Thấy gì từ “cú ngã ngựa” của "Võ sinh đại chiến"?

08/01/2021 - 06:45

PNO - Chưa đầy một tuần sau thời điểm khởi chiếu ngày 1/1, bộ phim "Võ sinh đại chiến" đã bị nhà sản xuất rút khỏi các rạp để tìm thời điểm khác phát hành, vì doanh thu phòng vé quá thấp: 1,3 tỷ đồng sau sáu ngày công chiếu.

Đây là con số dưới mức mong đợi so với chất lượng của phim, đẩy nhà sản xuất vào thế lỗ, vì kinh phí thực hiện lên đến 21 tỷ đồng. 

Bức xúc của nhà sản xuất khi phim bị xếp suất chiếu quá ít và giờ chiếu cũng không thuận lợi, một lần nữa đã khơi lại câu chuyện chèn ép phim Việt đang tồn tại dưới hai hình thức không nhận chiếu phim do bất đồng phân chia doanh thu bán vé (như Tấm Cám: Chuyện chưa kể) và xếp lịch chiếu “xấu” (phim Găng tay đỏ, Yolo: Bạn chỉ sống một lần, Thưa mẹ con đi).

Phim Võ sinh đại chiến đã rời rạp ngày 7/1
Phim Võ sinh đại chiến đã rời rạp ngày 7/1

Cú “ngã ngựa” đầu năm của Võ sinh đại chiến là minh chứng rõ nhất cho quyền “sinh sát” của đơn vị phát hành - chiếu bóng. Lâu nay, việc sắp xếp giờ chiếu, suất chiếu do nhà phát hành - chiếu bóng quyết định tùy vào hiệu ứng khán giả. Căn cứ này hợp lý nếu trong vòng một đến ba ngày ra rạp, các phim đều được phân bố có nhiều suất chiếu, trong những khung giờ “vàng”, để sau đó chủ rạp điều chỉnh lịch chiếu phù hợp yêu cầu người xem, nhưng sẽ bất hợp lý nếu ngay ngày đầu ra rạp, phim đã có ít suất, giờ chiếu cũng không thuận tiện. 

Sự chèn ép “ngầm” này hoàn toàn không có cách gì để xử lý. Ngay trong dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi lần 3 (điều 24, chương IV) cũng chỉ nêu vấn đề “Bảo đảm tỷ lệ số buổi chiếu phim Việt Nam so với phim nước ngoài, giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng và giờ chiếu phim cho trẻ em theo quy định của Chính phủ”, chứ cũng không đề cập quy định số suất chiếu, giờ chiếu phim Việt.

Ở nước ngoài, sản xuất - phát hành - chiếu bóng vốn độc lập, nhưng ở Việt Nam, vai trò này thường là hai trong một hoặc ba trong một. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “nhất bên trọng nhất bên khinh”, khi một đơn vị phát hành có hai phim ra rạp gần như cùng lúc, nhưng họ góp vốn một phim, phim còn lại chỉ thuần phát hành. Sự ưu ái này không sai, nhưng tạo ra cạnh tranh không công bằng giữa các phim, và thật đau đớn khi phim nội tự triệt hạ lẫn nhau bằng cách này.

Nhà sản xuất Võ sinh đại chiến bất ngờ rút phim khỏi rạp sua 6 ngày công chiếu.

Phim dở ế khách là lẽ đương nhiên, nhưng ngay cả phim làm tốt cũng nhận kết quả phòng vé thảm hại vì giờ chiếu khó xem, thì đó không chỉ là oan ức riêng của nhà đầu tư, sản xuất mà còn là nỗi đau chung của những người làm phim tử tế. 

Cái chết của Võ sinh đại chiến cũng cho thấy tầm quan trọng của khâu truyền thông cho phim. So với các tác phẩm trong nước ra rạp gần đây, Võ sinh đại chiến rõ ràng có chất lượng hơn hẳn ở sự tìm tòi đề tài và đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, phim gặp bất lợi về mặt truyền thông khi không sở hữu dàn diễn viên nổi tiếng, tên tuổi đạo diễn cũng quá mới. Thêm vào đó, chủ đề võ cổ truyền mà phim đề cập cũng không phải đề tài hợp gu số đông. Không có các yếu tố ăn khách để quảng bá, Võ sinh đại chiến bị lép vế hẳn khi ra rạp. Những lời đánh giá “có cánh” sau đó từ những người đã xem cũng chẳng thể cứu được phim. 

Trailer Võ sinh đại chiến:

 

 

Phim chất lượng nhưng truyền thông yếu cũng “chết”, ngược lại phim được quảng bá rầm rộ nhưng chất lượng không tốt cũng vẫn “chết”, như trường hợp Người cần quên phải nhớ. Thất bại của Người cần quên phải nhớVõ sinh đại chiến nhắc các nhà phim trong nước nhớ rằng, chất lượng và truyền thông phải song hành với nhau, bởi đã qua rồi thời hữu xạ tự nhiên hương, và khán giả cũng không dễ bị mê hoặc bởi những lời quảng cáo. 

Nguyễn Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI