Thấy gì qua kết quả thi lớp Mười?

29/07/2020 - 07:42

PNO - Khó có thể nhận định một cách chính xác về chất lượng dạy và học thông qua kết quả một kỳ thi tuyển sinh. Tuy nhiên, điểm số cũng sẽ phần nào phản ánh một số vấn đề mà chúng ta cần nhìn nhận xung quanh quá trình dạy - học, thi cử.

Sáng 27/7, tổng kết hội đồng chấm thi tuyển sinh lớp Mười năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM cho biết hơn 48,63% thí sinh đạt điểm dưới 5 môn toán. Năm nay, có hơn 81.600 thí sinh dự thi. Môn này cũng có 185 thí sinh bị điểm 0; 408 em đạt điểm 10. Môn văn có 94,24% thí sinh đạt điểm trên trung bình, không có thí sinh nào đạt điểm 10. Môn tiếng Anh có 50,73% đạt điểm trung bình trở lên. Môn này có 4 thí sinh bị điểm 0, 118 em đạt điểm 10.

Thí sinh dự thi lớp Mười tại TP.HCM trao đổi bài trước giờ thi - Ảnh: Tam Nguyên
Thí sinh dự thi lớp Mười tại TP.HCM trao đổi bài trước giờ thi - Ảnh: Tam Nguyên

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, đề thi bám sát chỉ đạo chuyên môn, không kiểm tra máy móc, thay vào đó kiểm tra khả năng hiểu, vận dụng kiến thức vào thực tế. Tuy nhiên, đề thi khó là nhận định chung của nhiều giáo viên (GV) toán khi nói về kết quả kỳ thi năm nay. Toàn bộ đề thi chỉ có 5 điểm rưỡi là nội dung sách giáo khoa (SGK), trong đó câu hình học cuối cùng tương đối khó. Do đó, nếu học sinh (HS) học hết trong SGK cũng chỉ có thể đạt 5 điểm. Số điểm còn lại là bài toán ứng dụng thực tế thì hầu như SGK không có, cũng không có tài liệu hướng dẫn nào mang tính chính thống từ sở. 

Thêm một khó khăn nữa là năm nay, HS nghỉ học dài vì dịch COVID-19. Khi quay lại trường, chương trình bắt buộc phải cắt giảm theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT để đảm bảo thời gian kết thúc năm học. Do đó, GV chủ yếu hoàn thành chương trình còn lại mà không đủ thời gian ôn tập cho HS. Nghỉ dài, giảm tải kiến thức khiến HS gián đoạn trong việc tiếp thu và hệ thống kiến thức.

Trong khi đó, theo nhận định của thầy Lâm Vũ Công Chính, GV toán Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), “đề thi năm nay dường như không giảm nhẹ nội dung mà còn khó ở cách đặt câu hỏi lắt léo, bắt buộc thí sinh phải có kỹ năng phân tích đề, hiểu đề thi thì mới có thể tìm được hướng giải”.

Về lý, nhiệm vụ của GV đã truyền tải hết kiến thức SGK, việc trang bị cho mình kiến thức liên quan đến bài toán thực tế trong một kỳ thi tuyển sinh là trách nhiệm của HS. Với một kỳ thi mang tính chất là tuyển chứ không phải là thi học kỳ để đánh giá như kỳ thi vào lớp Mười, thì việc ra đề khó để phân loại thí sinh cũng là điều có thể hiểu được.

“Nhưng đôi khi, HS không làm bài được thì bản thân sẽ mất niềm tin vào việc học, phụ huynh sẽ đánh mất niềm tin vào GV. Đó là một vấn đề mà chúng ta cần nghĩ đến trong việc ra đề”, thầy Chính trăn trở.

Trong khi đó, phổ điểm môn ngữ văn dường như có sắc thái trái ngược. Theo thầy Hoàng Văn Đồng, GV ngữ văn Trường THCS Linh Đông (Q.Thủ Đức), điểm thi văn khả quan vì ngữ liệu đề thi mang tính thời sự và nhận được nhiều sự quan tâm của hầu hết HS. Hơn nữa, sự lựa chọn thoải mái từ đề bài phần nào giúp HS phát huy được năng lực cảm thụ của mình.

Đồng tình với quan điểm này, thầy Trần Xuân Tiến, GV một trường THCS ở Q.4, cho biết nhiều GV đã dự liệu phổ điểm môn văn năm nay sẽ cao ngay từ khi đọc đề thi. Dù đề thi sáng tạo theo một trục chủ đề “lắng nghe” nhưng ngữ liệu về dịch COVID-19 đã được phần đông GV và HS nghĩ đến. Trong khi đó, vấn đề “lắng nghe” cũng khá gần gũi, dễ cảm, nhất là khi bản thân HS từng trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội.

“Đề thi liên kết ba tác phẩm vào mạch chủ đề lắng nghe; song lại giúp HS dễ ghi điểm khi có thể chọn một trong ba thông điệp để phân tích. Có nghĩa là người ra đề thi đã mở rộng khả năng để HS có thể làm bài tốt”, thầy Tiến chia sẻ.

Tuy nhiên, bấy nhiêu cũng chưa đủ để nói về kết quả khả quan của môn ngữ văn trong kỳ thi năm nay. Từ đề thi, có thể thấy trong vài năm nay, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác, đã có xu hướng ra đề thi có ngữ liệu là các văn bản ngoài SGK.

Xu hướng đó buộc GV thay đổi cách dạy cho HS theo hướng nắm vững chủ điểm kiến thức, phát triển tư duy, vận động kỹ năng đọc hiểu, thay vì thuộc lòng phân tích văn bản như trước đây. Điều này đòi hỏi trong quá trình giảng dạy, GV phải chú trọng rèn luyện cho HS kỹ năng làm bài, nhận biết kiến thức, thay vì học vẹt các văn bản đã có. 

Thu Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI