Thấy gì từ chuyện nghìn like, nghìn bình luận cho thiết kế ‘Bàn thờ’?

30/05/2019 - 17:26

PNO - Những tương tác của dư luận trên mạng xã hội về mẫu phác thảo "Bàn thờ" không thể hiện cho đồng thuận, yêu thích mà biểu trưng cho sự trào phúng, cảm xúc khôi hài về một hiện tượng văn hoá.

Đến hẹn lại lên, cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ năm nay lại nhận được quan tâm của dư luận bởi sự xuất hiện của nhiều ý tưởng từ độc đáo đến kỳ dị. Hiện, mẫu phác thảo Bàn thờ của tác giả Phạm Quang Minh đang gây xôn xao bởi những phản ứng trái chiều. 

Thay gi tu chuyen nghin like, nghin binh luan cho thiet ke ‘Ban tho’?
Mẫu phác thảo Bàn thờ gây xôn xao dư luận của Phạm Quang Minh.

Trên fanpage của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, tính đến chiều 29/5, mẫu phác thảo này đã nhận được gần 50 nghìn lượt bày tỏ cảm xúc, hơn 23 nghìn bình luận và hơn 10 nghìn lượt chia sẻ. Dưới góc nhìn của những nhân vật có ảnh hưởng và quan sát khá kỹ về truyền thông, những con số ấn tượng này biểu hiện cho điều gì từ dư luận?

MC Phan Anh: “Hiệu ứng đám đông đang làm tăng những tổn thương”

MC Phan Anh cho rằng nếu việc sáng tạo không làm tổn thương bất kỳ ai và không vi phạm những giá trị về văn hoá, đạo đức thì đáng được nhìn nhận một cách cởi mở. Việc dư luận phản ứng với mẫu phác thảo trên thông qua mạng xã hội là điều hiển nhiên đối với một tác phẩm có phần hơi kỳ lạ về ý tưởng. 

Ý tưởng của Phạm Quang Minh hay phản ứng từ dư luận cũng chỉ đơn thuần thể hiện sự đa dạng trong cuộc sống. Anh cũng đồng tình rằng, những lượt nhấn bày tỏ cảm xúc, bình luận này chỉ thể hiện ở mặt trào phúng chứ không phải sự ủng hộ.

Thay gi tu chuyen nghin like, nghin binh luan cho thiet ke ‘Ban tho’?
MC Phan Anh cho rằng việc dư luận bày tỏ cảm xúc, sự quan tâm với mẫu phác thảo Bàn thờ là hiển nhiên. Tuy nhiên theo anh, hàng loạt bình luận tiêu cực sẽ khiến tác giả bị tổn thương.

“Bản thân mẫu phác thảo đó không mang năng lượng tiêu cực nhưng chính cách nhìn, cách phản ứng của mọi người đã khiến mọi thứ trở nên tiêu cực hơn. Những bình luận, lời dè bỉu dành cho mẫu phác thảo trên biểu thị cho nhận thức của xã hội và mức độ văn minh đến đâu trong cách dư luận tiếp nhận vấn đề. Ngôn từ cay độc sinh ra hành động tiêu cực. Hiệu ứng đám đông cũng đang làm tăng những tổn thương. Chúng ta có quyền biểu thị cảm xúc thích hay không thích, nhưng đừng gây ra những tổn thương. Có thể chê nhưng đừng miệt thị”, Phan Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, Phan Anh cho rằng cũng từ trường hợp này, ban tổ chức (BTC) cuộc thi nên có định hướng xử lý cho phù hợp. Ngoài việc tham khảo ý kiến từ cộng đồng, dư luận thì sự thẩm định của giới chuyên môn cũng vô cùng quan trọng. Anh trấn an mọi người rằng những con số nhấn tương tác, bình luận, chia sẻ chưa đủ để giúp mẫu phác thảo này làm nên chuyện nếu không đảm bảo được tính thẩm mỹ, hợp lý.

MC Tùng Leo: “Nếu mẫu phác thảo này đi sâu vào vòng trong, dư luận cần nhìn về trách nhiệm của mình”

Những tương tác xã hội về mẫu phác thảo Bàn thờ phần lớn biểu thị cho sự hiếu kỳ, trào phúng của dư luận trước một hiện tượng văn hoá kỳ dị, MC Tùng Leo nhận xét.

Những phản ứng này cũng có thể khiến BTC trở nên rối rắm. Bởi theo quy định hiện nay, nếu người dùng Facebook nhấn "thích" fanpage Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và thể hiện tương tác với mẫu phác thảo trên thì đều được tính điểm. Vì thế, trong con số hàng chục nghìn được thống kê trên có không ít tài khoản đang góp phần đưa tác phẩm này đi sâu hơn vào vòng trong. 

Thay gi tu chuyen nghin like, nghin binh luan cho thiet ke ‘Ban tho’?
MC Tùng Leo cho rằng những lượt bày tỏ cảm xúc, bình luận, chia sẻ từ cộng đồng mạng có khả năng làm rối BTC. Hơn hết, việc thực hiện những thao tác không chủ đích đều có thể gây ra hậu quả.

Tùng Leo chia sẻ: “Tôi cũng trông chờ nếu phác thảo này vào vòng trong, BTC có can đảm cho thực hiện thành mẫu thật và đem đi thi không. Môi trường mạng cởi mở, chúng ta dễ dàng đưa ra những cú nhấn like, bình luận, chia sẻ nên nếu tác phẩm này đi sâu hơn thì đó không còn là trò đùa, là trào phúng mà là lúc trách nhiệm của cá nhân trên mạng xã hội cần được nhìn nhận. Đùa cợt vẫn có thể gây hậu quả về mặt văn hoá”.

Nam MC cho rằng BTC chia sẻ các mẫu phác thảo để trưng cầu dân ý là việc làm tích cực. Nhưng nếu hành động này nhắm đến việc gây chú ý bằng sự ồn ào thì đó không phải là thành công, mà vô tình khiến một sân chơi về văn hoá đáng được trân trọng bị đánh đồng với những hiện tượng xuống cấp khác trong thời gian qua.

Thuỵ Khuê 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI