Thay đổi tập quán canh tác để sầu riêng vươn xa

26/04/2025 - 13:12

PNO - Đã trồng nhiều loài cây ăn trái nhiều năm nhưng gần đây, ông Huỳnh Hữu Thọ - ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - mới lấy mẫu đất đi xét nghiệm dư lượng chất cadimi.

Theo ông, nông dân ở đây lâu nay trồng cây ăn trái theo dạng hộ gia đình, chưa liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, việc sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống.

Tới đợt cần bón phân, phun thuốc thì nông dân ra cửa hàng vật tư nông nghiệp mua về dùng, tới kỳ thu hoạch thì bán cho thương lái chứ không nghĩ gì tới nguy cơ nhiễm cadimi, kim loại nặng.

Ông nói: “Hiện nay, giá sầu riêng giảm mạnh, sức tiêu thụ chậm do xuất khẩu khó khăn. Tôi lấy mẫu đất đi xét nghiệm cadimi để có cơ sở cung cấp cho thương lái khi họ đến vườn thu mua trong tháng tới”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Trần Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vườn cây ăn trái Trường Khương A, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ - cũng vừa lấy mẫu đất đi kiểm nghiệm cadimi và lấy mẫu trái sầu riêng để kiểm nghiệm chất vàng 0.

Sau 2 ngày chờ đợi, phía Trung tâm Kiểm định chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 6 (TP Cần Thơ) cho hay, các mẫu đều đạt yêu cầu. Ban giám đốc HTX cũng yêu cầu các xã viên chủ động lấy mẫu kiểm nghiệm chất cadimi và chất vàng 0 theo quy định của nhà nhập khẩu (Trung Quốc) để tiêu thụ thuận lợi hơn. Ban giám đốc HTX cũng yêu cầu xã viên sản xuất theo quy trình an toàn, tránh để tồn dư các chất có hại.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, sở hoan nghênh việc từng HTX, tổ hợp tác và nông dân chủ động kiểm tra đất xem có bị nhiễm cadimi hay không để có phương án xử lý kịp thời. Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị khuyến nông hướng dẫn cho các HTX và nông dân quy trình canh tác an toàn, kiểm soát tốt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ.

Nông dân Nguyễn Văn Nhường - thành viên HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A - nhận xét, nếu mạnh ai nấy trồng thì chất lượng trái không thể đồng đều, khó xuất khẩu. Mấy năm gần đây, HTX đứng ra cung ứng giống, phân, thuốc, ghi chép chi tiết loại vật tư, số lượng, thời gian dùng, đồng thời đồng bộ hóa hoạt động tưới nước, làm đất. Do đó, khi đến kỳ thu hoạch, chất lượng trái rất đồng đều.

Bà Nguyễn Thị Thinh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - cho hay, rất ít HTX đứng ra đảm nhận toàn bộ vật tư cho các thành viên bởi gặp khó về nguồn vốn. Bình quân 1ha sầu riêng cần kinh phí đầu tư mỗi vụ khoảng 150 triệu đồng.

HTX Tân Phú có hơn 200ha nên tổng kinh phí đầu tư lớn. Do đó, đến nay HTX Tân Phú chưa liên kết được với các công ty phân bón hay đại lý lớn để cung ứng vật tư trọn gói; đến kỳ thu hoạch thì từng thành viên tự bán sầu riêng cho doanh nghiệp và thương lái chứ chưa có ai bao tiêu.

“Đây là những hạn chế trong sản xuất và xuất khẩu sầu riêng mà nhiều nơi đang vướng” - bà thừa nhận.

Theo bà, để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, nhất thiết phải tổ chức lại việc sản xuất cho bài bản, giảm tình trạng trồng nhỏ lẻ, hướng tới quy hoạch vùng trồng tập trung, có sự liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng vật tư, doanh nghiệp tiêu thụ với các HTX từ đầu vào (giống, phân, thuốc) đến đầu ra (trái sầu riêng). Có kiểm soát chặt quy trình trồng, sầu riêng mới đảm bảo an toàn để xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Mặc dù nông dân, các HTX và doanh nghiệp chủ động lấy mẫu xét nghiệm theo các tiêu chuẩn để xuất khẩu nhưng do khi vào mùa thu hoạch, doanh nghiệp và thương lái phải thu gom sầu riêng từ nhiều nhà vườn cho đủ số lượng nên chất lượng trái không đồng đều.

Sau khi gom đủ hàng, doanh nghiệp chỉ lấy mẫu nhất định để kiểm nghiệm cadimi và chất vàng 0. Do đó, dù lô hàng được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn nhưng khi đưa tới cửa khẩu, lực lượng chức năng phía nhập khẩu lấy mẫu kiểm lại, nếu trúng những mẫu không đạt chuẩn thì lô hàng buộc phải quay đầu trở về.

Đây là vấn đề nan giải, gây đau đầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI