Thấy gì từ một buổi giám sát bị hủy?

19/04/2022 - 14:48

PNO - Từ buổi giám sát bị hủy, người dân mong chờ chất lượng các cuộc giám sát sẽ được tăng lên...

Buổi tái giám sát “Kết quả triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và một số chế độ chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân…” do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM chủ trì cuối tuần qua gây sự chú ý của dư luận khi ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban quyết định hủy buổi giám sát. Nguyên nhân do một số sở ngành quan trọng không cử lãnh đạo tham dự và đoàn giám sát cũng không nhận được báo cáo từ các đơn vị theo yêu cầu trước đó.

Chủ trì cuộc giám sát, ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố - quyết định hủy bỏ buổi giám sát
Chủ trì buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM - quyết định hủy bỏ buổi giám sát

Từ câu chuyện này cũng cần nhìn nhận thực tế về chất lượng giám sát của HĐND thời gian qua, dù đã đạt những kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Còn nhiều vấn đề cần tiếp tục đặt ra. Những ai từng tham dự các buổi giám sát chuyên đề của HĐND đều dễ dàng thấy có một số cuộc làm việc còn mang tính hình thức. Chiếm phần lớn thời gian các buổi giám sát này là các báo cáo đã được chuẩn bị sẵn từ các đơn vị “bị” giám sát.

Năm 2021, Thường trực HĐND TPHCM và các ban chuyên trách đã tổ chức 204 cuộc giám sát, nhưng chỉ có 87 cuộc giám sát trực tiếp, còn lại 124 cuộc giám sát qua báo cáo. Các ban thừa nhận, một số nội dung cần tiếp cận thực tế và trao đổi trực tiếp phần nào bị hạn chế khi tổ chức giám sát qua báo cáo.

Tình trạng các sở, ban, ngành “vắng mặt” hoặc chỉ cử chuyên viên đi thay lãnh đạo cũng không phải chuyện hiếm. Nhưng có lẽ “thói quen” này của các sở, ngành được “hình thành” là do chính các đoàn giám sát thuộc cơ quan dân cử chưa nghiêm khắc và quyết liệt. Có lẽ vậy nên việc hủy buổi giám sát khi các bên liên quan không đảm bảo đủ yêu cầu của một cuộc giám sát lại gây sự chú ý trong khi đây là việc hiển nhiên cần làm.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ, HĐND TPHCM khóa X đã ưu tiên xây dựng và thực hiện đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND thành phố trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2021-2026.

Dĩ nhiên, sự cần thiết của đề án trước tiên xuất phát từ những mặt còn hạn chế. HĐND thành phố đã nhìn nhận rõ công tác giám sát vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, còn những cuộc giám sát chưa sâu; thể hiện qua nội dung giám sát còn dàn trải, một số kiến nghị còn chung chung, chưa chỉ rõ được cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chính, chưa quy định cụ thể thời gian thực hiện kiến nghị. Bên cạnh đó, hầu như chưa có hoạt động giám sát nào dưới danh nghĩa cá nhân đại biểu được thực hiện… 

Tại các hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của HĐND cấp tỉnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trên toàn quốc mới đây đều nêu ra một trong những nội dung quan trọng là tái giám sát, tức việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát chưa thường xuyên, chưa đạt hiệu quả cao, hiệu lực chưa nghiêm, cũng như chưa có hình thức xử lý đối với các đơn vị không nghiêm túc thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Tất cả tồn tại dường như đều đã được hệ thống lập pháp từ Trung ương đến địa phương nhìn thấy rõ. Vì thế, người dân khá kỳ vọng về một trong các giải pháp mà đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND TPHCM khóa X đưa ra, đó là tận dụng tối đa sự đa dạng trong các hình thức giám sát mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định.

Bên cạnh nâng cao hiệu quả hình thức thẩm tra, chất vấn, tăng cường giám sát chuyên đề… HĐND TPHCM đề ra biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn giám sát và đổi mới hình thức giám sát thông qua việc tiếp công dân, theo dõi đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Cụ thể hơn, đoàn giám sát cần gặp gỡ trao đổi được với những người trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ để nắm bắt thông tin, bên cạnh làm việc với thủ trưởng đơn vị. Hình thức giám sát thông qua tiếp công dân cần tạo được không khí dân chủ, cởi mở, khách quan giữa đại biểu và người dân. Đại biểu có thể yêu cầu cán bộ, chuyên viên một số ngành có liên quan tới việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cùng tham gia tiếp công dân với đại biểu để họ vừa cung cấp thông tin cho đại biểu tiếp dân, vừa giải thích, hướng dẫn công dân những lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành.

Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới phương thức giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo phải theo hướng kết hợp với giám sát chuyên đề và hoạt động giải trình của các ban chuyên trách thuộc HĐND thành phố… 

Từ buổi giám sát bị hủy, người dân mong chờ chất lượng các cuộc giám sát sẽ được tăng lên, để đảm bảo việc thực thi Hiến pháp, pháp luật và Nghị quyết của HĐND đạt hiệu quả cao.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI