Thấy gì từ vụ khách Nhật bị ngộ độc?

01/11/2016 - 12:43

PNO - Vụ ngộ độc phát hiện trên máy bay, vì sao hành khách dùng bữa từ đêm trước mà đến hôm sau mới phát triệu chứng? Liệu hãng hàng không có thật sự vô can trong vụ việc này?

Việc một nhóm hành khách trên chuyến bay TP.HCM - Narita (Tokyo, Nhật Bản) của hãng hàng không Vietnam Airlines ngày 28/10 gặp vấn đề về sức khỏe do ngộ độc thực phẩm, đã ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.

Dù sức khỏe các hành khách này hiện đã an toàn, nhưng được biết phía Nhật sẽ truy đến cùng nguyên nhân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu UBND TP.HCM kiểm tra làm rõ thông tin, xử lý nghiêm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nếu có và báo cáo vào đầu tháng 11 này.

Thay gi tu vu khach Nhat bi ngo doc?

Đây không phải lần đầu có chuyện du khách bị ngộ độc thực phẩm. Gần đây nhất, tháng 7/2016 tại Nha Trang, khoảng 60 hành khách Hà Nội sau khi ăn vài giờ tại nhà hàng Four Seasons, phải nhập viện do ngộ độc. Cơ quan chức năng kiểm tra và xác định được nguyên nhân, Chi cục Thú y địa phương đã thu hồi tạm thời giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP của nhà hàng, phạt vi phạm hành chính.

Tuy vậy, mức phạt hành chính chưa đủ nghiêm khắc để ngăn ngừa tái phạm những vụ việc kiểu này. Đại diện một đơn vị lữ hành cho biết, với những tour nhận khách nước ngoài, ATVSTP trong quá trình đi tour là yếu tố đặt lên hàng đầu. Khách quan tâm từng chi tiết nhỏ trong thực đơn như nguồn thực phẩm, đầu bếp… để quyết định đặt tour. Không ít khách sạn bốn-năm sao phải dùng nguyên liệu nhập khẩu để bảo đảm an toàn theo yêu cầu của khách.

Hầu hết các hãng lữ hành đều có sự chọn lọc đối tác, có hợp đồng ràng buộc về việc yêu cầu nhà hàng, quán ăn lấy mẫu thức ăn trong thực đơn theo quy định. Thế nhưng, trên thực tế, việc nhà hàng có lấy mẫu, có sự giám sát của đơn vị lữ hành hay không là điều đáng nói. Có bao nhiêu đơn vị lữ hành hàng năm tổ chức kiểm tra đối tác của mình? Chưa kể, cơ quan chức năng vẫn còn thụ động trong công tác kiểm tra định kỳ… Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt cho rằng, đôi khi vì lợi nhuận, cả đơn vị lữ hành lẫn nhà hàng đã hạ giá tour nhằm cạnh tranh, giao phó cho đối tác, dẫn đến chuyện mua nguồn thực phẩm rẻ không an toàn.

Nhiều vụ việc đã xảy ra, nhưng lẻ tẻ với mức vài du khách nên đều giải quyết nội bộ, hoặc người bị ngộ độc bỏ qua. Chỉ những vụ ngộ độc tập thể, cấp tính thì sự việc mới "lòi" ra. Khi đó, cơ quan chức năng mới vào cuộc. Nhưng ngay cả khi xác định rõ ràng nguyên nhân thì mức phạt không nặng nên chẳng ai ngán. Trong khi ở nhiều nước, như Nhật Bản, ngoài việc bị phạt nặng, đơn vị vi phạm còn bị rút giấy phép, cấm hành nghề.

Trở lại vụ ngộ độc phát hiện trên máy bay, vì sao hành khách dùng bữa từ đêm trước mà đến hôm sau mới phát triệu chứng? Liệu hãng hàng không có thật sự vô can trong vụ việc này? Trong lúc chờ đợi cơ quan chức năng công bố nguyên nhân, các nhà làm du lịch hãy xem đây là nguy cơ hàng đầu để có những cuộc thanh lọc, giám sát, kiểm tra lại những đơn vị đối tác. Vì ATVSTP luôn là mối quan tâm hàng đầu của dân du lịch. Mặt khác, cần nhanh chóng xử lý vụ việc để tạo niềm tin cho khách, nhất là du khách Nhật hiện đang chiếm thị phần lớn và ổn định tại Việt Nam.

Song Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI