Thấy gì từ “cơn lốc” hàng Trung Quốc giá siêu rẻ? - Bài cuối: Cần bảo vệ các nhà sản xuất trong nước

28/10/2024 - 08:07

PNO - Với cách thức hoạt động của một số sàn thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Shein, hàng Trung Quốc giá rẻ có thể đến tay người tiêu dùng Việt Nam và các nước mà không bị đánh thuế. Điều này tạo sức ép cạnh tranh dữ dội lên các nhà sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp Việt yếu thế, bất an

Ông Hồ Đình Viên - Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang xuất khẩu Veco - cho hay, sản phẩm của Veco đang có mặt ở khắp các trang thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram. Nhờ có các kênh bán hàng trực tuyến (online) này, doanh thu từ các đại lý, nhà phân phối (có cả nhà phân phối nước ngoài như Malaysia, Singapore) tăng đáng kể. Tuy nhiên, từ khi có các sàn TMĐT xuyên biên giới, hàng Trung Quốc đổ bộ bằng kênh trực tuyến lẫn trực tiếp, lượng hàng bán ra từ các kênh của Veco - nhất là từ các đại lý - đều sụt giảm.

Ông nêu ví dụ, bộ đồ thun cotton bé trai do doanh nghiệp (DN) Việt sản xuất có giá bán từ 150.000-250.000 đồng/bộ, nhưng giá trên các sàn TMĐT của Trung Quốc chỉ bằng phân nửa, lại được miễn phí vận chuyển. Ở Việt Nam, sản phẩm dành cho trẻ ở tuổi thiếu niên (12-16 tuổi) rất ít vì đây là nhóm trẻ lớn nhanh, người tiêu dùng ít chuộng nên nhà sản xuất ít hướng đến. Nhưng các DN Trung Quốc vẫn sản xuất hàng, hướng tới mọi nhóm tuổi, thay đổi mẫu mã liên tục.

Chính sách thâm nhập thị trường bằng giá rẻ của Temu đang gây lo ngại lớn cho các nhà sản xuất trong nước - ẢNH: THÀNH LÂM
Chính sách thâm nhập thị trường bằng giá rẻ của Temu đang gây lo ngại lớn cho các nhà sản xuất trong nước - ẢNH: THÀNH LÂM

Còn ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM, nhà sáng lập thương hiệu thời trang V-Sixtyfour - khẳng định, các mặt hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam sẽ tác động nhiều nhất đến người bán hàng nhỏ lẻ giá rẻ hoặc hàng không yêu cầu thương hiệu rõ ràng. Điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các DN nhỏ, đặc biệt là DN làm hàng ở phân khúc giá rẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng giám đốc Công ty Meet More - thừa nhận, Meet More và các DN nội địa khác đang gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc ngay trên sân nhà. Giá 1 hộp cà phê Meet More 85.000 đồng, cộng thêm phí vận chuyển, giá lên khoảng 105.000 đồng. Trong khi đó, hàng Trung Quốc rẻ hơn, lại miễn phí vận chuyển. Để cạnh tranh, DN Việt phải giảm giá, nhưng nếu giảm nhiều thì DN không có lợi nhuận.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Cao su, Nhựa TPHCM - các sản phẩm giá rẻ trên các sàn TMĐT xuyên biên giới chỉ có 3 dạng: bị lỗi, xuất khẩu thừa, không theo quy chuẩn sản xuất an toàn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của chúng làm xáo trộn kế hoạch sản xuất của các DN ngành giày, dép, hàng tiêu dùng.

Ông nói: “Có tình trạng nhà sản xuất trong nước nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc, sau đó dán nhãn thương hiệu Việt Nam và bán lại trên thị trường nội địa. Nhưng cách làm này cũng không hiệu quả bằng cách làm của các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu. Việc ngồi nhà mà vẫn mua được hàng quốc tế giá rẻ hơn 20 - 50% so với hàng trong nước, thời gian giao hàng chỉ vài ngày, miễn phí giao hàng và đổi trả khiến người tiêu dùng nào cũng thích. Cách thức mua bán mới này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trên nhiều lĩnh vực vốn đang gặp khó khăn do chi phí sản xuất cao”.

Đại diện một DN sản xuất hàng gia dụng ở TPHCM nhận xét, đang có sự quản lý không công bằng giữa hàng sản xuất trong nước với hàng giá rẻ từ nước ngoài thâm nhập qua các sàn TMĐT. Các DN trong nước muốn khuyến mãi trên 50% phải xin phép, muốn xuất khẩu thì phải chỉn chu về xuất xứ, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng, phải đóng thuế, phí, trong khi hàng giá rẻ từ Trung Quốc lại nhập cảnh dễ dàng, khiến tiểu thương, đại lý cũng chuyển sang bán hàng Trung Quốc. Với người tiêu dùng, sản phẩm nào rẻ thì ưu tiên mua, nhưng nguồn hàng giá rẻ từ nước ngoài về có chất lượng thấp và có thể chứa chất độc hại. Người tiêu dùng trong nước có thể dùng hàng vài lần rồi bỏ đi nhưng xã hội sẽ phải trả phí để xử lý nguồn rác thải rất lớn này.

Phải có biện pháp kiểm soát

Về việc hàng trên sàn TMĐT Temu có giá rẻ, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) - lý giải, Temu do tỉ phú Colin Huang điều hành với chiến lược tập trung bán hàng có giá cực rẻ. Họ sản xuất hàng với số lượng nhiều, dùng công nghệ làm lợi thế cạnh tranh, đưa hàng tấn công thị trường nhiều nước trên thế giới. Temu lấy hàng trực tiếp từ đơn vị sản xuất, áp dụng hệ thống công nghệ cao sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và quảng bá mạnh nhờ có nguồn vốn lớn.

Sự xuất hiện của Temu hay các sàn TMĐT xuyên biên giới khác chắc chắn sẽ tạo áp lực rất lớn cho hàng Việt. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, trước mắt, DN Việt Nam có thể dùng thế mạnh về chất lượng để cạnh tranh nhưng cũng phải thay đổi mẫu mã sản phẩm, chế độ bảo hành hoặc đổi trả hàng, duy trì chính sách hậu mãi.

Ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, đang có sự bất công rõ rệt trong môi trường TMĐT. Trong khi các DN nội địa phải chịu nhiều loại thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất) thì hàng hóa từ các nước về qua các sàn TMĐT xuyên biên giới lại được hưởng ưu đãi về thuế, thậm chí không phải nộp thuế khi bán hàng vào Việt Nam. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây bất lợi cho các DN trong nước, làm mất cân bằng thị trường. Để tạo môi trường cạnh tranh công bằng, ông đề nghị Chính phủ áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc được bán qua các sàn TMĐT nói chung.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - khẳng định, nếu không quản lý các sàn TMĐT xuyên biên giới, không lâu sau, Việt Nam sẽ trở thành nơi tiêu thụ 100% sản phẩm Trung Quốc, các DN Việt sẽ chết, công nhân sẽ thất nghiệp, phải ồ ạt xuất khẩu lao động. Ông cho rằng, nên xem xét thỏa thuận đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc để có thể kiểm soát các sàn TMĐT này. Phải đánh thuế hàng Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các sàn này, có biện pháp kiểm tra hành chính những mặt hàng trên các sàn này, thậm chí có thể cấm các sàn TMĐT của Trung Quốc nếu không tuân thủ quy định, nhằm bảo vệ DN và người tiêu dùng trong nước.

Indonesia yêu cầu chặn ứng dụng Temu trên Google, Apple

Dẫn thông tin từ Reuters, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao - cho hay, ngày 11/10, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu Alphabet - công ty quản lý Google và Apple - chặn ứng dụng TMĐT Temu của Trung Quốc trên những cửa hàng ứng dụng ở nước này. Theo giải thích của nhà chức trách Indonesia, động thái này nhằm bảo vệ các DN nhỏ và vừa trong nước trước làn sóng hàng có giá siêu rẻ của Temu tràn vào. Đến nay, Indonesia chưa ghi nhận có bất kỳ giao dịch nào của người dân nước này trên nền tảng Temu. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch yêu cầu cấm tương tự đối với ứng dụng mua sắm Shein của Trung Quốc.

Theo bà, đây không phải là lần đầu Chính phủ Indonesia có hành động cứng rắn với các nền tảng tới từ Trung Quốc. Năm 2023, họ đã buộc nền tảng mạng xã hội TikTok (thuộc sở hữu của ByteDance) phải ngừng dịch vụ TMĐT nhằm bảo vệ tiểu thương và dữ liệu người dùng trong nước. Không riêng Indonesia, theo báo chí Hàn Quốc, vào tháng 4/2024, Chính phủ Hàn Quốc đã cho điều tra về cách thức Temu và AliExpress thu thập, sử dụng dữ liệu người dùng do lo ngại về bảo mật thông tin.

Trước đó, vào tháng 4/2023, Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (USCC) đã công bố báo cáo chỉ trích Shein và Temu gây ra rủi ro về dữ liệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Báo cáo cho rằng, các nền tảng TMĐT từ Trung Quốc - bao gồm Temu - đã không tuân thủ đầy đủ quy định bảo mật dữ liệu, gây lo ngại về việc bảo vệ thông tin người dùng. Ngoài ra, những công ty liên quan các sàn trên còn bị cáo buộc lạm dụng lao động, khai thác kẽ hở thương mại.

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI