Thay đổi thi cử đánh giá để 'thúc' giáo viên, học sinh thôi thụ động

31/08/2017 - 08:48

PNO - Năm học 2017-2018, học sinh (HS) bậc trung học tại TP.HCM phải đón nhận nhiều thay đổi trong phương pháp kiểm tra đánh giá.

Báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Tiến - Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM - xung quanh vấn đề này.

* TP sẽ đổi mới cách kiểm tra đánh giá HS theo hướng nào, thưa ông?

- Thi vào lớp 10 là một kỳ thi quan trọng, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ giảm các câu hỏi hàn lâm quen thuộc và tăng tối đa các câu hỏi ứng dụng, tích hợp nhiều môn trong cùng một bài thi để hạn chế học trò cuối cấp chỉ tập trung ba môn thi và “buông” các môn “phụ”.

Thay doi thi cu danh gia de 'thuc' giao vien, hoc sinh thoi thu dong
 

Chẳng hạn, môn văn trước nay chỉ khu trú trong các văn bản xã hội, văn học thì nay có thể là một văn bản bất kỳ; văn bản đó có thể bao hàm kiến thức của sử, địa, hóa, sinh...  HS không chỉ có kiến thức về ngôn ngữ mà phải có các kiến thức của những lĩnh vực khác để có thể hiểu được ý nghĩa của văn bản.

Môn toán sẽ đổi mới nhiều nhất. Cụ thể, đề thi chỉ còn khoảng 50% số câu hỏi thuộc dạng hiểu và vận dụng thấp, 30% số câu hỏi thuộc dạng tích hợp kiến thức các môn khác (nôm na là đề thi môn toán không chỉ hỏi về toán, mà còn có nội dung của các môn học khác như lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân), còn lại sẽ là những câu hỏi thuộc dạng vận dụng cao.

Ngoài kỳ thi lớp 10, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ ở bậc trung học và các kỳ thi khác cấp TP như thi HS giỏi cũng có nhiều thay đổi theo nguyên tắc đánh giá năng lực HS theo quá trình. Các bài kiểm tra trên lớp phải tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, liên hệ với việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống…

* Chỉ e sự thay đổi này gây bất ngờ cho người dạy, người học vì chương trình học vẫn y như cũ?

- Không gây bất ngờ vì chúng tôi không thay đổi toàn bộ một cách đột ngột. Giáo dục là quá trình. Chủ trương đổi mới cách kiểm tra đánh giá người học vốn phải được thay đổi dần từng năm. Đầu tiên vẫn là kiểm tra kiến thức nhưng thay đổi cách hỏi từ thuộc lòng sang hiểu; năm tiếp theo tăng lên cấp độ kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức…

Nói tích hợp liên môn, tăng câu hỏi ứng dụng không có nghĩa là làm phức tạp hơn mà thực chất là làm nhẹ hơn cho HS. Các kiến thức tính toán phức tạp, hàn lâm sẽ giảm đi, việc kiểm tra kiến thức nhờ đó cũng nhẹ hơn. Môn toán tích hợp thêm các môn khoa học cũng không phải gì ghê gớm, đó là những kiến thức cơ bản của các môn lý, hóa, sinh…mà các em cần biết trong cuộc sống.

Việc thay đổi cách kiểm tra người học ít nhiều cũng “thúc” thầy cô và HS phải thay đổi cách dạy và học. Trước nay, đổi mới phương pháp dạy học có diễn ra nhưng còn lẻ tẻ, nhưng nếu cách đánh giá khác đi thì người dạy lẫn người học không thể đủng đỉnh, thụ động, mà buộc phải thay đổi để thích nghi.

* Đó là cách nghĩ của nhà quản lý, nhưng chắc chắn người thực hiện là thầy cô và HS sẽ không tránh khỏi cảm thấy khó khăn?

- Tất nhiên, thầy cô và HS sẽ có ý kiến vì chưa quen với nếp mới. Nhưng ngành sẽ hướng dẫn, tập huấn cẩn thận trong cả năm học này. Hơn nữa, chúng tôi không đổi toàn bộ trong một lần, mà chia nhỏ ra từng năm để thầy trò thích nghi.

Mục tiêu của ngành GD-ĐT TP là cố gắng tìm biện pháp đem lại hiệu quả trong giáo dục, giúp HS năng động và tiếp cận được với thực tế. Nếu các em vẫn học hàn lâm ra đời sẽ thụ động, không đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh gay gắt của cuộc sống. Do vậy, tuy gặp khó khăn bước đầu nhưng vì hiệu quả lâu dài thì vẫn phải thay đổi dần.

* Xin cảm ơn ông. 

(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI