Thấy gì từ cơn sốt vé phim Đào, phở và piano?

21/02/2024 - 18:48

PNO - Mở đường để Nhà nước hợp tác với tư nhân trong khâu phát hành phim đặt hàng, tận dụng sức mạnh truyền miệng của khán giả cho phim là hướng đi thích hợp để dòng phim tuyên truyền không còn trong tình cảnh lưu kho như lâu nay.

Thiên thời, địa lợi

Những ngày qua, bộ phim Đào, phở và piano đang trở thành hiện tượng phòng vé vì tình trạng “cầu” vượt quá “cung”. Sau 10 ngày khởi chiếu, bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã thu gần 400 triệu đồng, suất chiếu ngày càng tăng nhưng vẫn cháy vé. Đây là chuyện chưa từng có với một bộ phim của Nhà nước. Trước phản hồi tích cực của người xem và tình trạng khó mua vé, Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã cắt suất chiếu phim Mai để dành cho Đào, phở và piano. Mới đây, Cục Điện ảnh cũng đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hành phim Đào, phở và piano trên toàn quốc. Việc một bộ phim của Nhà nước ra rạp, chỉ chiếu hạn chế lại bất ngờ được khán giả đón nhận nhiệt tình là điều hiếm thấy. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi lâu nay các phim đặt hàng ít khi được công chúng quan tâm. 

Phim đề tài chiến tranh - Đào, phở và piano - mang nhiều yếu tố lãng mạn đang gây sốt vé
Phim đề tài chiến tranh - Đào, phở và piano - mang nhiều yếu tố lãng mạn đang gây sốt vé

Tuy nhiên, nhìn vào “cơn sốt” Đào, phở và piano trên thị trường, sẽ chủ quan nếu cho rằng chất lượng là yếu tố quyết định. Quan sát thị trường phim tết, dễ thấy có nhiều yếu tố khác chi phối sức hút của Đào, phở và piano. Trước hết, đó là sự mới lạ. Lâu nay, tết là sân chơi độc quyền của những phim tư nhân, thương mại. Sự xuất hiện của một bộ phim nhà nước giữa vô số phim nội và ngoại cùng với việc chỉ chiếu ở 1 rạp tại Hà Nội là lý do khiến người xem tò mò.

Tựa phim Đào, phở và piano - những đặc trưng, tinh túy của Hà Nội xưa - đã đánh mạnh vào cảm xúc người Hà Nội trong những ngày xuân. Lợi thế tiếp theo là giá vé xem phim rẻ, chỉ từ 30.000-60.000 đồng so với các phim tết khác cả trăm ngàn đồng trở lên cũng giúp khán giả dễ tiếp cận phim hơn. Một yếu tố khách quan khác là thế hệ Z (sinh từ 1997-2012) - đối tượng chính đến rạp hiện nay - đang có xu hướng quan tâm hơn đến những vấn đề về lịch sử, phục dựng lịch sử. 

Tâm lý đám đông đang tạo ra hiệu ứng bùng nổ cho Đào, phở và piano hơn là chất lượng. Với những ai đã xem phim, dễ thấy tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn còn nặng tính minh họa, thoại “kịch”, bối cảnh phục dựng hạn hẹp, cách kể chuyện phi tuyến tính khá rối, kỹ xảo yếu, nữ chính diễn “đơ”. Nhưng phim có nét mới khi khắc họa chiến tranh ở một góc nhìn khác: lãng mạn hơn, ít bom đạn hơn. 

Trailer phim Đào, phở và piano :

 

Cần lối ra mới cho phim nhà nước đầu tư 

Trở lại với câu chuyện sốt vé của Đào, phở và piano, nếu đề xuất của Cục Điện ảnh được thông qua, đây sẽ là cơ hội để công chúng kiểm định chất lượng một tác phẩm đặt hàng. Lâu nay, phim nhà nước chỉ âm thầm ra rạp vào những ngày lễ, kỷ niệm và chiếu miễn phí. Không mấy người xem có hứng thú tiếp cận với những bộ phim “lễ lạt” kiểu này để biết hiệu quả đầu tư công ra sao. Lý do chính khiến dòng phim này ít phổ biến vì kinh phí quảng bá ít ỏi. Được biết, dự toán ngân sách quảng bá chi cho 4 tác phẩm đặt hàng năm 2022 (trong đó có Đào, phở và piano) chỉ có 500 triệu đồng. Số tiền này chẳng thấm vào đâu.

Cơn sốt của Đào, phở và piano cũng đang đặt ra vấn đề lâu nay chưa có trong quy định: khuyến khích tư nhân phát hành phim nhà nước. Hiện nay trên cả nước chỉ còn duy nhất cụm rạp nhà nước đang hoạt động là Trung tâm Chiếu phim quốc gia tại Hà Nội. Trong Nam, toàn bộ các cụm rạp lớn đều thuộc sự quản lý của tư nhân, nước ngoài, trong khi đây là thị trường chiếm phần lớn doanh thu của một bộ phim. 

Phm Đào, phở và piano
Phm Đào, phở và piano

Theo quy định hiện hành, doanh thu phát hành phim nhà nước sẽ nộp lại toàn bộ vào ngân sách. Điều này đồng nghĩa với việc phim nhà nước sẽ hoàn toàn không có cửa để được các rạp phim lớn nhận chiếu thương mại, cho dù phim đó được nhiều người xem quan tâm. Bấy lâu, các đơn vị làm phim có vốn nhà nước như hãng phim Giải Phóng, hãng phim Hội Điện ảnh TPHCM, khi có phim mới, cũng chỉ có được buổi chiếu ra mắt trong phạm vi nhỏ hẹp ở cụm rạp nhỏ như Cinestar, DCine, Mega GS chứ khó có được các suất chiếu thương mại tại các cụm rạp này.

Đào, phở và piano đang được khán giả truyền thông, quảng bá miễn phí. Lợi thế này không phải phim đặt hàng nào cũng có. Hơn lúc nào hết, Nhà nước không nên để phí một cơ hội như thế chỉ vì những điều chưa có trong quy định. Đích đến cuối cùng của một bộ phim phải là người xem. Đối với dòng phim tuyên truyền, người xem càng quan trọng, càng nhiều càng tốt, chứ không phải làm xong cất kho.

Trong bối cảnh rạp phim nhà nước bị thu hẹp, kinh phí truyền thông hạn chế, việc ban hành những quy định mới như thỏa thuận ăn chia phần trăm với các cụm rạp là rất cần thiết. Có được chính sách hợp tác win - win (cùng thắng), tin rằng phim đặt hàng của Nhà nước sẽ có đầu ra tốt hơn.

Nguyễn Ngọc 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI