Thay đổi thói quen đọc sách quá chậm nhưng chưa trễ là một phần trong nhiều trăn trở của ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM mà báo Phụ Nữ TP.HCM có dịp trò chuyện.
Phóng viên: Nhiều năm qua, chúng ta không thiếu những hội thảo, toạ đàm bàn về văn hoá đọc và sức đọc của người Việt nhưng tình hình vẫn không cải thiện, nguyên nhân vì đâu, thưa ông?
- Ông Lê Hoàng: Nếu nói xung quanh vấn đề văn hoá đọc, mọi người đều dễ dàng thống nhất với nhau sức đọc, văn hoá đọc của người Việt Nam rất thấp. Điều đó thể hiện qua số liệu thống kê như chúng ta đã biết, khoảng 1 đầu sách/người/năm.
Tuy nhiên, về giải pháp để nâng cao sức đọc, phát triển văn hoá đọc có nhiều vấn đề cần nhận định lại. Từ việc đi tìm lý do tại sao văn hoá đọc không phát triển, người ta không đi vào nguyên nhân căn cốt, bản chất của vấn đề để giải quyết mà đang đi ngoài rìa. Có thể, vì họ không thấy, hoặc thấy nhưng không giải quyết rốt ráo, căn bản.
* Vậy nguyên nhân căn cốt mà ông nói, cụ thể là gì?
- Đó là do người Việt chúng ta không có thói quen đọc sách. Tại sao lại có tình trạng này? Vì người Việt không được hình thành thói quen đọc sách từ tuổi thơ. Trẻ muốn có thói quen đọc sách phải được tạo dựng, lặp đi lặp lại thường xuyên với sự giúp đỡ của bố mẹ và nhà trường.
|
Những quầy sách được bày bán linh động tại Đường sách Nguyễn Văn Bình. |
* Nguyên nhân dễ tìm nhưng giải pháp không có hoặc có nhưng không hiệu quả, phải chăng, chính cơ quan chức năng liên quan vẫn đang đứng ngoài vòng trách nhiệm?
- Đảng có những chủ trương đúng đắn. Ví dụ, Chỉ thị 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2010, đạt 6 bản sách/người/năm nhưng tới bây giờ là 10 năm sau vẫn chưa thực hiện được. Hay Quyết định 329/QĐ-TTg của Phó thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam ký năm 2017 về Đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đề ra mục tiêu 85% người dân được tiếp cận với sách và trong số đó, 90% sinh viên phải tiếp cận và sử dụng tốt thư viện, nhưng từ thực tế người tiếp cận thư viện hiện nay với mục tiêu trên quả là quá xa vời!
Nhà nước đưa ra chủ trương đòi hỏi mọi cấp tập trung thực hiện, thúc đẩy văn hoá đọc. Nhưng, đến khi hình thành giải pháp thì có nhiều giải pháp lại mang tính phong trào ví dụ như Hội sách tổ chức các nơi, các cuộc thi Lớn lên cùng sách, thi Kể chuyện sách... xuân thu nhị kỳ, hợp rồi lại tan. Tất cả những điều này đều tốt nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ.
* Để nâng cao sức đọc, phải đi từ đâu, thưa ông?
- Muốn nâng cao sức đọc cho cộng đồng phải tạo thói quen đọc sách cho trẻ từ bé, mà trách nhiệm này thuộc về gia đình và nhà trường. Ở đây, tôi cho rằng vai trò của nhà trường là đầu tiên và quan trọng hơn cả.
Tại các nước phát triển hay ngay trong khu vực châu Á, Đông Nam Á như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia... người dân ở đó có nền văn hoá đọc cao, số đầu sách trên đầu người có nơi lên tới trên 10 đầu sách/người/năm là bởi vì ở những quốc gia này, việc đọc sách là quy định bắt buộc, được áp dụng trong khung giờ chính thức của chương trình giảng dạy tại nhà trường.
|
Ông Lê Hoàng, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM trong sự kiện kỷ niệm 3 năm thành lập Đường sách. |
Còn tại Việt Nam ta thì tới giờ này vẫn chưa thực hiện được. Ở một số trường có giờ đọc sách buổi sáng đầu ngày, tiết đọc sách, giờ đọc sách trong tiết học văn, hay tiết tự học... tất cả những cách làm kể trên đều là sự vận dụng sáng tạo chứ không có văn bản chỉ đạo cụ thể. Nhiều người nói vui rằng việc này giống như cuộc “xé rào” dễ thương để học trò được đọc sách trong trường.
* Trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?
- Trách nhiệm thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Trong chương trình mới vừa ban hành không có tiết đọc sách. Khi mà chương trình không định khung thời gian cho đọc, nhà trường sẽ không có/không sắp xếp thời gian chính thức để triển khai hoạt động đọc sách cho học sinh được.
Ngay trong buổi toạ đàm Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ? ngày 19/4/2019 tại TP.HCM, tất cả đều thống nhất kiến nghị Bộ GD&ĐT phải có tiết đọc sách trong nhà trường, thậm chí phải đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính thức của chương trình giảng dạy.
|
Sự kiện của Trường THCS Hồng Bàng tổ chức tại Đường sách Nguyễn Văn Bình. |
* Liệu có quá muộn để bắt đầu mọi thứ, như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trăn trở mới đây về việc đến bây giờ mới lo nâng cao văn hoá đọc?
- Nó muộn với những thế hệ đã lớn lên, đúng là muộn thật! Vì như ý kiến của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thời điểm vài ba tuổi trở lên mà không tập thói quen đọc sách cho trẻ thì đến lúc 14, 15 tuổi giúi cho nó cuốn sách thì vô phương, không khác nào người muốn đổi chuyến khi máy bay đang bay.
Tuy nhiên, nếu có biện pháp nâng cao văn hoá đọc cho lớp trẻ thơ hiện nay thì sẽ không trễ. Ngay từ bây giờ, nếu chúng ta kiến nghị và được Bộ GD&ĐT chấp thuận đưa tiết đọc sách thường xuyên vào khung giờ chính thức của chương trình giảng dạy thì đó là bước đầu khẳng định, chúng ta vẫn còn kịp.
* Đâu là việc cần làm sau tọa đàm để sự kiện vừa tổ chức không phải ngày hội chỉ có lý thuyết mà không thực hành, thưa ông?
- Như kết luận của Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM- ông Từ Lương từ toạ đàm Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?, đó là chúng ta phải đưa tiết đọc sách, giờ đọc sách vào hệ thống chương trình giáo dục; khuyến khích điểm cộng bổ sung tiêu chí liên quan đến văn hóa đọc vào Tiêu chuẩn xét tặng "Gia đình văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa". Cụ thể tuyên dương cho việc hình thành, xây dựng "Tủ sách gia đình", "Tủ sách khu phố" nhằm nâng cao hơn nữa vai trò quan trọng của văn hóa gia đình từ việc hình thành thói quen đọc sách ngay trong môi trường gia đình; phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, tiến tới xây dựng thư viện đạt chuẩn, thân thiện.
Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, truyền tải thông điệp đến toàn xã hội, cơ quan chính quyền, đơn vị ngành văn hoá, giáo dục, các bậc phụ huynh... về tầm quan trọng của văn hoá đọc.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ.
Diễm Mi (thực hiện)