Thấy gì từ một triển lãm thứ cấp?

24/07/2020 - 12:08

PNO - Khai mạc lúc 18g ngày 23/7 tại La Vela Saigon Hotel (TP.HCM), République D’Art sẽ mở cửa tự do cho công chúng trong các ngày 24-26/7, bày gần 20 tác phẩm của các danh họa và họa sĩ thời danh.

Với chủ đề Vùng nhiệt đới gió mùa, đây là triển lãm thứ cấp, chỉ giới thiệu những tác phẩm không còn thuộc sở hữu của họa sĩ.

Triển lãm do Luxuo Art tổ chức, có tác phẩm của Nguyễn Gia Trí (1908-1993), Lê Văn Xương (1917-1988), Văn Đen (1919-1988), Lưu Công Nhân (1929-2007), Lê Công Thành (1932-2019)… Và các tên tuổi thời danh như Phạm Lực, Phạm An Hải, Bùi Suối Hoa, Đỗ Trung Quân, Bùi Thanh Phương, Nguyễn Nghĩa Cương, Đỗ Minh Tâm, Đào Thành Duy, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Minh Hiếu… Đây là cuộc trưng bày tác phẩm thuộc sở hữu của các nhà sưu tập như Trần Hậu Tuấn, Bùi Quốc Chí, Nguyễn Thanh Sơn; của các văn nghệ sĩ như Vũ Ngọc Giao, Huy Tuấn, Hồng Ánh, Lê Y Lan, Nguyễn Hoàng Ngân…

République D’Art diễn ra từ 24-26/7, chỉ giới thiệu những tác phẩm không còn thuộc sở hữu của họa sĩ
République D’Art diễn ra từ 24-26/7, chỉ giới thiệu những tác phẩm không còn thuộc sở hữu của họa sĩ

Triển lãm góp phần mở thêm một góc nhìn về thị trường nghệ thuật thứ cấp tại Việt Nam. Nếu lấy cột mốc sự ra đời nhà đấu xảo tại Hà Nội năm 1902 (Exposition 1902), thì tranh và tượng của Việt Nam đã có hơn một thế kỷ - dù không liên tục - hiện diện trên thị trường. Nhưng đó chỉ là một thị trường sơ cấp (primary market), nơi tác giả và đa số phòng tranh, chỉ bán ra, chứ ít hướng đến việc mua lại, việc trao đổi, việc đối chứng. Thị trường thứ cấp (secondary market) thường hướng đến việc trao đổi công khai hơn, dễ dàng hơn, nhằm mua đi bán lại nhiều lần, tăng tính thanh khoản và tạo thêm lợi nhuận cho các bên.

Chính thị trường thứ cấp cũng sẽ tác động ngược lại thái độ làm việc chuyên nghiệp và trách nhiệm với tác phẩm của tác giả, của các phòng tranh hoạt động theo mô hình sơ cấp. Khi tác phẩm được mua đi bán lại nhiều lần, hiển nhiên tác phẩm đó phải được cọ xát ở nhiều khía cạnh, trong đó có chất lượng vật lý, tính chân bản, sự hợp pháp và cả sự bảo hành. 

Xin đơn cử từ một ví dụ về tính chân bản và nạn tranh giả, tranh nhái tràn lan hiện nay. Suốt một thời gian dài, ít nhất từ khoảng 1985 cho đến những năm 2000, nhiều họa sĩ nghĩ rằng tranh bán cho Tây, Tây cầm về treo ở nhà riêng, vậy thì cứ sao chép na ná cho tiện lợi. Các họa sĩ này đâu ngờ rằng với internet và sự phát triển của thị trường thứ cấp, tranh không còn nằm im lìm trên tường nữa, mà đã hiện diện khắp nơi, lộ ra khá nhiều trường hợp họa sĩ tự sao chép, tự “làm giả” tranh mình để bán.

Điều quan trọng hơn, chính thị trường thứ cấp tạo cơ hội và động lực cho các móc xích trung gian nhập cuộc. Đó là các tổ chức kinh doanh, môi giới, định giá, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đấu giá, thuế, pháp lý và cả nghiên cứu, phê bình, bảo tàng, truyền thông… Trước đây, việc mua bán trao tay kiểu sơ cấp, một chiều, gần như chỉ có họa sĩ/phòng tranh có lợi, chuyển qua thị trường thứ cấp, nếu hoạt động trơn tru, dễ hiểu, thì gần như nhiều bên cùng có lợi. 

Đã từng không ít trường hợp họa sĩ muốn đóng thuế thu nhập mà chưa có cơ chế hợp lý để đóng và thu. Không ít trường hợp mất chiếc xe máy cũ vài triệu đồng thì xử lý trọn vẹn, mất bức tranh vài trăm triệu chẳng biết xử lý ra sao. Kinh doanh hàng giả ở chợ xử lý dễ dàng, nguyên triển lãm tranh giả tại bảo tàng thì gặp khó khăn về chế tài.

Cuối cùng, những triển lãm thứ cấp như République D’Art còn góp phần mở ra một liên kết công khai giữa các nhà sưu tập chuyên nghiệp với nhà sưu tập tài tử, nghiệp dư, nhằm mang đến cho người xem phần nào hình dung về công việc mà lâu nay vốn thiên về sở thích cá nhân và có tính âm thầm. 

Lý Đợi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI