Thay đổi quy định về kỷ luật học sinh: "Tạm dừng học tập" thay "đuổi học"

07/09/2020 - 16:53

PNO - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông.

Điểm mới của dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh là có bổ sung thêm các biện pháp kỷ luật tích cực so với Thông tư 08/TT của Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 1988, được xem đã quá lỗi thời.

Cụ thể, Điều 9 của dự thảo Thông tư quy định giáo viên thu thập các thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm.

Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp dưới đây để giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh như: khuyên bảo động viên, phê bình riêng, phối hợp với cha mẹ để cùng thực hiện các kế hoạch giáo dục, tư vấn tâm lý cho học sinh.

Dự thảo thông tư mới cũng yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều đáng chú ý là mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường theo dự thảo thông tư mới là “tạm dừng học tập trên lớp”, thay thế cho cụm từ “đuổi học” trong quy định hiện hành.

Dự thảo thông tư mới nêu: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm”.

Mức độ kỷ luật “tạm dừng học tập” áp dụng đối với những trường hợp học sinh đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng không sửa chữa, tái phạm hoặc vi phạm thêm những khuyết điểm khác trong khoảng thời gian 1 học kỳ.

Ngoài ra, còn buộc phải tạm dừng học tập với học sinh vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như: đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác của nhà trường hoặc có những hành vi vi phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa đến mức bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu như trong quy định hiện hành giao cho “gia đình học sinh có trách nhiệm quản lý và giáo dục con cái trong thời gian học sinh bị đuổi học”, thì dự thảo quy định mới đưa ra nhiều biện pháp linh hoạt hơn.

Ví dụ, trong thời gian tạm dừng học tập trên lớp, học sinh có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên được phân công và gia đình học sinh…

Hết thời hạn tạm dừng học tập trên lớp, học sinh phải giải trình về kết quả rèn luyện của bản thân trong thời gian bị kỷ luật và đề xuất kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện của bản thân trong thời gian tới, có xác nhận và cam kết của gia đình học sinh. Hiệu trưởng nhà trường xem xét và quyết định cho học sinh tiếp tục học tập trên lớp.

Trong trường hợp học sinh chưa có biểu hiện tiến bộ, không thực hiện đầy đủ các biện pháp giáo dục của nhà trường và gia đình, thì hiệu trưởng nhà trường họp hội đồng kỷ luật để xem xét, tiếp tục áp dụng hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp lần tiếp theo.

Khi học sinh được chuyển trường, trường học cũ có trách nhiệm bàn giao hồ sơ kỷ luật học sinh để trường học mới tiếp tục theo dõi, giúp đỡ học sinh tiến bộ…

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI