Thấy gì từ những ngôi làng rỗng?

15/04/2023 - 06:18

PNO - Có nhiều báo cáo về số người đi xuất khẩu lao động, số tiền mà họ gửi về, số người sẽ đi nhưng chưa thấy có báo cáo, nghiên cứu nào về hệ quả tiêu cực sau những con số đó.

 

Nhiều hệ lụy đằng sau những dãy nhà khang trang ở ngôi làng xuất khẩu lao động
Nhiều hệ lụy đằng sau những dãy nhà khang trang ở nhiều ngôi làng xuất khẩu lao động

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm, nước ta đưa được 80.000 đến 120.000 đi lao động ở nước ngoài. Như vậy, tính từ năm 2000 đến nay (trừ 2 năm dịch bệnh), có khoảng 1,2-1,5 triệu lượt người lao động ra nước ngoài làm việc. 

Theo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (giai đoạn 2010-2017) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, giai đoạn 2010-2017, cả nước có 821.862 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Số người làm việc ở nước ngoài tăng mạnh ở các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản - tăng khoảng 461% so với giai đoạn 2010-2013, Đài Loan (Trung Quốc) - tăng khoảng 183%, Trung Đông - tăng khoảng 120%. 

Gần đây, Việt Nam mở rộng hợp tác lao động với các nước châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nước khác nữa. Hằng năm, lượng tiền do người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về khoảng 10 tỉ USD. Nói về kinh tế thì đó là một nguồn thu nhập đáng kể, nhưng về mặt xã hội thì có nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ. 

Tôi đã đến và biết đến những làng xã như thế ở tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang… Đi từ đầu làng đến cuối làng, tôi không gặp thanh niên nào, chỉ loáng thoáng thấy mấy ông bà già, dăm đứa trẻ con. Làng đìu hiu, vắng vẻ, buồn đến nao lòng. Nhà thơ Ngô Đức Hành gọi đó là “làng rỗng”. 

Có những làng, đàn ông, trai tráng đi làm công nhân xây dựng, đánh cá ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Đông. Có những làng, hầu hết đàn bà, con gái sang Đài Loan (Trung Quốc) thu hoạch nông sản, sang Nhật Bản chăm sóc người già, giúp việc nhà. Và có không ít người sang nước ngoài để làm những công việc lặt vặt như bán hàng rong, làm móng chân móng tay, thậm chí làm những việc phi pháp.

Đi qua những khu đèn đỏ, đèn mờ ở Bangkok, Phnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur, Manila và nhiều thành phố khác trên thế giới, nghe chị em í ới gọi nhau bằng tiếng Việt mà thấy đắng không chịu được. Còn các chàng trai Việt bán nước ép, trái cây gọt sẵn ở các ga tàu điện ngầm ở Bangkok thì cũng không ít.

Nhưng lạ là những “làng rỗng” này lại rất giàu, có rất nhiều nhà to, cổng lớn, thậm chí nhiều nhà có cả xe hơi. Thanh niên trong làng đi xuất khẩu lao động gửi tiền về xây nhà, mua xe máy, xe hơi và sắm sửa tiện nghi trong nhà không thiếu thứ gì, kể cả những bộ bàn ghế gỗ cả trăm triệu đồng. Nhà có tiền đấy, nhưng con cái vắng cha mẹ dễ sinh hư, bỏ học, chơi bời lêu lổng, không ít đứa vướng vào ma túy, tù tội, đứa bé xíu xiu cũng có trong tay cái điện thoại di động đời mới. 

Vợ, chồng xa nhau vài năm, khó tránh chuyện “xa mặt, cách lòng”. Vợ đi làm ô sin ở Đài Loan, chồng ở nhà cặp bồ; chồng đi làm công nhân xây dựng ở Trung Đông, vợ ở nhà cũng đề đóm, nâng cấp sắc đẹp và rồi cũng cặp bồ. Rốt cuộc, ngày đoàn tụ gia đình cũng là ngày tan đàn xẻ nghé, kéo nhau ra tòa ly hôn, chia tài sản, con cái vất vưởng. Chưa kể, có những trường hợp, ngày đi khỏe mạnh, ngày về với thân tàn ma dại do bị tai nạn lao động, hoặc có trường hợp cha mẹ ra sân bay nhận hũ tro cốt của con. 

Có nhiều báo cáo về số người đi xuất khẩu lao động, số tiền mà họ gửi về, số người sẽ đi nhưng chưa thấy có báo cáo, nghiên cứu nào về hệ quả tiêu cực sau những con số đó. 

Đi vào làng to, đường tráng xi măng láng bóng, nhà cao tầng, biệt thự khắp nơi, nhưng không một bóng người ngoài đường. Cái rỗng ở không gian sống đã đáng sợ, nhưng cái rỗng trong lòng người, trong văn hóa thì còn đáng sợ hơn thế nhiều lần. Người lao động chỉ thấy hạnh phúc khi được mưu sinh trên chính quê hương mình.

Xuất khẩu lao động rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay bởi nó mang lại ngoại tệ, giải quyết tình trạng thừa lao động. Nhưng nó chỉ nên được xem là giải pháp tình thế. Về lâu dài, phải xây dựng thị trường nhân lực nội địa mạnh, bởi sau 2035, thời kỳ dân số vàng chấm dứt, nhiều ngành nghề có thể sẽ thiếu nhân lực trẻ. 

Do vậy, Chính phủ cần phải đưa các khu công nghiệp về vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là phát triển công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ ở nông thôn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên là những nơi có nhiều nông, lâm, thủy, hải sản, nhằm mục đích chuyển từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh, làm gia tăng giá trị thặng dư trên một đơn vị hàng hóa và cũng là để giữ chân thanh niên theo chiến lược “ly nông, bất ly hương”. 

Tôi rất ấn tượng với quan điểm của ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan rằng “cần tập trung phát triển tam nông”, bởi chỉ có tam nông và dịch vụ trên nền tảng tam nông mới dung chứa hết lực lượng lao động. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI