Thay đổi tư duy là rào cản lớn nhất khi chuyển đổi số giáo dục

29/01/2023 - 16:25

PNO - Năm 2023, TPHCM đặt mục tiêu xây dựng môi trường học tập số áp dụng trí tuệ nhân tạo để định hướng hoạt động học tập của học sinh. Dù vậy, nhiều nhà quản lý giáo dục nhận định, việc thay đổi tư duy, nhận thức vẫn là khó khăn lớn nhất khi thực hiện chuyển đổi số giáo dục.

Chuyển đổi số là... tăng thêm việc?

Năm học 2022-2023, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) xây dựng kế hoạch đưa 15-20% nội dung chương trình giáo dục lên môi trường internet theo hình thức trực tuyến. Trong đó, nội dung tham khảo, tìm hiểu trước nội dung bài học; giao bài tập về nhà; củng cố nội dung bài học được lên hệ thống LMS để tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu, mở rộng thêm kiến thức bài học của học sinh, hướng học sinh đến việc sử dụng internet một cách thông minh.

Sau một học kỳ triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số một cách đồng bộ ở các môn học, các khối lớp, cô Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận, tỷ lệ % nội dung chương trình giáo dục đưa lên trực tuyến vẫn đang đảm bảo mục tiêu đặt ra song cái khó nhất vẫn đang là thay đổi tâm thức, tư duy của đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Chuyển đổi số giáo dục tại TPHCM vẫn còn gặp nhiều rào cản
Chuyển đổi số giáo dục tại TPHCM vẫn còn gặp nhiều "rào cản"

"Thời gian đầu triển khai vẫn còn một số giáo viên e ngại khi cho rằng chuyển đổi số đang tạo ra thêm việc, tạo thêm áp lực cho thầy cô. Một bộ phận phụ huynh học sinh vẫn còn nhận thức rằng chuyển đổi số bằng cách đưa nội dung chương trình giáo dục lên LMS đang tạo ra thêm áp lực bài vở, áp lực học tập cho học sinh. Thậm chí ban đầu còn một số phụ huynh thắc mắc rằng sao đi học trực tiếp rồi mà vẫn triển khai dạy học trên internet. Hiện nay, dù đã thực hiện lộ trình chuyển đổi số được một học kỳ nhưng nhà trường vẫn liên tục tập huấn, bồi dưỡng năng lực, động viên cho đội ngũ đồng thời tuyên truyền cho phụ huyh, học sinh hiểu và đồng hành" - cô Nguyễn Đoan Trang chia sẻ.

Trên thực tế, chuyển đổi số giáo dục là chìa khóa được TPHCM áp dụng thành công trong suốt 2 năm dịch COVID-19, đặc biệt là năm học 2021-2022 khi toàn ngành phải triển khai dạy và học trực tuyến trong suốt học kỳ 1 để phòng chống dịch. Tuy nhiên, chính trong 2 năm triển khai thành công đó, quay trở lại với việc dạy và học trực tiếp, nhiều giáo viên đã lầm tưởng chuyển đổi số với việc sử dụng các công cụ công nghệ thông tin, phần mềm, lệ thuộc vào trang thiết bị. Không ít giáo viên cho rằng chuyển đổi số đang tạo ra thêm những công việc không tên cho giáo viên chứ không phải giảm nhẹ gánh nặng.

"Rào cản lớn nhất khi thực hiện chuyển đổi số giáo dục một cách đồng bộ như mục tiêu mà ngành giáo dục thành phố đặt ra không đến từ yếu tố công nghệ hay trang thiết bị dạy học mà trên hết xuất phát từ yếu tố con người. Đó là tư duy, nhìn nhận của đội ngũ cũng như nhận thức của phụ huynh, học sinh. Chỉ khi thay đổi được các yếu tố này, coi chuyển đổi số là điều tất yếu, coi việc dạy và học kết hợp trong môi trường trực tiếp và môi trường số là điều song hành để tăng hiệu quả giáo dục thì mục tiêu chuyển đổi số mới thành công"- cô Nguyễn Thị Thu Hằng- Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức) nhìn nhận.

Gian nan đả thông tư tưởng giáo viên, phụ huynh

Từng là đơn vị gặp nhiều "lùm xùm" với phụ huynh khi đưa mục tiêu dạy và học trên internet trong năm học trên hệ thống LMS, hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tân Phú cho hay, để đưa chuyển đổi số giáo dục trở nên đồng bộ trong bối cảnh hiện nay thì trước hết cần "thông" tư tưởng cho đội ngũ và phụ huynh, học sinh.

"Đầu năm khi nhà trường xây dựng kế hoạch đưa 20% nội dung chương trình giáo dục lên hệ thống LMS như mục tiêu Sở GD-ĐT TPHCM đặt ra đã gặp phải phản ứng của nhiều thầy cô. Nhiều thầy cô sợ phải livestream như dạy học trực tuyến trong mùa dịch, sợ sẽ phải thiết kế, học thêm các phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến sẽ tăng thêm nhiều đầu việc khi dạy và học. Còn phụ huynh thì cho rằng nhà trường đang "vẽ" ra để thu thêm phí. Do vậy, để đưa được chuyển đổi số một cách đồng bộ như mục tiêu đặt ra, trước hết nhà trường làm công tác tư tưởng, thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ và cả phụ huynh học sinh để có sự đồng thuận cao nhất"- vị này đánh giá.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận trong lộ trình chuyển đổi số giáo dục được ngành giáo dục thực hiện khó khăn lớn nhất là thay đổi tư duy từ những người trong ngành giáo dục, sự thấu hiểu, ủng hộ của xã hội, của doanh nghiệp và của phụ huynh học sinh. Vẫn còn một số nơi thực hiện việc chuyển đổi số một cách cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tế công tác dẫn tới tình trạng tạo thêm việc cho giáo viên. Giáo viên còn ngộ nhận cho rằng học trực tuyến là mở một phòng hội thoại trên các hệ thống họp trực tuyến và tất cả giáo viên, học sinh cùng vào phòng hội thoại đó cùng lúc.

Thay đổi nhận thức, tư duy của đội ngũ và phụ huynh, học sinh để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số đồng bộ
Thay đổi nhận thức, tư duy của đội ngũ và phụ huynh, học sinh để chuyển đổi số đồng bộ

"Năm 2023, TPHCM sẽ đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thực, nghiệp vụ về chuyển đổi số cho đội ngũ; tăng cường tuyên truyền để phụ huynh, học sinh hiểu rõ về tính thực chất của chuyển đổi số giáo dục; tạo ra nhiều cuộc thi, hội thi, sân chơi trong lĩnh vực này để các thầy cô thể hiện năng lực, khả năng sáng tạo. Trong năm, ngành hướng tới xây dựng môi trường học tập số áp dụng trí tuệ nhân tạo để định hướng hoạt động học tập của học sinh với nguồn học liệu số phong phú"- ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI