Thấy gì từ 13 mạng người bị vùi lấp

19/11/2018 - 06:16

PNO - Với cơn áp thấp nhiệt đới này, chưa thành bão, mà đã có 13 nhân mạng bị vùi lấp, thì sẽ là bài học gì, kinh nghiệm nào trong công tác phòng, chống và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trước thiên tai, hiểm họa?

Cũng là tháng 11, năm rồi, những ngày tang tóc phủ trùm lên Ninh Hòa, Vạn Ninh, Nha Trang… sau 9 giờ cơn bão Damrey quét qua tỉnh Khánh Hòa, 27 người chết. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh thốt lên: “ngoài sức tưởng tượng”. Tỉnh Bình Định, có 10 người chết. Chủ tịch tỉnh Hồ Quốc Dũng gọi “đây là sự cố không ai lường trước được”. Mặc dù, trước đó, trong thư chia buồn gửi đến gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong cơn bão Linda 1997, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương không được chủ quan, tuyệt đối không để lặp lại thảm kịch Linda 20 năm trước. 

Thay gi tu 13 mang nguoi bi vui lap

Tháng 11 năm nay, bão lăm le đổ bộ nhưng sớm chuyển thành áp thấp nhiệt đới, những tưởng tai ương đã qua. Vậy mà, tại Khánh Hòa, một cơn mưa lớn kéo dài, chỉ trong 1 giờ đồng hồ hoành hành, khoảng từ 8-9g sáng 18/11, nhiều khu vực núi sạt lở, cây cối, đất đá đổ ập, chôn vùi nhiều nhà cửa. Đã có 13 người chết và mất tích (đến cuối giờ chiều 18/11). Trong đó, khu dân cư tự phát xóm Núi, ngay sau chùa Lâm Tỳ Ni, thuộc xã Phước Đồng, TP.Nha Trang là nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. 5 người chết, nhiều người bị thương và “số người bị vùi lấp chưa thể thống kê hết được nhưng theo thông báo thì rất nhiều” - theo lời thượng tá Trần Quốc Toản - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa. 

Thảm kịch Linda 1997 là do thiếu thông tin, chính quyền lẫn người dân đều chủ quan. Đến Damrey 2017 đã be bờ từ chỉ đạo đến công tác ứng phó thì lại là do “nhiều cấp chính quyền và người dân không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn” - theo lời Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài. Vả lại, theo lời ông tổng cục trưởng thì Nha Trang được bao bọc bởi dãy núi bao quanh vịnh, nhiều năm liền không có bão lớn. 

Vậy với cơn áp thấp nhiệt đới này, chưa thành bão, lại càng không phải là bão lớn, mà đã có 13 nhân mạng bị vùi lấp, thì sẽ là bài học gì, kinh nghiệm nào trong công tác phòng, chống và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trước thiên tai, hiểm họa? 

Ngày 10/10 vừa qua, UBND xã Phước Đồng đã tiến hành cưỡng chế một ngôi nhà xây dựng trái phép tại xóm Núi. Theo báo cáo của UBND xã thì tại 4 thôn Phước Điền, Phước Lợi, Thành Phát, Thành Đạt đã có 471 hộ làm nhà trái phép. Ngay trên khu vực đất quy hoạch, nhiều hộ dân vẫn xây cất, sang nhượng, mua bán tưng bừng. Các chiêu trò lén xây nhà trong đêm, quây tôn che kín để xây, ban ngành chức năng đến lập biên bản thì chủ đầu tư… trốn, gửi giấy mời thì chủ đầu tư không tới. Theo tinh thần Nghị định 139 được Chính phủ ban hành năm 2017, xã chỉ lập biên bản vi phạm, báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh, thành giải quyết. 

Một mảng cây rừng đã bị đốn hạ, một phần diện tích sườn đồi đã bị băm xẻ, nhà cửa tự xây tự sang tự cấp đã ngang nhiên mọc lên. Trong khi, theo lời ông Đặng Lợi, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, thì “mới đây, UBND TP.Nha Trang đã tổ chức họp lấy ý kiến lãnh đạo xã, phường để lập quy trình, thống nhất các bước xử lý công trình vi phạm”. 

Và sáng 18/11, không chờ cái quy trình xử lý kia kịp hoàn thiện, ban hành, hay nói đúng hơn, khi trách nhiệm quản lý, nhiệm vụ điều hành của bộ máy công quyền địa phương không hoàn thành, buông lỏng quản lý, mất khả năng kiểm soát thực tế địa bàn, dung túng cho hiện tượng xây cất, mua bán trái phép đã dẫn tới hậu họa mà chính con người gieo rắc cho con người. 

Đừng đổ cho mưa, càng không thể vấy cho lũ, chỉ có sự vô cảm đục khoét đất đá núi đồi mà lạm dụng, mà vụ lợi, mà bất chấp; để khi thảm họa xảy ra, thì cũng đừng ngửa mặt mà kêu trời rằng “không thể tưởng tượng nổi”. Bởi không cần tưởng tượng, ngay trước mắt đó thôi là sự xâm lấn đất rừng, xâm phạm cây cối, xâm hại môi trường mà không một ai mảy may ngăn chặn, quyết liệt xử lý dứt điểm.

Đâu chỉ ven biển, sườn đồi, sai phạm lén lút, lẩn khuất; ngay tại phố thị tấp nập, giữa những bảng hiệu tiếng Tàu chớp nháy trùng vây mà ông phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang, Nguyễn Sỹ Khánh còn mắt tròn mắt dẹt bảo rằng: “Tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy, vì thành phố kiểm tra liên tục…”. Họa chăng, những bảng hiệu xanh đỏ tiếng nước ngoài, những ngôi nhà xây cất, mua bán trái phép cứ thoắt ẩn thoắt hiện; còn các vị lãnh đạo thì khắc xuất khắc nhập để chỉ đến khi hậu họa ập tới thì mới “sốt ruột” kêu lên “ngoài sức tưởng tượng” hay “không ai lường trước”… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI