này đã nhờ một em học sinh khác yêu cầu 8 học sinh này (gồm 3 học sinh lớp 10 và 5 học sinh lớp 11) cởi quần áo (chừa lại quần lót) để kiểm tra nhanh.
|
Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner - nơi xảy ra sự việc 8 học sinh bị cởi quần áo để kiểm tra |
Tuy nhiên, đây nào phải là lần đầu tiên người của một cơ sở giáo dục có ứng xử thô bạo với học sinh. Cách đây vài tháng, bảo vệ của Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, để chắc chắn học sinh ra về sau tiết 4 là đúng học sinh khối 11 chứ không phải học sinh khối khác trốn học, đã thô bạo vạch áo khoác của một nữ sinh để xem phù hiệu học sinh ngay tại cổng trường, mặc cho em này phản đối.
Mới gần đây, là một cô giáo đã xén tóc học sinh ngay trên bục giảng, trước mặt tất cả học sinh còn lại trong lớp.
Tất cả dường như đang cho rằng, cứ học sinh mắc lỗi là xứng đáng bị đối xử thô bạo, bị xâm phạm thân thể như thế. Tệ hơn, với nữ sinh ra khỏi cổng trường hay 8 nam sinh bị lột đồ, dù vẫn chưa thể xác định các em đã mắc lỗi hay chưa, người ta đã thẳng tay "trừng phạt".
Nói một cách gay gắt, đến tù nhân cũng không đáng bị như thế nếu họ không mang dấu hiệu nào về việc che giấu thứ có thể uy hiếp sinh mạng người khác. Còn lại, xét ở khía cạnh quyền con người, những học sinh này đã bị vi phạm nghiêm trọng.
Nhận định về vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Đoàn luật sư Việt Nam - khẳng định đây là một hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông Hậu, pháp luật Việt Nam đã có quy định rất chặt chẽ về quyền tự do riêng tư, quyền tài sản của công dân. Học sinh có quyền từ chối giáo viên khám xét cặp, thân thể, nếu cảm thấy hành vi này xâm phạm đến thân thể. "Việc khám xét, đặc biệt là với trẻ em thì chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền khám xét. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 140 Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2003, quy định việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được tiến hành khi có căn cứ trong người đó hoặc chỗ ở, chỗ làm việc có chứa công cụ phạm tội ví dụ như đồ vật, tài sản phạm tội", ông Hậu nói.
Những cậu học sinh có hành vi hút thuốc lá điện tử, lặp lại vài lần, rõ là rất đáng lưu tâm, nhưng là lưu tâm để từ đó tìm phương pháp giáo dục hiệu quả hơn, kết hợp chặt chẽ hơn giữa nhà trường và gia đình...
Một đứa trẻ cũng có nhân phẩm của nó, nhưng nhâm phẩm đó đã bị lột đi như lớp quần áo của 8 nam sinh kia, bởi người làm công tác giáo dục.
Hiện thầy giám thị cho lột đồ học sinh đã nhận thức được cái sai của mình, chủ động xin nghỉ việc; nhà trường cũng nhận lỗi với học sinh và phụ huynh về cách ứng xử này. Học sinh và phụ huynh cũng ghi nhận thái độ của giám thị, nhà trường và đồng tình việc nên cho thầy giám thị một cơ hội. Đó là một cái kết đẹp cần thấy trong môi trường giáo dục và tôn trọng con người.
Điều còn lại, mong rằng đừng thêm một em nào bị xén tóc, lột đồ lần nữa!
Nguyễn Thị Bích Ngọc