PNO - Vụ tai nạn máy bay ở sân bay Haneda, Tokyo (Nhật Bản) khiến 5 người thiệt mạng vào ngày 2/1 cho thấy nhiều điều đáng suy nghĩ về an toàn hàng không, cả về những tiến bộ lẫn những vấn đề còn tồn tại trong thập niên qua.
Đầu giờ tối 2/1, chiếc Airbus A350-900 mang số hiệu JL516 của Japan Airlines (JAL) đã đâm vào một chiếc De Havilland Dash-8 của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản trong khi đang hạ cánh xuống đường băng của sân bay Haneda. Vụ việc khiến 5/6 thành viên phi hành đoàn chiếc Dash-8 thiệt mạng. Các quan chức Nhật Bản cho biết họ đang điều tra nguyên nhân và cách ngăn chặn sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Ủy ban An toàn của Bộ Giao thông Vận tải sẽ xác định xem có bất kỳ thông tin sai lệch nào xảy ra trong hoạt động kiểm soát không lưu hay không. Đài Truyền hình NHK đưa tin: chiếc Dash-8 được lệnh chờ cạnh đường băng trong khi máy bay dân sự được phép hạ cánh. Dù vậy, thông tin sơ bộ cho thấy chiếc Dash-8 đã nằm trên đường băng, chuẩn bị cất cánh trong nhiệm vụ cung cấp hàng tiếp tế cho những nơi bị ảnh hưởng bởi trận động đất ngày 1/1.
Khi chiếc Dash-8 đi vào đường băng, đó là điển hình của trường hợp nguy hiểm thường xuyên xảy ra, gọi chung là “xâm nhập đường băng”. Dù phần lớn các trường hợp như vậy không gây ra thiệt hại tuy nhiên, đôi khi chúng dẫn đến tai nạn, va chạm hoặc hư hỏng. Dữ liệu từ Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế của Liên hiệp quốc chỉ ra rằng, gần 60% số vụ tai nạn hàng không có liên quan đến an toàn đường băng, vượt xa mức 30% của vấn đề mất kiểm soát trong chuyến bay. Điều đáng lo ngại là số vụ xâm nhập đường băng vẫn diễn ra đều đặn trong thập niên qua thay vì phải giảm.
Cần tiếp tục nghiên cứu thiết kế máy bay
Vào những năm 1960, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nhận ra rằng, máy bay có thể nhanh chóng đạt đến điểm bốc cháy sau tai nạn - nơi nhiệt độ bên trong cabin nóng đến mức vật dụng tự bốc cháy ngay lập tức - và cắt giảm thời gian cần thiết để sơ tán hành khách khỏi máy bay từ 2 phút xuống còn 90 giây. Nguyên tắc này đã giúp cứu sống 379 hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay JL516.
Những hình ảnh được quay lại cho thấy chiếc máy bay bốc cháy khi lao xuống đường băng. Bên trong máy bay là sự kinh hoàng khi hành khách nhận thấy động cơ đang bốc cháy. Hành khách Tsubasa Sawada cho biết: “Lúc đầu tôi hơi buồn cười khi nhìn thấy tia lửa phát ra từ động cơ. Nhưng khi ngọn lửa bắt đầu bùng lên, tôi thực sự nghĩ rằng mình sắp chết”.
Chiếc A350 của hãng hàng không Japan Airlines bốc cháy sau va chạm tối 2/1/2024 - Nguồn ảnh: Reuters
Một đoạn video được chia sẻ rộng rãi cho thấy các tiếp viên đứng giữa cabin đầy khói, bình tĩnh dùng loa cầm tay hướng dẫn hành khách và cảm ơn sự hợp tác của họ. Khi lực lượng cứu hỏa đến, phi hành đoàn đã triển khai các máng thoát hiểm để tất cả hành khách trượt xuống an toàn. Điều quan trọng là dường như không ai dừng lại để lấy hành lý xách tay, nhờ đó lối đi đến cửa thoát hiểm được giữ thông thoáng. Sự việc diễn ra đúng như hướng dẫn từ một đoạn video an toàn của JAL mà các hành khách đã xem chưa đầy 2 giờ trước đó.
Trong video hướng dẫn, một tiếp viên hàng không cảnh báo: “Hãy để lại hành lý khi sơ tán” và nhiều hình ảnh cảnh báo về những thiệt hại mà túi xách và giày cao gót có thể gây ra cho các máng trượt bơm hơi. John Cox - phi công và người sáng lập một công ty tư vấn an toàn hàng không có trụ sở tại Mỹ - nhận xét: phi hành đoàn đã làm rất tốt việc đưa hành khách ra khỏi máy bay một cách nhanh chóng. Ông Cox nói: “Phi hành đoàn cho thấy sự huấn luyện tốt. Ngoài ra, trong video, mọi hành khách đều không cố gắng mang theo hành lý. Họ chỉ tập trung vào việc ra khỏi máy bay”.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là thân của chiếc phản lực A350 được làm từ sợi carbon tổng hợp. Vụ tai nạn đã làm dấy lên mối lo ngại về những khó khăn trong việc dập tắt đám cháy liên quan đến vật liệu này, so với thân máy bay thông thường làm bằng nhôm. Trong ngành sản xuất máy bay, vật liệu composite chứa sợi carbon giúp tăng thêm độ bền vật liệu.
Theo hãng Boeing, chúng giúp giảm trọng lượng máy bay khoảng 20% so với hợp kim nhôm, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Boeing đã ra mắt chiếc máy bay thương mại đầu tiên có thân và cánh làm từ vật liệu tổng hợp được gia cố bằng sợi carbon - chiếc Boeing 787 - vào năm 2011. Sau đó, hãng Airbus cũng đưa ra thiết kế của riêng họ vào năm 2018 với chiếc A350. Độ bền của vật liệu tổng hợp đã được kiểm tra trong quá trình chứng nhận bởi các cơ quan quản lý bao gồm FAA. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng vẫn còn những hạn chế đối với sự hiểu biết về hiệu suất của vật liệu.
Ông John Cox nhận xét: “Thân máy bay bằng vật liệu mới đã bảo vệ hành khách khỏi một đám cháy thực sự khủng khiếp. Lửa không lan rộng trong một khoảng thời gian đủ để giúp mọi người thoát ra ngoài. Đó là một dấu hiệu tích cực”. Luật sư hàng không Justin Green (New York, Mỹ) cho biết: “Việc sợi carbon dễ cháy hơn nhôm là điều chúng ta phải xem xét nhưng rõ ràng là không ai trên máy bay bị chết cháy. Có vẻ như thân máy bay, ghế ngồi làm bằng vật liệu chống cháy và mọi thứ khác đã bảo vệ phi hành đoàn và hành khách”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn một số mối lo ngại khác cần tiếp tục nghiên cứu, bao gồm vấn đề thời gian mà lực lượng cứu hỏa tại sân bay Haneda cần để dập tắt ngọn lửa. Đồng thời, hỗn hợp vật liệu có thể tạo ra nhiều khói khi cháy, như được thấy trong đoạn video bên trong máy bay, gây tổn hại cho sức khỏe hành khách.
Ngày 2/11, các nhà chức trách cho biết tổng cộng 198 người đã thiệt mạng và 111 người khác bị thương, trong các vụ tấn công khủng bố riêng biệt ở Pakistan.